Bắc Ninh cải thiện môi trường đầu tư

Bước vào năm 2021, nhằm triển khai hiệu quả mục tiêu cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh ban hành, thực thi nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong lĩnh vực công tác này.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh). Ảnh: TIẾN LỢI
Giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh). Ảnh: TIẾN LỢI

Theo đó, toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các kết luận của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy và rà soát các cơ chế, chính sách của tỉnh ban hành trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản, tài chính ngân sách, bảo đảm đúng quy định của Ðảng và pháp luật Nhà nước. Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong giai đoạn mới, theo hướng ưu tiên thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghiệp công nghệ cao; tài chính; thương mại - dịch vụ; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí quy mô lớn; nông nghiệp công nghệ cao… chuẩn bị các điều kiện tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2021; bảo đảm thực hiện tốt các chương trình đề ra, kết nối doanh nghiệp trong nước và ngoài nước; phát triển kinh tế tư nhân.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức triển khai nhiều nội dung cụ thể nhằm tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Ðồng thời, tỉnh đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện xã hội; tổ chức hiệu quả các cuộc vận động và phong trào do MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát động. Quá trình này, yêu cầu các Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, cấp ủy viên được phân công phụ trách theo dõi địa bàn, lĩnh vực thường xuyên giữ mối liên hệ, nắm chắc tình hình, cùng với địa phương, đơn vị, theo thẩm quyền đề xuất, xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp, "điểm nghẽn" cần tháo gỡ.

* Tỉnh Trà Vinh hiện có gần 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đầu tư 41.512 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 100 nghìn lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 98%, gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.

Ðể hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu sẽ phát triển thêm 2.500 doanh nghiệp; tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào GRDP hằng năm từ 13% đến 15%, vào ngân sách nhà nước từ 17% đến 20%. Ðồng thời tạo việc làm mới cho 22 nghìn đến 25 nghìn người, doanh thu bình quân doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 20 tỷ đồng…

Từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ dành gần 477 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguồn vốn sẽ được ưu tiên cho giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhằm phát triển bền vững, giảm tình trạng phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể; đẩy mạnh khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các hộ kinh doanh phát triển lên doanh nghiệp…