Astra thất bại trong lần phóng tên lửa đầu tiên, 4 vệ tinh bị mất

NDO -

Ngày 10/2, Astra Space, một công ty vũ trụ tư nhân Mỹ đã thất bại trong lần phóng tên lửa chính thức đầu tiên để đưa bốn vệ tinh của NASA lên quỹ đạo theo kế hoạch.

Tên lửa LV0008 của Astra được phóng từ Trạm Lực lượng Không gian Cape Canaveral vào ngày 10/2 mang theo bốn vệ tinh khối lập phương nhỏ trong sứ mệnh ELaNa 41 cho NASA. Nhưng tên lửa không đưa các vệ tinh lên quỹ đạo như kế hoạch. Ảnh: Astra / NASASpaceflight.com
Tên lửa LV0008 của Astra được phóng từ Trạm Lực lượng Không gian Cape Canaveral vào ngày 10/2 mang theo bốn vệ tinh khối lập phương nhỏ trong sứ mệnh ELaNa 41 cho NASA. Nhưng tên lửa không đưa các vệ tinh lên quỹ đạo như kế hoạch. Ảnh: Astra / NASASpaceflight.com

Tên lửa phóng số LV0008, cao 13 mét của công ty khởi nghiệp Astra Space đã khởi động sứ mệnh ELaNa 41 từ Trạm Lực lượng không gian Cape Canaveral, Mỹ lúc 3 giờ sáng 11/2 theo giờ Việt Nam.

Lúc đầu, tên lửa đã được phóng thành công và bay lên cao, nhưng đã xảy ra sự cố khoảng 3 phút sau khi bay, ngay sau khi hai bộ phận của tên lửa được tách ra. Đoạn phim từ một camera gắn cùng tàu tên lửa cho thấy thân tên lửa quay tròn thay vì bay nhẹ nhàng về đích đã định là quỹ đạo có độ cao 500 km.

Bà Carolina Grossman, Giám đốc quản lý sản phẩm của Astra cho biết: “Thật không may, một sự cố đã xảy ra trong chuyến bay đã ngăn cản việc vận chuyển vệ tinh của khách hàng lên quỹ đạo. Thông tin thêm sẽ được cung cấp khi chúng tôi hoàn thành việc xem xét dữ liệu".

Astra được thành lập vào năm 2016, nhằm chiếm lĩnh thị trường phóng vệ tinh nhỏ bằng dòng tên lửa được sản xuất hàng loạt, tiết kiệm chi phí. Công ty đã thực hiện bốn lần phóng lên quỹ đạo trước lần phóng này, tất cả đều là các nhiệm vụ thử nghiệm được cất cánh từ Khu phức hợp Cảng vũ trụ Thái Bình Dương ở Alaska. 

Tên lửa của Astra đã bay lên vũ trụ thành công hai lần trong số bốn nhiệm vụ đó. Và trong lần thử nghiệm gần đây nhất trong nhiệm vụ cho quân đội Mỹ được thực hiện vào tháng 11/2021, tên lửa LV0007 của công ty đã bay được vào quỹ đạo. Trước đó, một tên lửa Astra đã bay lên không gian trong chuyến bay thử nghiệm vào tháng 12/2020 nhưng hết nhiên liệu ngay trước khi đạt được vận tốc quỹ đạo.

Nhiệm vụ lần này nhằm mục đích củng cố thành công đó, đưa Astra từ giai đoạn thử nghiệm thành chuyến bay chính thức. Tên lửa LV0008 mang theo bốn vệ tinh nhỏ của NASA. Các vệ tinh nhỏ sẽ được sử dụng để thực hiện nhiều công việc khác nhau nếu vụ phóng thành công.

Chẳng hạn vệ tinh khối lập phương Bama-1 do nhóm nghiên cứu tại Đại học Alabama phát triển nhằm giảm thiểu vấn đề mảnh vỡ không gian.

Vệ tinh phân tích hàm lượng neutron tầng khí quyển của Đại học Bang New Mexico được thiết kế để "lần đầu tiên nghiên cứu sự phụ thuộc vào vĩ độ và thời gian của phổ neutron trong quỹ đạo thấp của Trái đất nhằm cải thiện các mô hình thời tiết không gian hiện tại và giảm thiểu các mối đe dọa đối với không gian và tài sản trên không".

Vệ tinh QubeSat của Đại học California, Berkeley được thiết kế để kiểm tra cách môi trường không gian ảnh hưởng đến con quay lượng tử.

Và Trung tâm Không gian Johnson của NASA đã phát triển vệ tinh R5-S1 nhằm trình diễn công nghệ hỗ trợ việc kiểm tra vệ tinh trong không gian, cũng như giúp phát triển những phương pháp chế tạo vệ tinh nhỏ một cách nhanh chóng và rẻ tiền.

Astra sẽ cùng với Cục Hàng không Liên bang Mỹ tiến hành một cuộc điều tra về những gì đã xảy ra.

Tùy thuộc vào những gì cuộc điều tra phát hiện, công ty Astra có thể sẽ sớm quay trở lại việc thực hiện nhiệm vụ phóng vệ tinh.

Astra đang có kế hoạch phóng sáu vệ tinh đó thuộc ba nhiệm vụ trong năm nay, tất cả đều sẽ cất cánh từ đảo san hô Kwajalein ở Nam Thái Bình Dương.