Liên hoan năm nay quy tụ hơn 200 nghệ sĩ đến từ 13 đơn vị nghệ thuật trên cả nước với 13 tác phẩm sân khấu đặc sắc thuộc các loại hình: chèo, cải lương, kịch nói, xiếc.
Phát biểu bế mạc Liên hoan, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận định: Liên hoan lần này đánh giá cao những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật có hiệu quả của các thành phần sáng tạo và đội ngũ diễn viên, nhạc công, làm rõ hơn các chức năng nhận thức-giáo dục-dự báo của sân khấu, mang đến giá trị, ấn tượng thẩm mĩ cho người xem.
“Sự tham gia nghiêm túc của các đoàn nghệ thuật, sự hưởng ứng nhiệt thành của các khán giả đã góp phần làm cho sức sống nghệ thuật sân khấu được lan tỏa tích cực, góp phần tạo nên không khí sôi động chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (1954-2022) - một trong những trang sử vẻ vang của dân tộc” - Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đăng Chương - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đánh giá tổng kết về chất lượng nghệ thuật của Liên hoan. |
Thay mặt Hội đồng Giám khảo, ông Nguyễn Đăng Chương, Chủ tịch Hội đồng ghi nhận nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung và nghệ thuật. Vì thế, Hội đồng giám khảo thống nhất cao đề xuất số lượng giải thưởng dành cho vở diễn vượt quy định của quy chế chấm thi. “Những vở diễn này thực sự làm thăng hoa về nhận thức thẩm mỹ đối với khán giả. Giá trị tác phẩm làm cho người xem trăn trở, suy tư, chiêm nghiệm, ngẫm ngợi để tự điều chỉnh mình, làm sao sống tốt hơn, có ích hơn giữa cuộc sống đang chịu nhiều tác động của cơ chế thị trường” - Nhà viết kịch, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cũng chỉ ra một số tồn tại từ Liên hoan, đó là có những đơn vị thiếu đầu tư về kinh phí, thời gian trong quá trình chuẩn bị tác phẩm, mang tới Liên hoan vở diễn sơ sài, đơn giản, thiếu thẩm mỹ về nội dung và hình thức thể hiện, tạo nên cảm giác đơn điệu, nhàm chán cho người xem. Liên hoan cũng thiếu vắng những kịch bản phản ánh chân thực, sinh động về người Hà Nội thời hiện đại.
Từ đây, Hội đồng Giám khảo đưa ra một số kiến nghị đối với đơn vị tổ chức như: cần xây dựng quy chế và thông báo sớm tới các đơn vị nghệ thuật có thời gian chuẩn bị về mọi mặt, tránh tình trạng vội vã tìm kịch bản, vội vã dàn dựng; cần tổ chức các trại sáng tác để có những kịch bản chất lượng về Hà Nội; huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ các đơn vị đi biểu diễn phục vụ nhân dân; đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để lan tỏa ý nghĩa của Liên hoan.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao 3 Huy chương Vàng cho các vở diễn: “Mưa đỏ” (Nhà hát Kịch nói Quân đội); “Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên” - Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long (Hội Sân khấu Hà Nội); “Trung Trinh liệt nữ"(Nhà hát Chèo Hà Nội) và 4 Huy chương Bạc cho các vở diễn xuất sắc. Cùng với đó là 26 Huy chương Vàng, 33 Huy chương Bạc dành cho các diễn viên xuất sắc và Bằng khen dành cho diễn viên nhỏ tuổi nhất (Trần Bảo Khánh trong vở “Hà Nội - thành phố của những ước mơ” - Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội)
Ban Tổ chức cũng trao giải cho các thành phần sáng tạo, gồm: một giải Tác giả xuất sắc (nhà văn Chu Lai); một giải Đạo diễn xuất sắc (NSND Lê Hùng); một giải Biên đạo múa xuất sắc (Thạc sĩ Hoài Anh); một giải Họa sĩ xuất sắc (nghệ sĩ Đặng Minh Tuấn); bốn giải Nhạc công xuất sắc (Võ Thanh Liêm, Bùi Tất Trọng, Phạm Hồng Tiếp, NSƯT Phạm Hữu Vương).