Bắc nhịp cầu kết nối Á-Âu

Với tinh thần sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng đẩy mạnh hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên EU, góp phần bắc nhịp cầu kết nối giữa châu Á và châu Âu. Cùng với đó, Việt Nam còn ghi đậm dấu ấn là thành viên tích cực, có vai trò ngày càng quan trọng trong cộng đồng Pháp ngữ, trở thành một trong những đầu tàu của cộng đồng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đại sứ quán Pháp tổ chức họp về phát triển giao thông bền vững tại Việt Nam. (Ảnh Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam)
Đại sứ quán Pháp tổ chức họp về phát triển giao thông bền vững tại Việt Nam. (Ảnh Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam)

Trải qua chặng đường gần 35 năm đồng hành, mối quan hệ hợp tác toàn diện, tốt đẹp giữa Việt Nam và EU ngày càng phát triển mạnh mẽ trên cơ sở sự tôn trọng lẫn nhau. Việt Nam là quốc gia ASEAN đầu tiên có tất cả các khuôn khổ hợp tác về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh với EU. Trong nỗ lực chung tạo sự kết nối giữa châu Á và châu Âu, Việt Nam cũng tích cực đẩy mạnh hợp tác với mỗi quốc gia thành viên EU, trong đó, Ireland và Pháp là các nước có mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam.

Sự xa cách về địa lý không thể ngăn cản những bước phát triển vững chắc trong quan hệ Việt Nam-Ireland. Quan hệ giữa hai nước phát triển tích cực kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1996. Về hợp tác kinh tế, Ireland là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Việt Nam tại thị trường EU. Giáo dục-đào tạo là “điểm sáng” trong quan hệ hợp tác song phương. Ireland có nền giáo dục tiên tiến với những trường đại học lớn và có uy tín trên thế giới. Là nước nói tiếng Anh, Ireland có lợi thế lớn trong thu hút sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên Việt Nam.

Khẳng định quan hệ hai nước đang trên đà phát triển tốt đẹp, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh kiêm nhiệm Cộng hòa Ireland (giai đoạn 6/2021-6/2024) Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, Ireland coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và trong ASEAN nói riêng. Việt Nam hiện được Ireland đưa vào chương trình hợp tác phát triển quốc tế Irish Aid nhằm đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực như khí hậu, bình đẳng giới, khắc phục hậu quả bom mìn, giao lưu nhân dân.

Trong khi đó, Pháp là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu cũng như trên thế giới. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống với sự gắn kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa và tình cảm gắn bó giữa nhân dân hai nước đã trở thành nền tảng quan trọng để quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Những dấu ấn văn hóa Pháp vẫn đang hiện hữu đậm nét trong đời sống của người dân Việt Nam và ngược lại. Năm thập kỷ phát triển quan hệ song phương và 10 năm Đối tác chiến lược là những cột mốc quan trọng đối với cả hai nước, là minh chứng cho sự phát triển vững vàng, đáng tự hào của mối quan hệ Việt Nam-Pháp, vượt qua những thử thách, thăng trầm của thời đại.

Từ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng đến khoa học-công nghệ, văn hóa-giáo dục, y tế… đều ghi rõ dấu ấn hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Pháp. Hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã hình thành và phát triển từ đầu những năm 1980. Pháp luôn coi giáo dục và đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác của mình tại Việt Nam. Hằng năm, Chính phủ Pháp dành 80 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, nhằm giúp Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong khi đó, được khởi xướng từ đầu những năm 1990, hợp tác địa phương Việt Nam-Pháp trở thành nét đặc thù trong quan hệ song phương. Hiện có 38 địa phương của Pháp có quan hệ đối tác với 18 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Các dự án hợp tác giữa các địa phương hai nước tập trung vào những lĩnh vực như y tế, giáo dục, nước và vệ sinh, bảo tồn di sản, phát triển bền vững.

Gia nhập Cộng đồng Pháp ngữ từ năm 1979, Việt Nam luôn ghi dấu ấn là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, góp phần tăng cường vị thế của cộng đồng trên trường quốc tế. Hiện nay, với sự tham gia đầy đủ và thực chất trên hầu hết các vấn đề ưu tiên của cộng đồng, Việt Nam được coi thuộc nhóm đang phát triển nòng cốt, có tiếng nói quan trọng đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ. Việc Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng của Cộng đồng Pháp ngữ như Chủ tịch Hội đồng thường trực Pháp ngữ (CPF), Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (CMF), Chủ tịch Hội nghị cấp cao Pháp ngữ... đã khẳng định sự coi trọng, đánh giá cao của cộng đồng đối với vị thế, uy tín của Việt Nam.

Trên cơ sở nền tảng quan hệ tốt đẹp được vun đắp bền bỉ trong nhiều năm qua, những trang mới trong quan hệ giữa Việt Nam với Ireland, Pháp và Cộng đồng Pháp ngữ sẽ tiếp tục được viết nên bởi tình hữu nghị, tinh thần sẻ chia cùng các hoạt động hợp tác hiệu quả, thiết thực, góp phần tạo sự gắn kết giữa châu Á và châu Âu.