Bắc Ninh ứng dụng công nghệ số trong quản lý đất đai

Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đóng vai trò quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Kỹ thuật công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường tỉnh Bắc Ninh khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm Kỹ thuật công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường tỉnh Bắc Ninh khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh.

Để góp phần cải cách thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch trong quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đôn đốc các địa phương sớm đưa hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai vào hoạt động. Thực hiện lộ trình ấy, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường, cùng các đơn vị liên quan tích cực triển khai Dự án hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn.

Thời gian này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh và Ủy ban nhân dân thị xã Quế Võ đang phối hợp triển khai Dự án tại địa phương. Theo đó, các xã, thị trấn trực thuộc thị xã khẩn trương rà soát, phân loại các thửa đất trong khu dân cư.

Trong đó, bao gồm cả các thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận có biến động về ranh giới, mục đích sử dụng và chủ sử dụng; các thửa đất do ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, do hộ gia đình cá nhân, tổ chức sử dụng,...

Thông qua đó, xác định cụ thể trong thiết kế kỹ thuật, dự toán của từng đơn vị hành chính trên cơ sở xác định khối lượng giấy chứng nhận cần phải cấp đổi, cấp mới,…

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thị xã Quế Võ Nguyễn Bá Quân cho biết: Đến nay, các ngành chức năng của thị xã đã kiểm đếm, thống kê số hộ đang sử dụng đất ở khu dân cư qua hệ thống bản đồ địa chính tại 10 xã; còn 11 phường đang điều chỉnh một số nội dung, rà soát biến động đất. Công tác thực hiện được đồng bộ từ đo đạc, lập bản đồ đến đăng ký cấp giấy chứng nhận, xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai,…

Hiện nay tỉnh Bắc Ninh hoàn thành triển khai Dự án hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai tại bốn trong số tám đơn vị cấp huyện gồm: Thành phố Từ Sơn, các huyện Lương Tài, Gia Bình, Tiên Du và đang thực hiện tại thị xã Quế Võ, sau đó hoàn thiện ở các địa bàn còn lại.

Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường Bắc Ninh Nguyễn Khắc Việt cho biết: Đơn vị đang phối hợp Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tiến hành đo đạc, chỉnh lý bản đồ trong khu dân cư và thực hiện kê khai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất ở, thống nhất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,… cho các xã. Dự án hoàn thành sẽ giúp tỉnh quản lý, khai thác tiềm năng về đất đai ngày càng hiệu quả hơn.

Thực hiện Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bắc Ninh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn, nhất là phát triển các ứng dụng nội bộ để phục vụ, tra cứu thông tin-lưu trữ.

Trong đó có hệ thống quản lý dữ liệu đất đai LMS; hệ thống đăng ký và lấy số thửa, số vào sổ, số hồ sơ gốc online trên website; hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ và công tác cấp giấy chứng nhận; hệ thống quản lý cấp phát, quản lý, hủy phôi giấy chứng nhận; hệ thống quản lý hồ sơ lưu trữ tổ chức, cá nhân; hệ thống tìm kiếm hồ sơ lưu trữ trên web…

Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quang Bính trao đổi: Văn phòng đã đưa những thông tin dữ liệu địa chính lên phần mềm hệ thống quản lý đất đai, giúp rút ngắn thời gian luân chuyển hồ sơ, thay thế cho quy trình xử lý hồ sơ giao dịch giấy bằng công nghệ số, tiến tới đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Đối với các xã, phường, thị trấn hoàn chỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, Văn phòng Đăng ký đất đai đã đưa vào vận hành, sử dụng trong việc cấp giấy chứng nhận thực hiện trên cơ sở dữ liệu địa chính.

Việc liên thông, kết nối trực tiếp cơ sở dữ liệu địa chính trên phần mềm từ cấp tỉnh đến cấp huyện giúp quá trình tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, cấp giấy chứng nhận được nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, thời gian; đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin trên địa bàn tỉnh.

Phần mềm cũng cho phép người dân truy xuất dữ liệu trực tuyến về thửa đất, lô đất, dự án, công trình,… đang thi công, quy hoạch, tạo tính minh bạch trong quá trình thực hiện các thủ tục về đất đai.

Theo anh Nguyễn Duy Khương (phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh), việc số hóa trong quản lý đất đai đã tạo rất nhiều thuận lợi cho người dân. Sự thống nhất và đồng bộ dữ liệu đã giúp người dân có thể làm các thủ tục online và gửi trên hệ thống, giúp giảm bớt rất nhiều thời gian đi lại, chờ đợi để giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai,…

Thực tế cho thấy, ở những địa phương đã hoàn thiện hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai đã giúp đẩy nhanh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tiếp nhận, trả hồ sơ qua thư điện tử, bưu điện,…

Từ đó góp phần đơn giản hóa và cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; cải thiện các chỉ số về năng lực cạnh tranh, quản trị và điều hành của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.