Bắc Kạn đề nghị các siêu thị lớn hỗ trợ tiêu thụ cam, quýt

NDO -

Vụ cam, quýt năm nay, Bắc Kạn dự kiến đạt sản lượng hơn 24.000 tấn. Tỉnh đang nỗ lực xúc tiến, quảng bá, kết nối để hỗ trợ người dân tiêu thụ hết sản phẩm này.

Lãnh đạo huyện Bạch Thông kiểm tra, nắm tình hình tiêu thụ cam quýt.
Lãnh đạo huyện Bạch Thông kiểm tra, nắm tình hình tiêu thụ cam quýt.

Vụ năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phía Trung Quốc hạn chế thông thương, nên nông sản trong nước khó lưu thông, giá quýt Bắc Kạn thấp thê thảm, có thời điểm chỉ 2.000 đồng/kg. Hệ quả, năm nay, người dân không còn mặn mà chăm sóc làm năng suất giảm. Do vậy, sản lượng vụ này của Bắc Kạn sẽ chỉ đạt khoảng 6.800 tấn cam và hơn 17.000 tấn quýt.

Giám đốc Sở Công thương Bắc Kạn, Hoàng Hà Bắc cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho nên nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm cam, quýt Bắc Kạn năm nay ở một số tỉnh, thành phố lớn đã phải dừng lại. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến độ cũng như giá cả tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Do vậy, ngành đã tham mưu tỉnh điều chỉnh ngay kế hoạch tiêu thụ sản phẩm này.

Trước mắt, Sở Công thương sẽ cung cấp các thông tin về sản phẩm, chất lượng, thời vụ sản phẩm nông sản đến mùa vụ, trong đó có sản phẩm cam, quýt và đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, UBND các tỉnh, thành phố; Sở Công thương các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn…) để nghiên cứu, kết nối tiêu thụ sản phẩm; đề nghị các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử hỗ trợ đưa baner quảng cáo cam, quýt Bắc Kạn trên website của các đơn vị; quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

Hiện tại, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có văn bản gửi tới Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce; Công ty TNHH thương mại quốc tế và dịch vụ siêu thị Big-C (Tập đoàn Central Group Việt Nam); Công ty TNHH Aeon Việt Nam đề nghị đơn vị hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cam, quýt và một số mặt hàng nông sản của tỉnh, cung cấp vào chuỗi hệ thống siêu thị của các đơn vị này.

UBND tỉnh Bắc Kạn cũng giới thiệu Chi nhánh Bưu chính Viettel Bắc Kạn làm đơn vị đầu mối thu mua, vận chuyển, cung cấp hàng hóa, hoàn thiện thủ tục giấy tờ để đưa cam, quýt vào chuỗi hệ thống siêu thị của công ty.

Trong tháng 12, tỉnh Bắc Kạn sẽ đưa sản phẩm cam, quýt tham gia Chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía bắc với nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” do Bộ Công thương tổ chức; tham gia gian hàng trực tuyến tại Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2021 - VietNam Foodexpo năm 2021. Trên cơ sở dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, Bắc Kạn sẽ tổ chức 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Công thương khu vực Đông Bắc - Bắc Kạn năm 2021.

Ngoài ra, tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, cách thức vận hành, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thiết kế, xây dựng các gian hàng “cam, quýt Bắc Kạn” và vận hành trên các sàn thương mại điện tử Voso, PostMart.  

Đối với sản lượng cam, quýt có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; có chứng nhận an toàn thực phẩm hoặc VietGap... tỉnh sẽ tổ chức kết nối, hỗ trợ đàm phán và ký kết hợp đồng tiêu thụ vào các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ, bếp ăn tập thể và các nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, hiện tại tỉnh đã làm việc với các sàn giao dịch thương mại điện tử đề nghị hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, địa phương liên hệ với các hợp tác xã có đủ điều kiện, năng lực làm đơn vị đầu mối thu mua, vận chuyển, cung cấp hàng hóa, hoàn thiện thủ tục giấy tờ để đưa cam, quýt lên các sàn giao dịch thương mại điện tử và vào hệ thống các siêu thị.

Trong những năm gần đây, việc tiêu thụ cam, quýt, nhất là quả quýt bản địa của Bắc Kạn thường gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do trong vòng 10 năm trở lại đây diện tích loài cây này ở Bắc Kạn tăng nhanh, sản lượng lớn, cung vượt cầu nên giá bán quả quýt liên tục giảm.

Bên cạnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ, hiện tại Bắc Kạn cũng đang chỉ đạo triển khai cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng và nghiên cứu trồng thay thế các diện tích già cỗi bằng những giống mới được thị trường ưa chuộng.