Ngay sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc thực hiện Đề án 06 ở Thái Nguyên ngày 29/9, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá chỉ tiêu cấp Căn cước công dân và chuẩn bị các điều kiện thực hiện quy định của Luật Cư trú 2020 về việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ khẳng định: “Tỉnh Thái Nguyên đã đạt được kết quả rất cao. Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên, sự hỗ trợ của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư trong đó vai trò của Công an tỉnh Thái Nguyên rất rõ ràng”.
Hiện nay, qua rà soát của Bộ Công an vẫn còn có tới 21 nghị định liên quan đến các bộ, ngành cần có xác nhận của sổ hộ khẩu giấy. Bộ Công an đã bỏ hết những quy định cần xác nhận liên quan đến hộ khẩu giấy để tạo điều kiện cho người dân. Nhưng đó là mới ở phía ngành công an, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương nữa.
Tuy nhiên có thể thấy rõ quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an khi chỉ rõ, nếu lực lượng công an cơ sở không cố gắng, nỗ lực vượt khó khăn, cấp sớm cho người dân mã định danh cá nhân, xác thực điện tử thì người dân không thể bỏ được sổ hộ khẩu giấy. Công an các đơn vị, địa phương phải thúc đẩy tính quyết liệt, hiệu quả trong tham mưu với lãnh đạo các địa phương đầu tư hạ tầng tối thiểu để cài đặt định danh điện tử, chứa đựng tài liệu số hóa, thực hiện trên môi trường điện tử.
Bộ trưởng Công an đã ký Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương để tập trung lãnh đạo lực lượng thực hiện hiệu quả Đề án 06. Một trong những chỉ đạo mới nhất và quyết liệt của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc là yêu cầu công an các địa phương phải gấp rút chuẩn bị cho thời điểm bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy từ 1/1/2023.
Theo lãnh đạo Bộ Công an, nếu công an các địa phương không sớm thực hiện những nhóm việc đã được Bộ giao thì mặc nhiên khi thời hạn bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú có hiệu lực, người dân ở các tỉnh, thành địa phương liên quan khi giao dịch, làm thủ tục hành chính sẽ gặp khó khăn, dẫn tới xảy ra tình trạng khiếu nại, và lúc đó trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy, người đứng đầu là phải trả lời dân, nếu không sẽ phải được làm rõ, xử lý nghiêm.
Chỉ còn gần 3 tháng nữa là tới thời điểm 0 giờ ngày 1/1/2023 Luật Cư trú có hiệu lực. Các phương án, phân công những nhiệm vụ cụ thể đang được xúc tiến, không để xảy ra trạng thái bị động. Yêu cầu nhiệm vụ của đất nước, đòi hỏi của nhân dân buộc lực lượng công an phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa. Đây là trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự trong đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, vì sự phát triển của đất nước.
“Chúng ta phải hoàn thành với ý chí, quyết tâm chính trị cao nhất, đó là danh dự, trách nhiệm của ngành công an với Đảng, Nhà nước, với nhân dân và xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc chỉ rõ.
Trước thời điểm 1/1/2023 theo chỉ đạo của Bộ, giám đốc công an các địa phương phải thực hiện tốt vai trò thường trực, tham mưu với Tỉnh ủy, Thành ủy UBND tỉnh đôn đốc, thúc đẩy các sở, ngành thực hiện. Vai trò thường trực, thúc đẩy của công an mang tính quyết định đến thành, bại của đề án.
Khẳng định nhiều địa phương còn mong muốn lực lượng công an hỗ trợ để làm điểm, tạo dấu ấn đột phá trong cải cách thủ tục hành chính từ dịch vụ công trực tuyến, lãnh đạo Bộ Công an chỉ rõ, người đứng đầu công an các địa phương phải hiểu, đột phá, thể hiện bản lĩnh, sáng tạo, trách nhiệm của người chỉ huy đối với Đề án 06 mới vượt qua được khó khăn.
Giờ đây là lúc giám đốc công an các tỉnh phải phân công, đặt ra những nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện, hoàn thành trong từng ngày, từng tuần, từng tháng, hằng ngày gửi báo cáo về Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Văn phòng Bộ Công an để tập hợp, hướng dẫn, giải quyết. Những phần việc, kiến nghị, đề xuất thuộc từng cấp sẽ được lãnh đạo Bộ trực tiếp giải quyết ngay hoặc báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để hướng dẫn, xử lý.