Bắc Kạn kiên quyết xử lý các dự án công nghiệp trì trệ

NDO -

Từ tháng 3/2021, Nhân Dân điện tử đã phản ánh tình trạng nhiều dự án công nghiệp ở Bắc Kạn trì trệ, hầu hết các nhà máy giờ đắp chiếu, gây thất thoát tài nguyên, là những “khối u” trăm tỷ nhức nhối. UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo tập trung xử lý, kiên quyết thu hồi những dự án không hiệu quả. 

Dự án nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn của Công ty TNHH Ngọc Linh.
Dự án nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn của Công ty TNHH Ngọc Linh.

Để giải quyết, xử lý dứt điểm, trong tháng 3/2021, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác giải quyết tồn tại, vướng mắc các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan Thường trực Tổ công tác. Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, tham mưu, giải quyết tồn tại, vướng mắc các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh làm cơ sở giải quyết dứt điểm đối với từng dự án cụ thể.

Nhà máy Gang Cẩm Giàng của Công ty CP khoáng sản Tây Giang Bắc Kạn tại huyện Bạch Thông, có tổng mức đầu tư hơn 434 tỷ đồng là hình ảnh “tiêu biểu” cho bức tranh công nghiệp ảm đạm của tỉnh Bắc Kạn. Xây dựng từ năm 2014 trên diện tích 4,4 ha, nhà máy được kỳ vọng khi hoạt động sẽ có tổng doanh thu 800 tỷ đồng/năm, đóng góp cho ngân sách tỉnh 100 tỷ đồng mỗi năm; tạo việc làm cho từ 150 - 180 lao động địa phương với thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Thế nhưng, vận hành một thời gian ngắn thì từ tháng 2-2016, nhà máy chỉ sản xuất cầm chừng, đến tháng 1-2019 thì dừng hẳn. 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, khi thực hiện dự án cải tạo, Công ty CP khoáng sản Tây Giang Bắc Kạn đã thế chấp dự án vào ngân hàng. Đến nay, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội đang bán tài sản dự án để thu hồi vốn. Công ty còn nợ thuế kéo dài nhiều năm, nhà máy không hoạt động gây lãng phí đất, bức xúc trong nhân dân. Ngày 24/9, Cục Thuế Bắc Kạn đã ra văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với công ty này. 

Nhiều biện pháp mạnh đã được các ngành chức năng triển khai. Đối với dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty CP sản xuất và chế tạo ô tô Tracimexco, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt 65 triệu đồng đối với hành vi vi phạm bảo vệ môi trường. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Chi nhánh 7, TP Hồ Chí Minh (cổ đông chi phối Công ty CP sản xuất và chế tạo ô tô Tracimexco) thực hiện các thủ tục phát mại tài sản theo quy định. 

Những dự án có khả năng khôi phục sản xuất, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo hỗ trợ, giải quyết vướng mắc để doanh nghiệp đưa nhà máy vào hoạt động. Lớn nhất tại Bắc Kạn hiện là dự án nhà máy điện phân chì, kẽm của Công ty TNHH Ngọc Linh. Sau hàng chục năm không hoạt động, nhưng do đã hoàn thiện cơ bản 2 dây chuyền sản xuất kẽm và chì, chạy thử xưởng tuyển nổi kẽm chì, đồng thời có cam kết tiến độ, có tính khả thi nên UBND tỉnh Bắc Kạn đã chấp thuận để công ty tiếp tục triển khai, đầu tư thêm dây chuyền sản xuất đồng. UBND tỉnh Bắc Kạn đồng thời chỉ đạo, nếu công ty không thực hiện dự án theo tiến độ cam kết thì yêu cầu cắt giảm quy mô đầu tư để tập trung thực hiện xong các hạng mục đã xây dựng, đưa vào hoạt động. 

Sau khi rà soát, thống kê, Bắc Kạn còn 12 dự án công nghiệp trì trệ, không hoạt động. Để giải quyết dứt điểm, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì giải quyết 4 dự án; Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì giải quyết 3 dự án; Sở Công thương chủ trì giải quyết 3 dự án; Sở Tài chính chủ trì giải quyết 1 dự án và Công an tỉnh chủ trì giải quyết 1 dự án. 

Tính đến tháng 10/2021, hầu hết các dự án đều đã có phương án, hướng giải quyết cụ thể. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đến nay, Sở đã quyết định chấm dứt 1 dự án đầu tư xây dựng xưởng tuyển khoáng sản do nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Đối với các dự án còn lại đều đã được rà soát, chỉ rõ những vướng mắc, tồn tại, từ đó đề ra giải pháp tháo gỡ, xử lý. Định kỳ vào trước ngày 20 hằng tháng, các đơn vị được giao chủ trì giải quyết sẽ báo cáo UBND tỉnh về tiến độ xử lý. 

Hầu hết các dự án công nghiệp trì trệ ở Bắc Kạn đều đã hoàn thành xây dựng nhưng lại không hoạt động, toàn bộ tài sản là dây chuyền, thiết bị đều đã đem thế chấp ngân hàng để vay vốn. Chính vì vậy, quá trình xử lý các dự án này, tỉnh Bắc Kạn buộc phải chờ các ngân hàng phát mại được tài sản mới có thể thu hồi đất đai, dẫn tới quá trình xử lý kéo dài khi tài sản phát mại không ai mua. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư mới thì lại không có quỹ đất để triển khai dự án. 

Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đinh Quang Tuyên yêu cầu các ngành liên quan điều tra, xử lý vi phạm pháp luật (nếu có) liên quan đến môi trường sử dụng đất của doanh nghiệp. Tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công thương phối hợp giải quyết một số dự án. Các dự án có khả năng khôi phục, chuyển nhượng thì chủ động tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai. 

Những “khối u” trăm tỷ đồng ở Bắc Kạn