Ba Lan, EU đạt thỏa thuận áp trần giá dầu mỏ của Nga ở mức 60 USD

Ba Lan đã nhất trí với thỏa thuận của khối áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga vận chuyển bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng, qua đó cho phép EU hướng tới mục tiêu chính thức thông qua thỏa thuận.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân kiểm tra các hoạt động bơm dầu tại giếng dầu Gremikhinskoye ở Izhevsk, vùng Ural, Nga. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Công nhân kiểm tra các hoạt động bơm dầu tại giếng dầu Gremikhinskoye ở Izhevsk, vùng Ural, Nga. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Đại sứ Ba Lan tại Liên minh châu Âu (EU) Andrzej Sados ngày 2/12 thông báo, nước này đã nhất trí với thỏa thuận của khối áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga vận chuyển bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng, qua đó cho phép EU hướng tới mục tiêu chính thức thông qua thỏa thuận vào cuối tuần này.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Ba Lan đã trì hoãn phê duyệt thỏa thuận để nghiên cứu cơ chế điều chỉnh nhằm giữ mức trần thấp hơn giá thị trường.

Warsaw thúc đẩy những cuộc đàm phán để mức giá trần càng thấp càng tốt với mục tiêu cắt giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga.

Đại sứ Sados cho biết, cơ chế trong thỏa thuận cuối cùng sẽ giữ mức giá trần thấp hơn ít nhất 5% so giá thị trường.

Theo ông, EU hiện có thể ban hành văn bản để tất cả 27 quốc gia thành viên chính thức phê duyệt thỏa thuận và công bố trong ngày 4/12 tới, một ngày trước khi lệnh cấm vận của của EU đối với dầu mỏ của Nga chính thức có hiệu lực.

Giới hạn giá đối với dầu mỏ của Nga là ý tưởng được Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đề xuất nhằm giảm thu nhập của Moskva từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, đồng thời ngăn giá dầu toàn cầu tăng đột biến sau khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô của Nga có hiệu lực từ ngày 5/12.

Giới hạn giá của G7 sẽ cho phép các quốc gia ngoài EU tiếp tục nhập khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga bằng cách sử dụng các dịch vụ bảo hiểm và hàng hải của phương Tây, miễn là các nước này không thanh toán ở mức giá cao hơn so giới hạn được đưa ra.

Mức giới hạn ban đầu do G7 đề xuất là 65-70 USD/thùng mà không có cơ chế điều chỉnh. Vì dầu thô Urals của Nga đã được giao dịch thấp hơn mức giá này nên Ba Lan, Litva và Estonia thúc đẩy hạ giá trần xuống thấp hơn.

Nội bộ EU đã tranh luận suốt nhiều ngày về các chi tiết, trong đó bổ sung những điều kiện khác vào thỏa thuận. Một số nguồn thạo tin tiết lộ phương Tây sẽ xem xét lại mức giá trần vào giữa tháng 1/2023 và sau đó thực hiện công tác đánh giá theo tần suất lại 2 tháng/lần.

Phản ứng trước động thái của EU, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 30/11 cho rằng, chính sách áp giá trần đối với dầu mỏ của nước này có thể làm phức tạp thêm tình hình thị trường toàn cầu và sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho mọi quốc gia.

Bà Zakharova nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định các biện pháp như vậy không chỉ là một cơ chế phi thị trường mà còn là chống lại thị trường, phá hủy chuỗi cung ứng và có thể làm phức tạp đáng kể tình hình trên thị trường năng lượng toàn cầu”.

Người phát ngôn trên tuyên bố, Nga sẽ không cung cấp dầu mỏ cho các quốc gia ủng hộ sáng kiến chống lại Moskva này. Theo bà, đây là hành động nhằm vào Nga nhưng có thể tác động đến nhiều nước khác.