Chuyên gia “3 trong 1”
Thật không dễ tìm được địa chỉ mà Phúc nhắn cho vào một buổi chiều muộn sau khi tôi đến TP Hồ Chí Minh trễ hơn dự kiến, nhất là địa chỉ đó ở quận 12 và cách khá xa trung tâm. Thế nhưng, phần vì đã hẹn trước và phần vì tôi đã chờ đợi cái ngày này từ rất lâu, tôi vẫn quyết tâm gặp anh bằng được chứ không muốn chờ tới sáng hôm sau.
Vừa sử dụng Google Maps, vừa đi vừa hỏi, cuối cùng thì tôi cũng tới được Hán Nôm Đường trong một con hẻm ở phường Tân Thới Nhất. Tên gọi là vậy nhưng thực tế ở đây không hề có biển hiệu gì và nếu có, đấy là một tấm bảng đặt ở góc nhà, sát cánh cửa ra vào, được Phúc ghi trên đó những dòng chữ bằng phấn mầu như: Tu bổ và phục chế các loại sách cũ, sách Hán Nôm, sắc phong, gia phả; in rập văn khắc trên bia đá, in mộc bản; tu bổ và phục chế tranh giấy; bồi biểu thư họa bằng phương pháp thủ công. Dĩ nhiên thì tôi đã không nhìn thấy tấm bảng đó cho đến mãi sau đấy, khi cuộc trò chuyện kết thúc và tôi rời khỏi đây, bởi đập vào mắt của bất cứ ai bước vào căn phòng đầy ánh sáng, là hai chiếc bàn to, dài và một đôi nam nữ đứng ở đó. Đấy là Phúc mà tôi đã nhắc đến và vợ anh, chị Trần Bội Tuyền. Phải nói ngay rằng là tôi đã gặp những nghệ nhân như Phúc, Nguyễn Văn Rạng cũng ở TP Hồ Chí Minh hay Nguyễn Đức Khuynh (Khánh Hòa) nhưng phụ nữ làm công việc tu bổ, phục chế hiện vật giấy ở Việt Nam thì có lẽ chị Tuyền là người đầu tiên tôi tiếp xúc, nếu không muốn nói là không có ai.
Bên chiếc bàn bày la liệt dụng cụ mà nếu tìm hiểu, tôi cũng sẽ không thể nhớ hết công dụng của từng loại, Tuyền chăm chú với những tay sách của cuốn Truyện Kiều in trước năm 1975 đã được tháo rời. Cô miệt mài gỡ từng trang giấy, rồi cắt đoạn giấy mầu trắng rất mỏng, mỏng đến mức khi cô quết nước hồ lên, tờ giấy trong suốt như tấm kính. Chiếc chổi quết hồ vẫn theo đôi bàn tay cô gái nhẹ nhàng lướt đi lướt lại trên tấm giấy bồi cho tới khi Tuyền dường như cảm nhận được sự trải đều của nước hồ trên khắp bề mặt giấy bồi, thì mới nhẹ nhàng đặt trang giấy đã rách, thủng rất nhiều ở giữa gáy lên phần giấy bồi. Cứ tỉ mẩn như vậy, Tuyền biến từng trang giấy cũ, rách trở nên lành lặn, trước lúc cô xếp chúng sang bàn bên cạnh để cho khô.
Tôi không hỏi Phúc là họ sẽ mất bao nhiêu lâu để bồi hết từng trang giấy như vậy nhưng tôi biết chắc rằng, chẳng có ai làm như họ. Nghĩa là họ quá cẩn thận khi vá từng lỗ như vậy ở giữa tay sách bởi với những người thợ phục hồi sách cũ, họ sẽ đục lỗ mới và khâu chỉ, thay vì mất thêm công đoạn bồi giấy vào những chỗ rách. Chính xác thì những người thợ phục hồi sách cũ ở Việt Nam đều không thể làm được công đoạn đó bởi họ không học qua trường lớp hay từ một chuyên gia phục chế tranh, thư pháp, trong khi việc bồi giấy giống như bồi tranh, rồi quét cọ, làm hồ hay vá lỗ… thì “không thầy đố mày làm nên”. Do vậy, việc giới chuyên môn hay giới chơi sách gọi Phúc là “bác sĩ sách” là hoàn toàn chính xác bởi anh không đơn giản là làm những công việc như tháo gáy, tháo bìa, khâu lại cho đẹp rồi đóng bìa mới mà anh còn tu bổ từng trang giấy rách thành lành lặn nếu cần qua công đoạn bồi giấy tôi đã nêu ở trên.
Thế nhưng, như Phúc tiết lộ, trong tu bổ, phục chế hiện vật giấy, thư pháp (tranh) và sách, phục chế tranh vẫn là khó nhất. Để dẫn chứng, chàng trai sinh năm 1988 đã chỉ cho tôi những bức tranh thư pháp cổ mà anh treo trên tường của Hán Nôm Đường. Thoạt nhìn, tôi cứ ngỡ đó là những bức tranh mới được vẽ nhưng khi Phúc cho biết đó là những bức tranh đã được tu bổ hoặc phục chế thì tôi không khỏi kinh ngạc. Đến lúc Phúc cho xem lại những hình ảnh ban đầu của các bức tranh ấy, tôi thật sự khâm phục đôi tay “phù thủy” của anh bởi trái ngược với bức tranh tôi thấy trên tường, đó là một bức tranh rất cũ, mầu sắc đã ngả sang vàng nâu và mất mầu rất nhiều. Đấy là chưa kể nó bị rách nát tơi tả, thậm chí đã khuyết một lỗ khá lớn. Vậy mà qua một tháng phẫu thuật, Phúc đã “phù phép” biến bức tranh tưởng như có thể vứt đi thành một bức tranh gần như mới và vẫn giữ được sắc màu xưa cũ.
Phúc cho biết, không phải bức tranh nào anh cũng được phép công bố trên mạng xã hội hay sao chép nếu không có sự cho phép của người sở hữu vì có những bức tranh trị giá hàng chục nghìn USD. Ngược lại, anh sẽ có cơ hội cho mọi người thấy rõ sự khác biệt giữa một bức tranh bị hư hỏng và một bức tranh được tu bổ, phục chế như thế nào, cũng như quá trình anh thực hiện ra sao. Theo Phúc, công việc đầu tiên và cũng là khó khăn nhất đó là tháo gỡ tranh ra khỏi các kết cấu cũ. Do bức tranh trải qua rất nhiều thăng trầm của thời gian cho nên việc tháo gỡ không hề dễ dàng, buộc anh phải cẩn thận từng chi tiết nhỏ vì chỉ sơ sảy một chút là bức tranh lại càng nát thêm. Công đoạn này phải ngồi hàng giờ trước bàn làm việc, mà nếu nhìn bên ngoài tất cả sẽ tưởng như Phúc không động đậy gì. Ấy là chưa kể trước khi tu bổ hay phục chế, anh phải tìm hiểu chất liệu giấy, thuộc tính và các loại côn trùng gây hại cho giấy như: bọ bạc, mọt thuốc lá, rệp, mọt sách... để sử dụng dung môi.
Sau khi gỡ tranh, công đoạn tiếp theo cũng rất kỹ thuật, đó là làm sạch bức tranh tới mức tốt nhất có thể. Bằng những ngón nghề đã được học hành bài bản và dày công tìm hiểu về hóa chất, Phúc đã biến bức tranh nhuốm màu thời gian sang một màu sáng hơn nhiều lần trước lúc bước sang công đoạn vá tranh. Với các loại hóa chất chỉ có thể mua được ở nước ngoài, anh nhuộm và vá tranh một cách tinh xảo tới mức, bằng mắt thường thì rất khó nhận biết được bức tranh đã từng bị rách. Với những chỗ mầu bị tróc, bị phai, Phúc khéo léo vẽ và tô mầu lại khiến bức tranh trở về như nguyên gốc. Như anh tiết lộ, chỉ mất vài giây để nêu quy trình phục chế như “làm sạch, bóc gỡ, tu sửa và tút lại” nhưng thực tế thao tác thì phải qua tới gần 100 công đoạn. Thế là đủ thấy, nếu không học hành bài bản, không có sự kiên nhẫn, sự khéo léo cùng lòng nhiệt huyết với nghề, sự yêu mến văn hóa cổ thì rất khó để Phúc tinh thông ba kỹ thuật phục chế hiện vật giấy, tranh và sách như bây giờ.
Từ Bình Thuận đến Đài Loan (Trung Quốc)
Càng không thể tin được khi nghe chàng trai người Bình Thuận chia sẻ về niềm đam mê hay nói cách khác là những trang giấy đã “bỏ bùa” anh như thế nào, về hành trình đến với công việc hiện tại, như kiểu anh luôn có quý nhân phù trợ vậy. Bởi cuộc đời của Phúc có lẽ sẽ chẳng đi đến đâu vì thói ham chơi, không chú ý đến học hành của anh ở cái huyện miền núi Tánh Linh, trước khi một thầy giáo dạy Ngữ văn cảm hóa được tâm hồn anh. Đó là “quý nhân” đầu tiên giúp anh định hướng được con đường tương lai, để anh đăng ký khoa Văn học và Ngôn ngữ ở Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh sau này. Còn lý do vì sao anh học theo đuổi chuyên ngành Hán Nôm là bởi như người thầy giáo dạy Ngữ văn nói, học Hán Nôm để hiểu rõ cái hay của tiếng Việt mình hơn nữa.
Thế rồi như định mệnh, càng học, càng đi sâu ở chuyên ngành của mình, Phúc không khỏi xót xa trước sự nghiệt ngã của thời gian đã và đang hủy hoại ghê gớm những di sản Hán Nôm quý giá như sắc phong, gia phả… ở các thư viện, đình, chùa, nơi anh có cơ hội tiếp xúc trong các đợt đi thực tập thực tế và nghiên cứu khoa học. Vì thế, sau khi tốt nghiệp năm 2012, Phúc vẫn tiếp tục công việc sưu tầm tài liệu Hán Nôm cho Thư viện Huệ Quang (TP Hồ Chí Minh) cho đến năm 2014 rồi anh xin học bổng học thạc sĩ ngành tu bổ, chính xác là ngành bảo tồn di sản văn hóa tại Đại học Phật Quang của Đài Loan.
Mất hai năm nữa, Phúc tự tìm tòi và xin thực tập ở một bệnh viện sách, trước khi được gặp các chuyên gia trong lĩnh vực này ở một khóa học tu bổ mở rộng do bệnh viện sách này tổ chức. Đó là bước ngoặt nữa trong cuộc đời “tầm sư học đạo” của anh bởi chỉ trong một thời gian ngắn từ năm 2016 cho đến khi về Việt Nam vào tháng 12-2019, anh học và thực hành được những kiến thức khác nhau trong lĩnh vực tu bổ, phục chế hiện vật giấy ở rất nhiều người thầy. Trong số này có ông Ngô Triết Duệ, cố vấn Hội Văn hiến TP Đài Bắc và là một trong những chuyên gia, nhà phục chế hiện vật giấy hàng đầu Đài Loan.
Một may mắn khác cho Phúc trong quá trình học tập tại Đài Loan là anh gặp được Tuyền, người vợ hiện nay của anh, vào năm 2017. Ít ai ngờ cô gái nhỏ nhắn, hiền lành đó đã có nhiều năm học mỹ thuật tại Mỹ, rồi say mê với chuyên ngành tu bổ, phục chế hiện vật giấy và quyết định gắn bó cuộc đời với một chàng trai Việt Nam như anh. Điều đáng nói nữa là Tuyền và gia đình đã ủng hộ, hỗ trợ cho Phúc rất nhiều trong cuộc sống và học tập, trước lúc hai người chính thức kết hôn vào đầu năm 2020 này.
Nhờ đó mà khi rời Đài Loan, hành trang Phúc mang theo không chỉ là những kiến thức vô giá trong lĩnh vực tu bổ, phục chế hiện vật giấy mà còn rất nhiều tài liệu, dụng cụ liên quan mà anh chắc chắn không thể tìm thấy tại Việt Nam. Quan trọng không kém là sự sát cánh của người bạn đời, người cộng sự đặc biệt giỏi trong vẽ tranh và pha mầu.
Nỗi niềm với nghề
Dẫu còn nhiều khó khăn ở lĩnh vực cũ mà mới trong bảo tồn di sản văn hóa là hiện vật giấy nói chung và tranh, văn bản Hán Nôm hay sách nói riêng, nhưng một điều may mắn với Phúc là anh luôn nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ những đồng nghiệp, những người bạn và những người thân. Một trong số đó là Phó Giám đốc Thư viện quốc gia Việt Nam, bà Nguyễn Ngọc Anh, người mà năm 2018 có đưa ra một lời khuyên để giúp anh quyết tâm theo đuổi con đường mình đã chọn. Đấy là anh nên thành lập một cơ sở tu bổ, phục chế riêng thay vì vào làm ở một cơ quan nhà nước bởi anh có thể kết hợp với các trường, trung tâm bảo tàng mà vẫn thực hiện được các dự án có tài trợ bên ngoài. Thế nên, Hán Nôm Đường đã ra đời ngay sau khi Phúc trở về Việt Nam, giữa bộn bề lo toan của chuyện cơm áo, gạo tiền, chuẩn bị cho đám cưới với Tuyền và mong muốn được góp một phần công sức vào việc bảo tồn hiện vật giấy giá trị.
Như Phúc thừa nhận, thách thức cho anh và vợ lớn hơn những gì họ dự tính nhưng anh vẫn luôn nói với Tuyền rằng, nếu để làm giàu, anh đã không về Việt Nam và cô cũng không cần phải theo anh về sinh sống ở quận 12, TP Hồ Chí Minh. Bởi với chuyên môn của mình, Phúc và Tuyền có thể giảng dạy, dịch sách về kỹ thuật phục chế hiện vật giấy, tranh hay sách. Hay với vốn tiếng Anh và tiếng Trung, họ cũng có thể làm phiên dịch cho các công ty với thu nhập cao gấp nhiều lần công việc ngày ngày bên những chiếc chổi lông, kéo, cọ, thước đo, nhíp…
Mặc dù vậy thì Phúc vẫn tâm sự rằng, khi Hán Nôm Đường đi vào hoạt động ổn định, anh hy vọng có thể chia sẻ vai trò của một nghệ nhân, một người thợ mà mình đang đảm nhận cho những học trò mới để dành thêm thời gian cho việc truyền đạt kiến thức về công tác tu bổ, phục chế. Bên cạnh đó là sưu tầm, dịch những tài liệu liên quan bởi trong khi chuyên ngành tu bổ, phục chế hiện vật giấy, tranh và sách rất phổ biến ở Nhật Bản, Trung Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc) thì tại Việt Nam, những tài liệu chuyên sâu như vậy gần như không có, khiến bất cứ ai muốn tìm hiểu đều gặp khó khăn.
Chia tay tôi, Phúc tiết lộ anh và Tuyền vẫn đang phải ở nhà thuê, vẫn phải nhờ sự giúp đỡ bên nhà vợ nhưng trong họ luôn có khát vọng biến Hán Nôm Đường trở thành một địa chỉ được biết đến nhiều. Dĩ nhiên rồi vì họ sẽ không lãng phí từng ấy năm học hành một cách vô ích, rẽ ngang một con đường khác và bỏ mặc những di sản về văn hóa, Hán Nôm… hư hỏng, xuống cấp trong các thư viện, bảo tàng, di tích.
“Bác sĩ giấy” ở Hán Nôm Đường
Quả thực tôi không biết phải gọi anh là gì trong số những cái tên như nhà tu bổ hiện vật giấy, chuyên gia phục chế tranh hay bác sĩ sách. Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng tôi gọi anh là “bác sĩ giấy” bởi nói như Bùi Tiến Phúc, để tu bổ, phục chế được bất cứ tài liệu giấy nào như sách, văn bản Hán Nôm (sắc phong, gia phả…), bồi biểu tác phẩm thư pháp, thủy mặc… thì công việc đầu tiên là phải “phẫu thuật” và phẫu thuật ở đây được hiểu là làm sạch, bóc gỡ rồi mới đến tu sửa, tút lại.
Hai vợ chồng anh Bùi Tiến Phúc phục chế cuốn Truyện Kiều tại Hán Nôm Đường. |