Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia và những người làm việc về quản lý khủng hoảng du lịch. Tại sự kiện, đại diện từ Australia và Nhật Bản đã lần lượt chia sẻ về hướng dẫn lập kế hoạch quản lý khủng hoảng du lịch và lập sổ tay hướng dẫn ứng phó với khủng hoảng với các thực tiễn tốt nhất để quản lý khủng hoảng du lịch.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Tomohiro Kaneko, Phó Ủy viên Cơ quan Du lịch Nhật Bản nhấn mạnh, dịch Covid-19 đã để lại ảnh hưởng nghiêm trọng cho toàn thế giới và một trong những ảnh hưởng sau đại dịch lên ngành du lịch chính là cuộc khủng hoảng du lịch trầm trọng hiện nay. Đây là thách thức lớn nhất từ trước tới nay mà toàn ngành du lịch đang phải đối mặt và lên kế hoạch vượt qua trong thời gian sắp tới. Vậy nên, việc xây dựng một kế hoạch phục hồi và thích ứng với những khủng hoảng sẽ bất ngờ diễn ra là vô cùng quan trọng.
Đồng tình với ông Tomohiro, Giáo sư Dirk Glaesser, Giám đốc Cục Phát triển du lịch bền vững, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho biết, ngành du lịch là một ngành trọng yếu của các nước đang và kém phát triển, vì vậy, việc nâng cao ý thức quản lý khủng hoảng du lịch là cấp thiết trong việc duy trì phát triển bền vững của ngành. Thêm vào đó, dù xảy ra thiên tai từ tự nhiên hay do con người gây nên thì sự an toàn của du khách phải được đặt lên hàng đầu.
Theo Ông Masato Takamatsu, Chủ tịch, Viện nghiên cứu phục hồi du lịch Nhật Bản, để nâng cao ý thức về quản lý khủng hoảng du lịch cho toàn ngành và trên các quốc gia, truyền thông và thí điểm là 2 bước tiên quyết.
Ông Masato cho hay, khi thế giới quay trở lại trạng thái bình thường mới, công việc đầu tiên của ngành du lịch trên toàn thế giới là tạo điểm đến du lịch an toàn cho du khách quay trở lại; việc này sẽ bao gồm sự chung tay đồng hành của toàn ngành du lịch với kiến thức về quản lý khủng hoảng du lịch, đặc biệt, các lãnh đạo và nhân viên ở các địa phương cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc quản lý tốt khủng hoảng du lịch.
Ông Masato cũng đưa ra thí dụ cụ thể về hướng dẫn lập kế hoạch quản lý khủng hoảng du lịch, trong đó bao gồm việc phát hành rộng rãi sổ tay hướng dẫn ứng phó với khủng hoảng bằng nhiều thứ tiếng; lên kế hoạch thí điểm ở một số thành phố lớn, cùng một số kịch bản diễn tập, bảo đảm chắc chắn rằng bất cứ tình huống xấu nào xảy ra, mọi người sẽ ứng biến kịp thời và nhanh chóng nhất có thể.
Sổ tay hướng dẫn cũng nên được phát hành dưới 2 bản, một là dành riêng cho chính quyền và cơ quan quản lý điểm đến và hai là dành cho các doanh nghiệp lữ hành. Sự chuẩn bị cho việc ứng cứu khách du lịch trong tình huống thiên tai diễn ra cũng được ông Masato chỉ rõ trong bài thuyết trình của mình: Huấn luyện nâng cao kỹ năng ứng phó cho các nhân viên trong ngành du lịch, khả năng ngôn ngữ trong giao tiếp, khả năng ứng phó nhanh nhạy, nơi lưu trú an toàn cho khách du lịch quốc tế phải bảo đảm gần nguồn nước và thức ăn, kết nối liên tục với đại sứ quán các nước, các biện pháp phòng, chống thảm họa, và xây dựng các quỹ hỗ trợ du khách quay trở về quê hương. Hơn hết, tất cả các hoạt động ứng phó cần phải nhanh, gọn và chuẩn xác, theo đúng 4 bước: giảm thiểu, sẵn sàng, đáp ứng và phục hồi.
Về phía Australia, Bà Margaret Bowen, Trưởng ban Phục hồi Du lịch, Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia chia sẻ về những hành động của Chính phủ trong việc đối mặt và tháo gỡ khó khăn do đại dịch Covid và thảm họa cháy rừng mùa hè 2019-2020, bao gồm việc thành lập quỹ hỗ trợ phục hồi cháy rừng quốc gia với Gói phục hồi do cháy rừng du lịch trị giá 76 triệu AUD, Chương trình Hỗ trợ Mạng lưới Hàng không Du lịch với số tiền lên đến 211,7 triệu AUD, cung cấp vé máy bay giá rẻ và một số quỹ dành cho các vườn thú và bảo vệ động vật cũng như quỹ hỗ trợ việc làm và chi trả cho đại dịch Covid-19.
Hội thảo chuyên đề dành thời gian để phần thảo luận về các thí dụ điển hình trong việc quản lý khủng hoảng du lịch của thành phố Aso (Nhật), Binna Burra Lodge (Thành phố Queensland, Australia), thành phố Hakodate và công ty Tháp Goryokaku (Nhật).
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được thành lập năm 1989, là tổ chức quốc tế của các quốc gia nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư bền vững, và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.