Dựng chòi mở lớp tình thương
Hồi tóc còn để chỏm ở quê nhà huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long, cậu bé Nguyễn Thanh Hải đã có một ước mơ cháy bỏng là được nối nghiệp cha làm nghề dạy học. Năm 15 tuổi, nhờ có người quen giúp đỡ, Hải lên Sài Gòn học tiếp chương trình tú tài rồi đậu và tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Nhưng rồi anh không thể về quê để thực hiện lời hứa ngày nào của mình vì chiến tranh ly loạn. Hải tâm niệm, ở đâu cũng có trẻ em nghèo, thất học, không về quê được thì mở lớp tại chỗ vậy”.
Cuối năm 1973, khi về giảng dạy tại Trường Kỹ thuật Gia Định (nay là Trường Kỹ thuật Điện TP Hồ Chí Minh) tại xã Thạnh Lộc, huyện Hóc Môn (nay là phường Thạnh Lộc, quận 12), thầy Hải bắt tay ngay vào việc dạy chữ cho trẻ em cơ nhỡ. Hằng ngày, sau giờ dạy ở trường, thầy Hải đạp xe khắp các con hẻm, bờ đê, đến từng nhà gọi các em đi học. Có những căn chòi nằm ở sát sông lớn, không có đò qua, thầy Hải phải bỏ xe đạp lại bên đây bờ để bơi qua sông thuyết phục gia đình họ cho con đi học.
Cuối cùng cũng có hơn 40 trẻ chịu ra lớp nhưng lại không có nơi... để học. Người thầy giáo trẻ lại đi vận động khắp nơi xin được một khoảng đất trống giữa đồng để dựng một cái chòi làm lớp. Thầy trò hì hục tự kéo xe bò chạy ra ven sông chặt lá dừa nước, tre trúc về dựng chòi. Cuối cùng, lớp học tình thương đầu tiên cũng ra đời là một căn chòi giữa đồng trống. Đêm đêm dưới ngọn đèn dầu, rộn rã tiếng thầy giáo trẻ giảng bài cho học trò... Theo thời gian, số học trò cứ tăng dần lên đến con số trên 100, có cả trẻ từ các xã lân cận như An Phú Đông, Nhị Bình... rủ nhau tìm đến.
Lội bộ 40 cây số đi dạy học
Thấm thoắt lớp học tình thương đã tồn tại hơn 30 năm trời và trở thành những lớp học phổ cập ban đêm ở phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân ngày nay. Một số bạn bè cũ sau này là hiệu trưởng các trường cấp 3, trường dạy nghề ở trung tâm thành phố định mời thầy về dạy cho gần nhà nhưng ông “giáo làng” cũng chối từ với lý do “bỏ tụi nhỏ không đành”.
Những năm 80, xã Thạnh Lộc thiếu giáo viên cấp 1 đứng lớp. Đang dạy ở bậc trung học nghề, thầy Hải tình nguyện chuyển xuống dạy... cấp 1 để có điều kiện gần gũi học trò nghèo của mình. Hằng ngày, thầy Hải đạp xe hơn 40 cây số đi, về để dạy lớp 5 ở Trường Tiểu học Thạnh Lộc, tối ở lại đứng lớp tình thương. Nhưng rồi “con ngựa sắt” trung thành cũng bỏ thầy ra đi. Chuyện là vào cuối năm 1980, một bữa tan lớp tình thương, thầy trò hốt hoảng vì chiếc xe đạp dựng ở phía trước đã không cánh mà bay. Những cô, cậu học trò ôm lấy thầy khóc sợ thầy bỏ lớp. Nhìn học trò, thầy Hải không cầm lòng, hứa: “Bất cứ giá nào thầy cũng không bỏ tụi con đâu”. Ba năm trời sau đó, cứ 3 giờ sáng, thầy Hải lại “quải túi” lội bộ từ nhà đến lớp. Tháng 10-1983, các con thầy dành dụm được ít tiền đưa cho cha để mua chiếc xe đạp mới. Nhưng thầy Hải lại dùng số tiền này tặng cho gia đình học sinh để sửa lại căn chòi dột nát. Đi bộ đến trường hằng ngày nhưng thầy Hải giấu nhẹm bạn bè, sợ mọi người ái ngại, chỉ đến những lần kiệt sức vì phải thức trắng cả đêm soạn bài rồi đi bộ về, thầy Hải xỉu ở dọc đường thì chuyện mới vỡ lở...
Thầy Hải kể rằng, sau đó ít lâu, vào một đêm mưa, vừa tan lớp tình thương, một học trò cũ đến khóc, lạy thầy và thú nhận chính mình đã lấy cắp chiếc xe đạp để bán lấy tiền chữa bệnh cho mẹ. “Con hối hận lắm nhưng vì khổ quá nên làm chuyện bất nghĩa, thầy muốn xử sao cũng được hay cứ dẫn con ra giao cho công an xử lý...”. Thầy Hải vừa giận vừa thương: “Con biết mình sai và hứa không tái phạm là được rồi. Sau này con sống như thế nào để trở thành một người tốt trong xã hội là đã chuộc lỗi với thầy...”.
Còn sức, còn làm thầy giáo
Năm nay đã bước sang tuổi sáu mươi, thầy Hải vẫn cặm cụi, miệt mài làm công việc gieo chữ. Ba mươi năm qua, thầy đã góp sức đưa vùng đất chiến khu cũ, nghèo khó trăm bề này thành một trong những địa phương hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đầu tiên của quận và nay vừa hoàn thành phổ cập THPT. Hơn 2 năm nay, thầy vừa đứng lớp vừa đi vận động các mạnh thường quân đóng góp cho việc dạy chữ, dạy nghề miễn phí cho học trò nghèo ở địa phương.
Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời dạy lớp tình thương của thầy Hải là nhiều học trò cơ nhỡ năm xưa nay đã thành đạt. Anh Đoàn Văn Lý, Phó Chủ tịch UBND phường Thạnh Lộc, cũng là học trò cũ của thầy, nói: “Dù có đi đâu, làm gì, học trò nghèo ở vùng ven này cũng không bao giờ quên được công ơn của thầy Hải, người thầy của những lớp học tình thương”. Tôi hỏi thầy Hải về chuyện “nghỉ hưu” và những bằng khen, thành tích mà ông đã được nhận, ông cười lớn, xua tay: “Bằng khen cao quý nhất đối với tôi chính là đã đào tạo được những con người, những con người biết vươn lên từ khốn khó... Còn hưu hả, chưa đâu, còn sức là tôi còn truyền chữ...”.