Bác sĩ chỉ kỹ năng thoát hiểm khi có cháy

NDO - Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, khi phát hiện nhà có cháy, việc chui vào không gian kín như tủ quần áo hay nhà vệ sinh là phương án không khoa học, dẫn tới nguy cơ bị ngạt khí.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nạn nhân bị ngạt khí trong vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ.
Nhiều nạn nhân bị ngạt khí trong vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ.

Sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội, có rất nhiều trường hợp bị ngạt khói nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, ngộ độc khí CO, có trường hợp không qua khỏi.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chi, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, có 2 nhóm tổn thương lớn sau vụ cháy. Nhóm thứ nhất tổn thương do ngộ độc khi hít phải lượng khói lớn, với nhiều khí độc CO và có thể có Cyanua.

Sau khi thoát khỏi đám cháy khủng khiếp vào tối 12/9, một số nạn nhân kể lại họ đã đóng chặt cửa, lấy chăn, rèm cửa ngâm nước để bịt các khe cửa, tẩm nước vào khăn, quần áo che mũi miệng, chui vào tủ quần áo rồi gọi và chờ cứu hộ…

Chia sẻ về kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, phụ trách Trung tâm Oxy cao áp Việt-Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Bộ Quốc phòng, cho hay về mặt khoa học, cách chui vào không gian kín như tủ quần áo hay nhà vệ sinh không phải là tối ưu, thậm chí là phản khoa học.

Trong phòng kín, dù có xả nước lạnh hay quạt thông gió thì dưỡng khí sẽ mất dần sau khi bị các loại khí độc như CO, HCN, CO2... len vào, xâm chiếm không gian của dưỡng khí.

Nguy cơ tử vong do thiếu dưỡng khí, phổi có nguy cơ hít phải luồng khí độc như CO, HCN, CO2... và hơi nóng, khiến cơ thể bị tổn thương nghiêm trọng bởi khí độc và do bỏng niêm mạc đường hô hấp. Nạn nhân bị ngạt khí độc nhanh hơn trước khi bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ.

Theo bác sĩ Hoàng, trong trường hợp đám cháy được dập tắt nhanh chóng, hoặc khí độc chưa xâm lấn quá nhiều, không gây thiếu oxy, không còn cách nào khác để thoát nạn, đây có thể là một cách kéo dài thời gian sống sót, hy vọng được cứu sống. Những người sống sót bằng cách này thật sự rất may mắn vì sớm được cứu bởi nếu thời gian cháy lâu thì việc này càng nguy hiểm.

Khi xảy ra sự cố cháy, cách phù hợp vẫn là khom lưng, ngồi hoặc bò sát dưới sàn nhà, do đây là vùng không khí có chứa ít khí độc hơn. Đồng thời tẩm khăn/vải ướt che mũi, miệng (trừ phần mắt) để có thể hạn chế tối đa lượng khí độc vào phổi.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên chạy ra ban công, nơi thoáng khí, nếu không xuống được ngay thì nên dựng một tấm mái để nấp dưới đó, khí độc trong nhà bay ra sẽ bay lên cao, vượt lên mái. Ví dụ dùng một tấm đệm gác chéo tạo hình tam giác để người chui xuống dưới.

Bác sĩ Vũ Việt Hà, khoa Cấp cứu và hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho hay việc phủ khăn ướt che kín mặt, mũi có thể giúp tránh khói nhưng không ngăn được ngộ độc khí CO. Trong đám cháy, nếu ở trong phòng kín quá thì dù có khăn ướt vẫn có thể bị ngộ độc khí CO.

Vì thế, ngay khi được cứu thoát khỏi đám cháy, các nạn nhân cần được cho thở oxy ngay để bảo đảm cung cấp oxy, kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn, kiểm tra các vết thương trên người, đặc biệt vết thương do ngã, va chạm, sau đó chuyển vào bệnh viện để đánh giá sâu hơn.