ASEP III - Diễn đàn quan trọng trong quan hệ đối tác nghị viện Á-Âu

Hội nghị đối tác nghị viện Á-Âu lần thứ ba (ASEP III) sẽ diễn ra tại thành phố Huế từ ngày 25 đến ngày 26-3. Đây là một sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ đối tác giữa hai châu lục Á- Âu và thể hiện sự chủ động hội nhập quốc tế hiện nay của Việt Nam. Việc đăng cai tổ chức ASEP III là một đóng góp tích cực của Quốc hội Việt Nam trong các hoạt động ngoại giao nghị viện.

Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu (Asia-Europe Part liamentary Partnership Meeting-viết tắt là ASEP) là diễn đàn đối thoại liên nghị viện năm trong khuôn khổ tiến trình Hội nghị cấp cao Á-Âu (Asia-Europe Meeting-viết tắt là ASEM).

ASEP là diễn đàn để các nghị sĩ hai châu lục cùng tham gia vào tiến trình hợp tác Á-Âu, đồng thời là diễn đàn hoạt động ngoại giao nghị viện của các nghị sĩ Á-Âu. Với mục đích tạo điều kiện cho việc giao lưu, đối thoại tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa những người đại diện cho nhân dân các nước thành viên, ASEP sẽ hỗ trợ thúc đẩy sự hợp tác kinh tế thương mại giữa các nước trong khuôn khổ ASEM.

ASEP I lần đầu tiên được tổ chức tại Pháp (năm 1996) với sự tham gia của tám nghị viện thành viên thuộc khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Nghị viện châu Âu. Mục đích ban đầu là tạo ra một diễn đàn đối thoại cho các nghị sĩ Á-Âu trong bối cảnh ASEM đang bắt đầu trở thành một tổ chức liên chính phủ và khu vực, đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình phát triển và thịnh vượng chung tại hai châu lục này.

ASEP II được tổ chức tại Philippines (năm 2002) với mục đích tăng cường mở rộng đối thoại và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc châu Á và châu Âu, thúc đẩy việc định hình diễn đàn liên nghị viện Á-Âu.

ASEP III diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp sau chiến tranh Iraq. Kể từ khi được thành lập năm 1996, tiến trình đối thoại Á-Âu (ASEM) đã diễn ra năng động, song đang đứng trước nhiều thách thức. Giữa châu Á và châu Âu còn tồn tại nhiều khác biệt về yêu cầu, lợi ích và hướng ưu tiên hợp tác. Châu Âu quan tâm đến các vấn đề chính trị , còn châu Á muốn hợp tác thúc đẩy kinh tế.

Theo sáng kiến của Quốc hội Việt Nam, Đại hội đồng tổ chức liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO) lần thứ 24 tại Indonesia (từ ngày 6 đến 12-9-2003) đã ra nghị quyết ủng hộ Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức ASEP III.  Đại diện Nghị viện châu Âu (EP) tham dự đại hội đồng AIPO hoan nghênh sáng kiến này của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam. Hội nghị ASEP III dự kiến được tiến hành trước khi Hội nghị cấp cao ASEM5 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 8 đến 9-10-2004.

Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức ASEP III nhằm phát huy sự chủ động đóng góp của các chủ thể trên lĩnh vực đối ngoại; đáp ứng yêu cầu củng cố, đưa quan hệ với một trong những đối tác hàng đầu là Liên minh châu Âu (EU) đi vào chiều sâu, nhất là trong bối cảnh EU sắp mở rộng kết nạp 10 thành viên mới vào tháng 5-2004, đưa EU trở thành thị trường gần 500 triệu dân. Việc tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa nghị sĩ các nước thành viên ASEP sẽ giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố và phát triển quan hệ kinh tế, chính trị giữa các thành viên ASEM nói chung và giữa Việt Nam với các nước nói riêng.

Việc đăng cai tổ chức ASEP III thể hiện sự chủ động hội nhập khu vực là liên kết khu vực của Quốc hội Việt Nam phấn đấu vì lợi ích chung. Hội nghị lần này sẽ góp phần thúc đẩy ASEP trở thành diễn đàn đối thoại định kỳ của Nghị viện hai khu vực Á-Âu. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Văn An sẽ có bài phát biểu quan trọng tại lễ khai mạc Hội nghị.

Hội nghị tập trung thảo luận 4 chủ đề:

Về chính trị và an ninh có chủ đề chính là: "Bối cảnh an ninh quốc tế hiện nay và những thách thức đối với luật pháp quốc tế". Đây là chủ đề mang tính thời sự được nhiều nước châu Âu và châu Á quan tâm. Qua việc thảo luận chủ đề này, các đại biểu sẽ cùng nhau xác định các hình thái an ninh hiện nay, những nguyên nhân chính yếu tác động đối với quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế Hội nghị cũng đề cập tới vai trò của các tổ chức quốc tế đặc biệt là Liên hợp quốc trong bối cảnh hiện nay.

Về kinh tế với chủ đề: "Hợp tác vì một nền thương mại bình đẳng hơn và công bằng hơn". Đây là chủ đề đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia. Sau Hội nghị đàm phán thương mại đa phương ở Cancun vào tháng 9-2003, các nước đều thấy cần sớm khôi phục đàm phán thương mại toàn cầu. Qua chủ đề này, các nghị sĩ sẽ có những đóng góp tích cực nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho vòng đàm phán tiến triển theo hướng góp phần xây dựng một nền thương mại thế giới công bằng và bình đẳng, đề ra những giải pháp thiết thực để thúc đẩy mối quan hệ này tương xứng với tiềm năng của hai châu lục.

Về văn hóa với chủ đề: "Bản sắc văn hóa và đa dạng văn hóa trong khuôn khổ đối tác Á-Âu. Đây cũng là chủ đề được cộng đồng quốc tế quan tâm. Năm 2001 tổ chức UNESCO thông qua tuyên bố về đa dạng văn hóa. Năm 2003, ASEM tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh. Tại Hội nghị này, trên cơ sở những điểm tương đồng giữa châu Âu và châu Á trong việc khẳng định sự gắn bó hữu cơ giữa bản sắc và đa dạng văn hóa, coi đó như một nhân tố bảo đảm tính bền vững của sự phát triển, sự hòa hợp và ổn định của xã hội, góp phần duy trì an ninh và hòa bình trên thế giới. Tại Hội nghị, Việt Nam sẽ giới thiệu chính sách về văn hóa của Việt Nam phù hợp với đặc thù của một nước của dân tộc trong bối cảnh Việt Nam tiến hành hội nhập khu vực và quốc tế.

Về hợp tác Á-Âu có chủ đề là: "Tiếng nói và vai trò của các nghị sĩ trong việc tiến tới quan hệ đối tác Á-Âu sống động hơn và thực chất hơn". Đây là chủ đề bao trùm, được thảo luận sau ba chủ đề trên. Những ý kiến của Hội nghị về chủ đề này sẽ đóng góp cụ thể cho sự hợp tác Á-Âu có hiệu quả hơn.

Với sự chuẩn bị chu đáo của nước chủ nhà và sự hợp tác tích cực của các thành viên ASEP, chúng ta tin tưởng rằng Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu lần thứ ba sẽ thành công tốt đẹp và góp phần quan trọng vào sự thành công của ASEM5.

Có thể bạn quan tâm