Bạc Liêu nỗ lực thu hút đầu tư

Diêm dân huyện Đông Hải (Bạc Liêu) thu hoạch muối.
Diêm dân huyện Đông Hải (Bạc Liêu) thu hoạch muối.

Tuy nhiên, Bạc Liêu vẫn là tỉnh nghèo, nhiều năm qua chưa tạo được môi trường thuận lợi, hấp dẫn để thu hút đầu tư. Nhận rõ thực trạng này, gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã nỗ lực khắc phục yếu kém, bất cập, đề ra nhiều giải pháp cụ thể, tạo ra sức hấp dẫn mới về thu hút đầu tư, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Khắc phục khó khăn, yếu kém

Lĩnh vực thu hút đầu tư ở Bạc Liêu nhiều năm qua còn hạn chế, chưa tương xứng với lợi thế của một tỉnh có hơn 56 km bờ biển, có tiềm năng, thế mạnh về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, làm muối, xây dựng cảng biển... Mặt khác, do xuất phát điểm về hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh còn thấp kém, xa các trung tâm lớn của khu vực và cả nước; Bạc Liêu chưa được các bộ, ngành và Chính phủ đưa vào quy hoạch các dự án lớn tầm quốc gia, mang tính động lực... dẫn đến việc thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp (DN) trong nước và ngoài nước đến hợp tác làm ăn trong nhiều năm qua còn hạn chế. Ðể tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên vị trí xứng đáng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) và cả nước, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu xác định, trước hết cần tích cực, chủ động khắc phục những khó khăn, yếu kém, nhất là đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm, trình độ lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh và các sở, ngành...

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Võ Văn Dũng cho biết: Ðiều đáng mừng là mới đây, Thường trực Chính phủ đã đồng ý về chủ trương giao các bộ và lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu khảo sát, lập báo cáo trình Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch quốc gia các dự án lớn. Trên cơ sở đó, tỉnh đã và đang tiến hành lập dự án đầu tư Khu kinh tế biển Gành Hào (huyện Ðông Hải), đi đôi với triển khai các khu công nghiệp Trà Kha (phường 8, thị xã Bạc Liêu) Láng Trâm (huyện Giá Rai), Ninh Quới (huyện Hồng Dân). Tại cửa biển Gành Hào, tỉnh có kế hoạch kêu gọi các nhà  đầu tư xây dựng trung tâm nhiệt điện, nhà máy điện gió... Chỉ riêng trung tâm nhiệt điện (dự kiến có ba nhà máy với tổng công suất thiết kế 3.600 MW), với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, sau khi đi vào hoạt động dự kiến sẽ nộp ngân sách mỗi năm gần 750 tỷ đồng. Ðây là những dự án lớn, được triển khai xây dựng sẽ là động lực góp phần quan trọng đưa Bạc Liêu phát triển. Về phát triển du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xem xét đưa Bạc Liêu vào quy hoạch du lịch quốc gia, du lịch vùng. Theo đó, Bạc Liêu đang lập nhiều dự án khá lớn để kêu gọi đầu tư, trong đó khai thác tối đa tiềm năng biển, về các giai thoại Công tử Bạc Liêu để thu hút du khách... Tỉnh đang triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh theo hướng thuận lợi nhất (rút ngắn thời gian thỏa thuận vị trí đất, giao đất, cấp phép đầu tư...) với quan điểm: "Việc gì khó dành cho cơ quan chính quyền tỉnh, việc gì dễ dành cho DN". Công bố các dự án kêu gọi đầu tư và những chính sách mới ưu đãi đầu tư của tỉnh; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và có điều kiện sẽ tổ chức tại một số nước. UBND tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh ký kết hợp tác với các tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ; các tập đoàn kinh tế lớn, những DN có thực lực kinh tế và có uy tín. Ðáng lưu ý, tỉnh đã ký kết hợp tác phát triển kinh tế với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào tháng 1-2010; đồng thời đang chuẩn bị ký kết hợp tác với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX)... Những ký kết hợp tác này mở ra nhiều cơ hội mới cho Bạc Liêu triển khai thực hiện một số dự án mang tính động lực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh...

Tạo đột phát thu hút đầu tư

Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Trà Kha (Bạc Liêu) Bùi Hồng Kỳ báo tin vui: Tính từ đầu năm đến nay, công ty đã đón 18 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư tại khu công nghiệp Trà Kha. Trong đó, tám nhà đầu tư đã thỏa thuận vị trí giao đất để lập dự án. Một số ngành nghề được đầu tư như dược phẩm, viễn thông, xuất nhập khẩu, chế biến thủy sản, xây dựng... Hiện nay, công ty đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu công nghiệp để tăng sức hút các nhà đầu tư, như: hoàn thành thi công san lấp mặt bằng giai đoạn 1, triển khai thi công gói thầu số 10 về làm các tuyến đường giao thông, cống thoát nước...

Với sự nỗ lực cao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bạc Liêu đã từng bước rút ngắn khoảng cách, vị trí của một tỉnh có chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh) thấp gần nhất nước (chỉ trên ba tỉnh) lên hạng trung bình vào cuối năm 2009. Trong gần một năm qua, hàng loạt dự án đầu tư mang tầm khu vực, quốc gia đã và đang được triển khai thực hiện tại Bạc Liêu từ những tập đoàn kinh tế lớn như PVN, VINATEX. Trong những ngày giáp Tết Canh Dần 2010, VINATEX đã khai trương siêu thị tại khu thương mại thị xã Bạc Liêu, vốn đầu tư xây dựng hơn 200 tỷ đồng. Ðây là siêu thị đầu tiên tại Bạc Liêu, phục vụ nhu cầu của người dân. Ngoài ra, Tổng công ty May Việt Tiến và Tổng công ty May Tây Ðô (VINATEX) chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy may mặc tại khu công nghiệp Trà Kha (Bạc Liêu) với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng...

Vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền nam 30-4 vừa qua, Tổng công ty Khí (PVN) khởi công xây dựng tòa nhà cao ốc phức hợp Bạc Liêu Tower, cao 18 tầng. Ðây là tòa nhà cao nhất khu vực ÐBSCL tính đến thời điểm này, với kiến trúc hiện đại, trên diện tích hơn 2.800 m2, tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Công trình đạt tiêu chuẩn bốn sao, đáp ứng nhu cầu về cho thuê văn phòng làm việc, khách sạn, siêu thị, tổ chức các sự kiện, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Ngoài ra, tập đoàn cũng đang tích cực chuẩn bị khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất bao bì dầu khí tại Bạc Liêu, với tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng...

Phát huy kết quả bước đầu về thu hút đầu tư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu tiếp tục chỉ đạo các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số PCI; nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Ðồng thời, rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, loại bỏ những thủ tục không cần thiết, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhằm "trải thảm đỏ" thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, phát huy tiềm năng, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục tình trạng "tụt hậu" về kinh tế, đưa Bạc Liêu sớm trở thành một tỉnh giàu mạnh ở khu vực ÐBSCL và cả nước...

Bài và ảnh: TRỌNG DUY