APPF chung tay hành động vì các mục tiêu phục hồi và phát triển bền vững

NDO - Chiều 26/10, lễ khai mạc Hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 30 với chủ đề “Các nghị viện và sự phát triển bền vững giai đoạn hậu Covid-19” đã diễn ra long trọng tại trụ sở Quốc hội Thái Lan ở thủ đô Bangkok.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh phiên khai mạc APPF 30.
Toàn cảnh phiên khai mạc APPF 30.

Hội nghị thường niên của APPF lần thứ 30 là hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Đây cũng là lần thứ hai Quốc hội Thái Lan đăng cai hội nghị quan trọng này, sau hội nghị lần thứ 4 vào năm 1996. Tham dự Hội nghị, có hơn 300 đại biểu đến từ 22 cơ quan lập pháp trong khu vực, cùng đại diện các tổ chức quốc tế.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do đồng chí Vũ Hải Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội dẫn đầu, sẽ tham dự đầy đủ các phiên họp tại Hội nghị và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động tiêu cực tới gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống người dân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Bởi vậy, Hội nghị năm nay đặt mục tiêu tăng cường quan hệ hợp tác và cam kết xây dựng lại một khu vực bền vững hơn bằng cách tập trung vào sự phục hồi cân bằng, bền vững và hướng tới con người.

Ông Chuan Leekpai kêu gọi các thành viên APPF cần nỗ lực hơn để đáp ứng cả các mục tiêu phục hồi hậu Covid-19 và các mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Thái Lan nhấn mạnh: “Điều đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng APPF là phải cùng chung tay để biến khủng hoảng Covid-19 trở thành cơ hội để thực hiện các hành động tập thể vì các mục tiêu phát triển bền vững và tạo ra một môi trường khu vực hòa bình bằng cách thúc đẩy đoàn kết và sự tin cậy lẫn nhau. Là đại diện cho người dân, APPF cần hành động như một cộng đồng trong đó lấy người dân làm trung tâm và không để ai bị bỏ lại”.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Vũ Hải Hà nhấn mạnh, Hội nghị APPF lần thứ 30 được tổ chức tại Thái Lan diễn ra trong bối cảnh hầu hết các nước đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 và bắt đầu tiến trình phục hồi kinh tế xã hội. Do vậy, đây là một dịp rất tốt để nghị viện các nước chia sẻ kinh nghiệm về quá trình triển khai các chính sách phục hồi, bảo đảm cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao và thực hiện các chương trình nghị sự mang tính toàn cầu, trong đó đặc biệt là phát triển bền vững, đảm bảo môi trường và an sinh xã hội.

Ông Vũ Hải Hà cho biết, trong thời gian qua Quốc hội Việt Nam đã rất tích cực đồng hành cùng Chính phủ ban hành và triển khai các chương trình phục hồi. Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 30 giao thẩm quyền có tính chất đặc thù, đặc cách và đặc biệt cho Chính phủ để chủ động trong công tác phòng dịch và những chương trình phục hồi kinh tế. Quốc hội đã thông qua các chương trình phục hồi với trị giá lên đến gần 17 tỷ USD (tương đương 350.000 tỷ VND), đã mang lại những kết quả rất tích cực. Lần đầu tiên sau 10 năm, nước ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 8%, kiểm soát được lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

Ông Vũ Hải Hà khẳng định, đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể chia sẻ với bạn bè quốc tế. Ngoài ra, Hội nghị lần này cũng là cơ hội để Việt Nam có tiếng nói để đóng góp vào tiến trình xây dựng một môi trường hòa bình ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng có thể phát triển một cách nhanh và bền vững trong thời gian tới.

APPF chung tay hành động vì các mục tiêu phục hồi và phát triển bền vững ảnh 1

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm chung.

Tại các phiên họp của Hội nghị, diễn ra trong ba ngày từ 26 đến 28/10, đại biểu từ các cơ quan lập pháp trong khu vực sẽ tiến hành thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề an ninh và chính trị như thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì an ninh khu vực; tăng cường an ninh mạng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; các nghị viện và sự phục hồi bền vững sau đại dịch Covid-19 nhằm thúc đẩy dân chủ, hòa bình và an ninh.

Các vấn đề kinh tế và thương mại cũng là một vấn đề được Hội nghị quan tâm. Cụ thể như việc thúc đẩy nền kinh tế xanh và đa dạng sinh học vì sự phát triển toàn diện và tăng cường kết nối và cải thiện nền kinh tế kỹ thuật số trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ thảo luận một số chủ đề quan trọng khác như Nghị viện và việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo để đạt mục tiêu giảm khí phát thải bằng 0; phát triển các dịch vụ y tế và tạo thuận lợi cho việc tiếp cận các dịch vụ y tế chính một cách công bằng; thúc đẩy du lịch khu vực và sự hiểu biết về đa dạng văn hóa.