ASEANSAI cần vận hành nhiều nền tảng trực tuyến để sử dụng chuyên nghiệp

NDO -

Sáng 2/11, Đại hội lần thứ 6 của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI) được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

ASEANSAI cần vận hành nhiều nền tảng trực tuyến để sử dụng chuyên nghiệp

Đại hội gồm 2 phiên họp với 10 chương trình nghị sự, gồm phê duyệt Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2022-2025 (do Kiểm toán Việt Nam chủ trì xây dựng); phê duyệt Quy chế ASEAN sửa đổi; bổ nhiệm và phê duyệt Chủ tịch Ủy ban ASEANSAI 2022-2023.…

Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã chủ trì đề ra định hướng phát triển chiến lược của ASEANSAI trong cả nhiệm kỳ, góp phần tăng cường công tác quản lý nội bộ, cải thiện chất lượng các hoạt động hỗ trợ của các Cơ quan kiểm toán tối cao thành viên.

Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tham dự tại đầu cầu Hà Nội với vai trò là thành viên tham gia sáng lập và Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược ASEANSAI.

Báo cáo giám sát việc thực hiện Kế hoạch chiến lược năm 2021 chỉ rõ, ASEANSAI có kế hoạch tiến hành 29 hoạt động, tuy nhiên chỉ có 21 hoạt động được thực hiện và hoàn thành, do diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 trên thế giới và trong khu vực.

Một trong những hoạt động đáng chú ý của ASEANSAI trong năm 2021 là thực hiện thành công tất cả các chương trình nghị sự của Cuộc họp cấp cao lần thứ 5. Phần lớn các hoạt động theo kế hoạch đã được tiến hành kịp thời và với chất lượng tương đối cao dưới hình thức trực tuyến.

Do vẫn còn một số hoạt động chưa được tiến hành trong năm nay, các Ủy ban ASEANSAI cần xem xét các giải pháp để điều chỉnh và bổ sung các hoạt động này vào Kế hoạch hoạt động của các Ủy ban tương ứng cho giai đoạn 2022 - 2023.

Cùng với đó, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những tình huống phức tạp, không chắc chắn, ASEANSAI cần xây dựng và vận hành nhiều nền tảng trực tuyến sẵn sàng để sử dụng trong thực tế một cách chuyên nghiệp hơn.

Phát biểu khai mạc Đại hội, đại diện Chủ tịch ASEANSAI, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Malaysia Roslan Abu Bakar nhấn mạnh, ASEANSAI được thành lập năm 2011 nhằm thúc đẩy tính chính trực trong lĩnh vực hành chính, tài chính công và nâng cao năng lực của các kiểm toán viên ASEAN.

Những vấn đề hợp tác trong các Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên rất bao trùm và toàn diện. Đại hội ASEANSAI lần thứ 6 có nhiệm vụ phê duyệt Kế hoạch chiến lược 2022-2023, trong đó có vai trò và trách nhiệm của các Ủy ban ASEANSAI trong việc thực hiện các chiến lược đề ra.

“Chúng ta hy vọng sẽ đạt được các mục tiêu của các quốc gia thành viên cũng như mục tiêu chung của ASEANSAI và hợp tác với các bên có liên quan khác. Để đạt được các thành tựu đó, bản thân của ASEANSAI cũng đối mặt với rất nhiều thách thức.

Đó là cuộc khủng hoảng tài chính, biến đổi khí hậu và đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã tác động đến toàn cầu. Các cuộc khủng hoảng đã khiến chúng ta nhấn mạnh hơn đến tầm quan trọng của sự hợp tác trong khu vực cũng như tăng cường mối quan hệ đối tác ASEANSAI để giải quyết các vấn đề chung.

Đây là một cơ hội để đánh giá cao các sáng kiến của ASEANSAI, đặc biệt là trong khuôn khổ phục hồi toàn diện của các quốc gia thành viên ASEAN trong đại dịch”, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Malaysia nói.

Các báo cáo được chia sẻ tại Đại hội ASEANSAI lần thứ 6 nêu bật vấn đề các SAI châu Á khuyến khích đạt được mục tiêu phát triển bền vững và tận dụng sự phát triển của công nghệ để giải quyết các vấn đề do đại dịch Covid-19 gây ra. Đồng thời, áp dụng các trụ cột của tuyên bố Bangkok năm 2021 để tăng cường chất lượng kiểm toán công trong các nước ASEAN.

Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã chủ trì việc đề ra định hướng phát triển chiến lược của ASEANSAI theo giai đoạn 4 năm. Đồng thời, đảm nhận nhiệm vụ giám sát và đánh giá việc thực hiện Kế hoạch chiến lược của các Ủy ban hằng năm nhằm bảo đảm việc thực hiện Kế hoạch chiến lược được thành công tốt đẹp.