APEC cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm tới

NDO - Ngày 20/10, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2022 diễn ra tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), Bộ trưởng Tài chính các nền kinh tế thành viên APEC và đại diện các tổ chức quốc tế đã thảo luận và thống nhất cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ khó tránh được nguy cơ suy thoái trong năm tới.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith chủ trì phiên họp. (Ảnh: NAM ĐÔNG)
Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith chủ trì phiên họp. (Ảnh: NAM ĐÔNG)

Phát biểu trong cuộc họp báo sau Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính nước chủ nhà Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith cho biết, các đại biểu tham dự hội nghị đã cùng thảo luận nhiều chủ đề quan trọng như tài chính bền vững và chuyển đổi số vì một nền kinh tế kỹ thuật số. Các bộ trưởng tài chính APEC cũng trao đổi ý kiến về sức ép lạm phát và làm thế nào để biến các biện pháp kích thích kinh tế sau đại dịch thành động lực phát triển dài hạn trong khi vẫn duy trì được sự bền vững về tài chính.

Theo ông Arkhorm, ngoài nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, các thành viên APEC còn lo ngại về tỷ lệ lạm phát cao do giá năng lượng và lương thực tăng mạnh, cũng như nợ công của mỗi chính phủ, vốn đang gia tăng theo cấp số nhân theo nhu cầu hồi phục từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tác động của những yếu tố này đối với mỗi quốc gia là khác nhau.

Ông Arkhorm đưa ra dự báo tốc độ phát triển kinh tế Thái Lan sẽ đạt mức 3,5% trong năm nay và 3,7% trong năm tới. Ông cho rằng, Thái Lan đạt được tốc độ tăng trưởng này là nhờ sự hồi phục của ngành công nghiệp du lịch khi một số nước khác, thí dụ như Nhật Bản, đã bắt đầu mở cửa biên giới. Ngược lại, APEC dự báo tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ 3,2% trong năm nay xuống chỉ còn 2,7% trong năm tới, chủ yếu do chính sách thắt chặt tiền tệ, đồng USD tăng giá và biến động về giá năng lượng toàn cầu biến động.

Trong khi đó, đại diện từ IMF, ADB và WB đã khuyến nghị các thành viên APEC triển khai nhiều chính sách ngân khố hơn để đối phó với các nguy cơ kinh tế trong tương lai. Ông Arkhom nói: “Chính sách cần phải hướng trực tiếp tới những nhóm người nghèo và có nguy cơ cao nhất, dễ bị tác động khi giá lương thực và năng lượng tăng cao”.

Hội nghị cân nhắc sử dụng Quỹ Tài chính xanh xúc tác ASEAN để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng xanh. Ngoài ra, trước nhu cầu cấp bách về bảo vệ môi trường, các thành viên APEC đã nhất trí phát hành trái phiếu Xanh, trái phiếu Xã hội, trái phiếu Bền vững và trái phiếu Lam. Tất cả đều nhằm thúc đẩy đầu tư bền vững và hướng tới giảm phát thải khí nhà kính xuống bằng không. Hội nghị cũng tiến hành thảo luận vấn đề số hóa và chính sách thuế. Tất cả các thành viên APEC đều nhất trí sẽ hỗ trợ lẫn nhau thông qua sự chuyển đổi số này.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC năm nay có sự tham dự của 250 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nhóm Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) và Đơn vị Hỗ trợ chính sách APEC.

Thứ trưởng Tài chính Tạ Anh Tuấn thay mặt Bộ Tài chính Việt Nam cùng đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tới tham dự hội nghị.