Bắc Ninh dồn sức cho các công trình trọng điểm

Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 cho tỉnh Bắc Ninh hơn 8.200 tỷ đồng, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị 9.356 tỷ đồng. Để hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Bắc Ninh đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu Phật Tích-Đại Đồng Thành sẵn sàng thông xe và đưa vào sử dụng.
Cầu Phật Tích-Đại Đồng Thành sẵn sàng thông xe và đưa vào sử dụng.

Trong giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên của Bắc Ninh là đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, như: dự án cầu vượt sông Đuống Phật Tích-Đại Đồng Thành; đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội,... Đây là những dự án có vốn phân bổ lớn, đóng vai trò động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Dự án xây dựng cầu vượt sông Đuống Phật Tích-Đại Đồng Thành (tỉnh Bắc Ninh) kết nối các tuyến Quốc lộ 1-Quốc lộ 17-Đường tỉnh 287-Quốc lộ 38-Quốc lộ 18; có ý nghĩa quan trọng, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế-xã hội khu vực Vùng Thủ đô, trực tiếp là các tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, đồng thời kết nối các khu di tích lịch sử phía nam sông Đuống như Lăng Kinh Dương Vương, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, thành cổ Luy Lâu,... với chùa Phật Tích, Đền Đô, đình Đình Bảng, chùa Tiêu,... Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe ô-tô; kết cấu gồm 25 nhịp cầu, trong đó, 5 nhịp chính sử dụng vòm thép kết hợp cáp treo dầm bê-tông cốt thép.

Trong giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên của Bắc Ninh là đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, như: dự án cầu vượt sông Đuống Phật Tích-Đại Đồng Thành; đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội,... Đây là những dự án có vốn phân bổ lớn, đóng vai trò động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông vận tải Bắc Ninh Nguyễn Anh Đức, đến nay, cầu đã được thử tải, các hạng mục cuối cùng cũng đã hoàn thành, bảo đảm đủ điều kiện thông xe, đưa vào khai thác (dự kiến trong tháng 10/2023).

Ngày 30/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công dự án đầu tư các tuyến Đường tỉnh 295C, 285B kết nối thành phố Bắc Ninh với Quốc lộ 3 mới, Đường tỉnh 277B kết nối với cầu Hà Bắc 2, đường vành đai 4-Vùng Thủ đô. Các tuyến đường này có tổng chiều dài 20 km, kết nối khu vực phía đông bắc của tỉnh Bắc Ninh với hệ thống quốc lộ trên địa bàn, tạo hướng giao thông thuận lợi với Vùng Thủ đô Hà Nội cùng các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên. Các dự án do Bắc Ninh làm chủ đầu tư, tổng kinh phí gần 1.500 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 900 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 596 tỷ đồng.

Tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển hạ tầng đối với Bắc Ninh khi đang trên lộ trình phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trung ương lựa chọn dự án này để bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và yêu cầu Bắc Ninh tập trung giải phóng mặt bằng, ổn định đời sống, sinh kế cho người dân; quyết tâm hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2025.

Bắc Ninh dồn sức cho các công trình trọng điểm ảnh 1
Các nhà thầu đang tích cực thi công cầu Hà Bắc 2.

Một công trình trọng điểm khác của tỉnh là dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh dài 35,3 km (24,3 km tuyến chính và 9 km tuyến nối). Dự án được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua chủ trương đầu tư với tổng vốn khoảng 5.210 tỷ đồng; trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng 2.480 tỷ đồng (diện tích 358,39 ha).

Để dự án triển khai đúng tiến độ, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo đường vành đai 4 tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đã yêu cầu cơ quan thường trực, các tổ giúp việc, địa phương phải chủ động, vận dụng linh hoạt chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quyết tâm khởi công dự án trong tháng 10/2023. Trong đó, thị xã Thuận Thành đã giải phóng gần 181 ha thuộc phạm vi dự án đi qua.

Đối với dự án thành phần 1.3, thành phố Bắc Ninh, thị xã Quế Võ và huyện Gia Bình cũng tích cực vận động nhân dân đồng thuận di dời mồ mả; thống kê, xác minh nguồn gốc đất nông nghiệp và phê duyệt phương án bồi thường các hộ còn lại; tiến hành kiểm kê nhà ở, tài sản, vật kiến trúc trên đất, thẩm định cấp nhà; áp giá, niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ nhà ở, tài sản, vật kiến trúc trên đất,…

Còn dự án thành phần 2.3, Sở Giao thông vận tải đã tích cực đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư, hoàn thành hồ sơ thiết kế bản vẽ và dự toán thi công để trình Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt; trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để tổ chức lựa chọn.

Ngay từ đầu năm (ngày 17/2/2023), Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 170/QĐ-UBND về việc thành lập, phân công nhiệm vụ Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Tổ công tác do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ngô Tân Phượng làm Tổ trưởng; thành viên là lãnh đạo các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường,… Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, các thành viên Tổ công tác có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tích cực phối hợp thực hiện; gắn việc hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công với bình xét thi đua cuối năm 2023.

Tính đến ngày 18/9/2023, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 3.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 36,7% so với kế hoạch Chính phủ giao và đạt 39,7% so với số vốn ủy ban nhân dân các cấp phân bổ chi tiết đến từng dự án, cao hơn bình quân cả nước và đứng thứ 32 toàn quốc. Trong đó, ngân sách tỉnh đạt 1.820/5.849 tỷ đồng (31,1%); ngân sách huyện, xã 1.194/1.748 tỷ đồng (68,3%).

Tại phiên họp thường kỳ tháng 9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang đã nhấn mạnh yêu cầu các sở, ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư, tiến độ thi công, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên; tăng cường phối hợp giữa chủ đầu tư, các ban quản lý dự án cấp tỉnh với ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong giải phóng mặt bằng.

Tỉnh sẽ quyết liệt xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; có hình thức xử lý nhà thầu chậm tiến độ.

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, từng gói thầu và nghiêm túc thực hiện kế hoạch theo từng tháng, quý. Từng đơn vị thường xuyên cử nhân lực đi kiểm tra, giám sát hiện trường; hằng tuần, hằng tháng làm việc, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ dự án, nghiệm thu nhanh khối lượng hoàn thành và giải quyết ngay các vấn đề phát sinh...; chủ động đề xuất điều chuyển vốn giữa dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn. Các chủ đầu tư được yêu cầu không đề xuất trả lại vốn, tức là cam kết giải ngân 100% vốn đã giao,...