Thủy sản gặp khó khăn
Theo đánh giá của tỉnh Bạc Liêu, kể từ đầu năm nay, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực đạt kết quả khá nhất trong phát triển kinh tế. Diện tích, năng suất và sản lượng lúa đều tăng so với cùng kỳ, giá thu mua lương thực đang có lợi cho nông dân, sản xuất muối kịp thời khắc phục thiệt hại sau những cơn mưa trái mùa cùng với giá muối tăng cao nên thu nhập mùa vụ của các hộ diêm dân đạt khá. Bên cạnh tình hình khá thuận lợi của sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu gạo được xem là khá tốt trong bối cảnh khó khăn như hiện nay với 28.320 tấn gạo được xuất khẩu trong quý I, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ...
Tuy nhiên, nếu sản xuất nông nghiệp phát triển, giá nông sản có lợi cho nông dân thì người nuôi tôm ở Bạc Liêu lại đang gặp khá nhiều khó khăn. Diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp giảm đến 37% so với cùng kỳ, giá tôm nguyên liệu thấp, chất lượng con giống không bảo đảm, nông dân thiếu vốn đầu tư, hạ tầng cho vùng tôm không bảo đảm... đã làm cho sản lượng nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản giảm mạnh. Trong khi đó, xây dựng cơ bản dù đã được tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn với quyết tâm hoàn thành một số công trình, dự án trọng điểm, dự án đã bố trí vốn, đường về trung tâm xã, các dự án xây dựng bệnh viện tuyến huyện... và tình hình thực tế đã tốt hơn năm 2008 (hồ sơ thủ tục cơ bản không còn tồn như năm trước, vấn đề giải phóng mặt bằng ít gay gắt hơn, hộ khiếu nại giảm...), nhưng vẫn còn khá nhiều dự án triển khai rất chậm, thủ tục đầu tư xây dựng rườm rà, năng lực quản lý đầu tư các dự án từ vốn ngân sách Nhà nước còn hạn chế... Vì vậy, xây dựng cơ bản hiện vẫn đang là lĩnh vực gây "đau đầu". Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, chiếm 40%; tỷ lệ học sinh bỏ học cao, tình trạng tái nghèo gia tăng... là những khó khăn hiện nay.
Ðẩy mạnh sản xuất
Trước tình hình nêu trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã đề ra các giải pháp, mục tiêu phát triển kinh tế trong quý II và những tháng còn lại của năm 2009. Tỉnh tập trung chỉ đạo, ngoài việc tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp ngăn chặn suy thoái kinh tế, bổ sung những giải pháp thích hợp như đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản. Giám đốc Sở Công thương Phan Hùng Việt cho biết, việc hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm lớn, tầm cỡ quốc gia để trưng bày và giới thiệu sản phẩm, quảng bá xây dựng, đăng ký thương hiệu, ký kết hợp tác với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... là các biện pháp chủ yếu trong công tác xúc tiến thương mại của Bạc Liêu hiện nay.
Trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, tỉnh tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện các nguồn vốn bổ sung từ Trung ương như đường Vĩnh Mỹ - Phước Long, Cầu Sập - Ninh Quới, Giá Rai - Gành Hào; tập trung chỉ đạo công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm: đường Trần Huỳnh, Cầu Bạc Liêu 2, Bạc Liêu 3...
Về vấn đề lao động thất nghiệp, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bạc Liêu Huỳnh Thúy Hằng, cho biết: Từ đầu năm đến nay, tỉnh có gần 600 lao động mất việc ở các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Ngành chức năng đã tham mưu, đề xuất những biện pháp giải quyết trợ cấp mất việc từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách cũng như tư vấn giới thiệu việc làm mới cho lao động, hỗ trợ vốn ưu đãi từ nguồn quỹ giải quyết việc làm...
Nhằm tháo gỡ khó khăn nêu trên, đưa kinh tế địa phương vượt qua suy giảm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức các cuộc hội nghị bàn các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt giải quyết những khó khăn, vướng mắc, yếu kém chung quanh các vấn đề như: đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giải ngân vốn kích cầu; chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là những người bị mất việc làm do các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp... bị ngưng hoặc thu hẹp sản xuất, nhằm khắc phục khó khăn, từng bước khôi phục sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng bền vững, bảo đảm an sinh xã hội...
Bài và ảnh: TRỌNG DUY