Ba đột phá trong Luật kinh doanh Bất động sản

NDO -

NDĐT - Chiều 7-5, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức buổi họp góp ý cho dự án Luật kinh doanh Bất động sản (BĐS) sửa đổi.

Theo Bộ Xây dựng, sau hơn bảy năm triển khai thi hành, Luật kinh doanh BĐS đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Một trong những hạn chế là luật hiện hành chưa có đủ chế tài để tạo lập một thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, tình trạng đầu tư tự phát, theo “phong trào”, theo “đám đông” diễn ra phổ biến. Nhiều dự án chậm tiến độ, thi công cầm chừng. Ngoài ra, luật hiện hành còn quy định quá dễ dàng về điều kiện của người kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS nên dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giựt, tư vấn cho xong để kiếm tiền, thậm chí còn góp phần lũng đoạn thị trường, gây ra những “cơn sốt ảo” để kiếm lời.

Ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội đồng tình với quy định tăng mức vốn pháp định cho các tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh BĐS lên 50 tỷ đồng. Theo ông Tiếp, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh BĐS có vốn rất thấp, chỉ 10 đến 15 tỷ đồng nên khi ngân hàng siết không cho vay thì các doanh nghiệp lao đao ngay. Ông Tiếp cũng tán thành luật sửa đổi quy định trong thời hạn 50 ngày bán nhà, bàn giao nhà cho người mua thì doanh nghiệp phải làm thủ tục cấp chủ quyền nhà cho người mua là hợp lý vì có nhiều dự án 10 năm chưa được cấp giấy.

Góp ý cho dự thảo Luật, ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo Luật cần phải thực hiện cấp bách ba nội dung đột phá. Thứ nhất, phải cho các nhà đầu tư nước ngoài được mua lại các dự án đang “sống dở, chết dở” của doanh nghiệp Việt Nam mà không phải thông qua chính quyền. Hiện nay, dù dự án đang “chết lâm sàng”, doanh nghiệp muốn chuyển nhượng nhưng phải chờ chính quyền ra quyết định thu hồi, bồi thường rồi mới ra giấy phép mới cho nhà đầu tư mua lại dự án. Chờ thực hiện xong các dự án này thì doanh nghiệp đã phá sản.

Thứ hai, để cứu được thị trường BĐS, giải phóng được hàng tồn kho thì Luật phải cho phép người dân được thế chấp tài sản hình thành trong tương lai để vay vốn ngân hàng. Cuối cùng, để tránh tình trạng thu tiền mà không giao được nhà của các chủ đầu tư thì trong các hợp đồng góp vốn xây dựng dự án, phải có điều khoản yêu cầu chủ đầu tư bỏ số tiền khách hàng góp vốn vào ngân hàng. Số tiền này chỉ được ngân hàng giải ngân để xây dựng dự án mà không được sử dụng vào mục đích khác.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội tán thành với những ý kiến này của đại biểu Trần Du Lịch. Ông Giàu cũng yêu cầu Bộ Xây dựng ghi nhận và sửa đổi theo hướng lợi ích của người dân được ưu tiên hàng đầu.