Ngoài huyện Côn Đảo đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ trước, 3 địa phương vừa được nới lỏng biện pháp giãn cách, gồm: Đất Đỏ, Châu Đức, Xuyên Mộc đều là những huyện có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều nông sản ưu thế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chủ trương khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các “vùng xanh” là tin vui cho nhiều bà con nông dân đang cần tiêu thụ nông sản.
Ưu tiên mở chợ dân sinh
Thông tin huyện Châu Đức được nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 15 làm cho người dân địa phương rất phấn khởi. Anh Võ Thanh Cao, ở xã Xà Bang, huyện Châu Đức, chia sẻ: Thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 khiến đời sống bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nông sản đến kỳ thu hoạch thương lái không thể vào vườn để mua như trước. Các chợ dân sinh đều đóng cửa nên nông dân chỉ biết “khóc ròng”. Giờ bà con mừng lắm, hoạt động giao thương được kết nối lại sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại cho nông dân.
Anh Nguyễn Văn Bồ, ở xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc, cũng chia sẻ: Nhãn Xuyên Mộc đang vào vụ thu hoạch, hiện giá xuống thấp, chỉ từ 10 nghìn đến 15 nghìn/kg. Nếu các chợ dân sinh được mở lại, chắc chắn giá sẽ tăng và sản lượng tiêu thụ cũng sẽ nhiều lên.
“Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng tình trạng hàng hóa, nông sản của bà con nông dân bị ùn ứ do đứt gãy chuỗi cung ứng, phân phối là có thật. Riêng đối với sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng, huyện Xuyên Mộc đã 2 lần có văn bản gửi các ngành chức năng đề nghị hỗ trợ. Thế nên, tổ chức hoạt động trở lại đối với các chợ truyền thống, dân sinh đang là mong mỏi lớn của bà con nông dân chúng tôi”, anh Bồ khẳng định.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Đồng cho biết: Ngay khi tỉnh có văn bản nới lỏng giãn cách với các huyện “vùng xanh”, sở đã tham mưu và phối hợp UBND các huyện để từng bước khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, trong đó ưu tiên mở lại các chợ dân sinh, truyền thống, giúp người dân tiêu thụ nông sản hàng hóa. Tuy nhiên, việc tổ chức mở lại các chợ sẽ phải thực hiện theo lộ trình. Theo đó, từ nay đến ngày 15/9 chỉ mở cửa 30% số quầy sạp kinh doanh mặt hàng thiết yếu, sau ngày 15/9 sẽ nâng lên 50%...
Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch
Tại cuộc họp với 4 địa phương thực hiện Chỉ thị 15, gồm: Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức và Côn Đảo cùng các sở, ngành liên quan để lấy ý kiến về việc mở lại một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chiều 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cho biết, việc mở lại các chợ dân sinh, truyền thống tại các “vùng xanh” là rất cần thiết, tuy nhiên các địa phương phải căn cứ tình hình thực tế, không lơ là, chủ quan trong công tác phòng dịch. Khi mở chợ phải quản lý chặt tiểu thương, người giao hàng, người đi chợ mua hàng, lái xe, phụ xe… Đồng thời, phải xây dựng phương án phòng, chống dịch cho chợ; phân loại từng nhóm chợ để có giải pháp phòng, chống dịch cụ thể.
Chủ tịch UBND huyện Châu Đức Hoàng Nguyên Dinh cho biết: Trên cơ sở đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch, huyện sẽ cho mở cửa trở lại các chợ truyền thống. Với quyết tâm không để dịch xâm nhập trở lại “vùng xanh”, các tiểu thương khi trở lại kinh doanh tại chợ phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ; người dân vẫn được phát phiếu đi chợ và tuân thủ việc giãn cách. Huyện Châu Đức sẽ tiếp tục duy trì các tổ đi chợ hộ để hỗ trợ người dân mua sắm lương thực, thực phẩm.
Còn tại huyện Đất Đỏ, Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Sơn Thái chia sẻ: Thời gian đầu huyện vẫn giữ nguyên tắc người dân xã nào đi chợ trên địa bàn xã đấy. Các quầy hàng tại chợ phải bố trí bảo đảm giãn cách và an toàn phòng, chống dịch, tuân thủ 5K. Người dân được phát phiếu đi chợ. Các tuyến đường cửa ngõ vào huyện vẫn có chốt kiểm soát an toàn phòng, chống dịch, phương tiện, hàng hóa lưu thông ra, vào huyện vẫn sẽ được kiểm soát…
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Đồng khẳng định, bên cạnh việc triển khai có lộ trình, khi mở lại các chợ dân sinh, truyền thống các địa phương vẫn phải kiểm soát chặt nguồn cung cấp hàng hóa của tiểu thương thông qua các điểm tập kết; phải xét nghiệm cho tiểu thương 3 ngày 1 lần và kiểm soát người ra vào chợ.
Bên cạnh đó cần chia khung giờ đi chợ theo từng địa bàn dân cư để tránh tình trạng tập trung đông người. Các cửa hàng kinh doanh ăn uống chỉ bán mang về, không phục vụ tại chỗ và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.