Ba thứ quân-Một mô hình tổ chức quân sự sáng tạo và độc đáo của Đảng

NDO -

NDĐT - Trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng ta đã đưa ra và thực hiện thành công mô hình tổ chức Lực lượng vũ trang ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, Bộ đội địa phương và Dân quân du kích. Tướng Ra-un Xa-lăng – nguyên Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương đã từng đánh giá mô hình này có thế “kiềng 3 chân”.

Tháng 4 năm 1949, Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy quyết định thành lập Bộ đội địa phương, đặt dấu mốc cho sự ra đời chính thức của Lực lượng vũ trang ba thứ quân.

Trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang cũng như trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, truyền thống và kinh nghiệm tổ chức lực lượng vũ trang trong lịch sử đã được Đảng ta và Lãnh tụ Hồ Chí Minh kế thừa , vận dụng và phát triển lên một tầm cao mới. Đó là cùng với việc tổ chức lực lượng chính trị hùng hậu của quần chúng và trên cơ sở phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng đặc biệt coi trọng và đã giải quyết thành công vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân với một mô hình tổ chức quân sự độc đáo, thích hợp với điều kiện lịch sử mới – mô hình Lực lượng vũ trang ba thứ quân.

Mặc dù về mặt tổ chức, Lực lượng vũ trang ba thứ quân mãi đến tháng 4 năm 1949 mới chính thức hoàn chỉnh , nhưng vào tháng 5 năm 1944, trong Chỉ thị “Sửa soạn khởi nghĩa” của Tổng bộ Việt Minh lại tiếp tục khẳng định hình thức tổ chức lực lượng vũ trang bao gồm ba đội quân cách mạng cơ bản: Bộ đội du kích, Tiểu tổ du kích, Đội tự vệ cứu quốc. Ngày 22/12/1944, Đội du kích chính thức ra đời mang tên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Về mối quan hệ của Đội quân chủ lực này với du kích và tự vệ các địa phương, trong Chỉ thị thành lập Đội do đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc tại lễ tuyên thệ nhấn mạnh: Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn diện cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đõ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt các đội vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên... Tháng 5/1945, khi thời cơ Tổng khởi nghĩa đến gần, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ đã quyết định hợp nhất Việt nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam giải phóng quân; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải mở rộng các đội tự vệ và du kích ở các địa phương.

Như đã nêu ở trên, với việc Bộ đội địa phương được thành lập vào tháng 4/1949, mô hình tổ chức quân sự chính thức hoàn chỉnh với lực lượng vũ trang ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, Bộ đội địa phương và Dân quân du kích.

Bộ đội chủ lực từ những đơn vị nhỏ ban đầu phát triển lên những binh đoàn chiến lược với sức cơ động cao, trang bị hiện đại, có trình độ tác chiến hiệp đồng quân binh chủng...là lực lượng chủ yếu tiến hành chiến tranh chính quy với mọi quy mô. Đây là “quả đấm chiến lược” mạnh đóng vai trò tiêu diệt sinh lực địch chủ yếu, góp phần đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù. Chiến tranh chính quy do Bộ đội chủ lực tiến hành hỗ trợ và tạo điều kiện cho chiến tranh du kích ở các địa phương và các hoạt động đấu tranh chính trị, binh địch vận, đấu tranh ngoại giao phát triển. Bộ đội địa phương với quy mô tổ chức chủ yếu là cấp tiểu đoàn, trung đoàn đóng vai trò nòng cốt trong thế trận chiến tranh nhân dân ở các địa phương; giữ vững và phát triển chiến tranh du kích, tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch, phối hợp và hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, cùng với dân quân du kích lầm thất bại các nỗ lực chiến tranh của địch tại các địa phương. Hoạt động của Bộ đội địa phương, tùy theo điều kiện hoàn cảnh khi tập trung, khi phân tán; khi hoạt động độc lập, khi phối hợp bộ đội chủ lực hoặc dân quân, du kích ở các địa phương . Dân quân du kích là lực lượng rộng rãi của quấn chúng không thoát ly sản xuất, đánh địch tại chỗ, bảo vệ địa bàn. Dựa vào hệ thống làng xã chiến đấu, lực lượng này cùng với Bộ đội địa phương tiến hành chiến tranh du kích, căng kéo, tiêu hao sinh lực địch, bảo vệ và phát triển khu du kích, căn cứ du kích, hỗ trợ đấu tranh của quần chúng, làm nòng cốt trong các hoạt động chống càn, diệt ác, củng cố và xây dựng cơ sở chính trị tại các địa phương.

Với mô hình tổ chức lực lượng vũ trang ba thứ quân, kết hợp giữa chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng đã động viên và phát huy được sức mạnh toàn dân đánh giặc, buộc các đội quân viễn chinh xâm lược phải đương đầu đối phó với cả một dân tộc và sa lầy trong một thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp.

Có thể thấy, trải qua chặng đường 70 năm kể từ ngày Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – Đội quân chủ lực đầu tiên ra đời, Đảng ta đã giải quyết thành công một trong những vấn đề lớn của cách mạng Việt Nam – đó là vần đề tổ chức quân sự. Thực tế lịch sử cho thấy tổ chức lực lượng vũ trang ba thứ quân là một mô hình thích hợp. Đây thực sự là một sáng tạo độc đáo của Đảng; nó đánh dấu bước phát triển mới về lý luận quân sự nói chung, về lý luận xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân nói riêng của Đảng ta.