Áp lực học và việc làm đứng đầu bảng những nỗi lo của sinh viên Việt Nam

NDO - Trong khuôn khổ Hội nghị lấy ý kiến cựu cán bộ Đoàn, Hội đồng Tư vấn và các chuyên gia góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028, diễn ra chiều 18/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã công bố một số nghiên cứu đáng chú ý về tình hình sinh viên Việt Nam hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu sinh viên ưu tú giao lưu cùng các chiến sĩ trẻ tại quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).
Đại biểu sinh viên ưu tú giao lưu cùng các chiến sĩ trẻ tại quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).

Hướng tới Đại hội, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam triển khai khảo sát để chuẩn bị tổ chức chương trình “Hiến kế sinh viên”. Từ ngày 20/4 đến 26/5 vừa qua, cuộc khảo sát ghi nhận hơn 10 nghìn ý kiến tham gia của sinh viên trên khắp cả nước.

Những điều sinh viên thật sự quan tâm

Đối với độ hài lòng về điều kiện sống, học tập, có 41% sinh viên tham gia khảo sát tỏ ra rất hài lòng về khía cạnh “Cuộc sống gia đình”. Trái ngược với đó, tỷ lệ đánh giá không hài lòng cao nhất nằm lần lượt ở khía cạnh “Kết quả học tập”, “Kỹ năng mềm” và “Đáp ứng chi phí sinh hoạt”, cụ thể là 14, 10 và 9%.

Bên cạnh đó, bản khảo sát cũng tiến hành tìm hiểu các vấn đề lo lắng của sinh viên hiện nay. Kết quả cho thấy, 2 điều sinh viên lo lắng cho bản thân nhất hiện gồm vấn đề áp lực học hành (69,06%) và tìm kiếm việc làm (64,29%), tiếp đến là vấn đề tài chính (58,28%), vấn đề sức khỏe của bản thân là (42,48%).

Ngoài ra, theo khảo sát, 2 vấn đề mà sinh viên quan tâm nhất trong xã hội Việt Nam hiện nay đó là “Tin tức giải trí, nghệ thuật, đời sống của người nổi tiếng” với tỷ lệ 66,16% và “Thông tin, kiến thức về sức khỏe, lối sống lành mạnh” với tỷ lệ 64,46%.

Áp lực học và việc làm đứng đầu bảng những nỗi lo của sinh viên Việt Nam ảnh 1

Toàn cảnh Hội nghị.

Đáng chú ý, các bạn trẻ tham gia khảo sát cho rằng, 3 tiêu chí để thành công là phải có khát vọng, hoài bão (67,46%), trách nhiệm (65,55%) và kiên trì, nhẫn nại (43,36%).

Đây đều là những tiêu chí, đặc tính gắn liền yếu tố đạo đức, lý tưởng của người trẻ. Trong khi đó, những yếu tố gắn với chuyên môn, kỹ năng, sức khỏe, tài chính… đều không có số sinh viên chọn quá 50%.

Điều này cho thấy, phần lớn sinh viên coi trọng những giá trị đạo đức trong quá trình phấn đấu để đạt thành công trong cuộc sống.

Trong số các hoạt động phong trào hiện nay, sinh viên thường xuyên tham gia nhiều nhất ở 3 nhóm hoạt động là vui chơi giải trí (55,98%), hoạt động tình nguyện (52,9%) và hoạt động giáo dục truyền thống, lòng yêu nước (50,5%). Có thể thấy, đây cũng chính là những hoạt động quen thuộc nhất trong phong trào sinh viên hiện nay, được đông đảo bạn trẻ đặc biệt quan tâm.

Trả lời các câu hỏi đánh giá hoạt động phong trào do Hội Sinh viên Việt Nam các cấp tổ chức, có tổng cộng gần 33 nghìn phương án trả lời cho các điểm tích cực và hơn 23 nghìn phương án cho các điểm hạn chế.

Nội dung chương trình là điểm được đánh giá cao nhất với tỷ lệ 66,16%, tiếp đến là việc tạo cơ hội học tập kỹ năng với tỷ lệ 56,06%. Giá trị giải thưởng và sức thuyết phục về thủ lĩnh sinh viên là 2 nội dung nhận được ít đánh giá tích cực nhất.

Liên quan hình thức tổ chức hoạt động phong trào, sinh viên yêu thích nhất là các nội dung có tính thực tiễn và rèn luyện kỹ năng, theo xếp hạng từ cao xuống thấp gồm: hội trại, tham quan thực tế, biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi-hội thi, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt chi đoàn-chi hội, diễn đàn-tọa đàm, đào tạo-tập huấn.

Hành trang cho sinh viên phải đầy đủ

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết cho biết, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã tiến hành 2 cuộc khảo sát, nghiên cứu và lấy ý kiến sinh viên trên diện rộng gồm: Đề tài nghiên cứu “Lối sống và định hướng giá trị của sinh viên hiện nay” với số lượng mẫu định lượng hơn 25 nghìn sinh viên và số lượng mẫu định tính gần 100 sinh viên; Chương trình khảo sát trực tuyến “Hiến kế sinh viên” với số lượng sinh viên tham gia đóng góp hơn 10,5 nghìn người.

Bên cạnh việc cung cấp chất liệu khách quan, thực tiễn để xây dựng Báo cáo chính trị, việc triển khai các hoạt động khảo sát đã tạo đợt sinh hoạt sâu rộng trong hội viên, sinh viên Việt Nam đóng góp, hiến kế, chia sẻ mong muốn, khát vọng của sinh viên góp phần xây dựng Hội Sinh viên Việt Nam ngày càng vững mạnh và phát triển.

Áp lực học và việc làm đứng đầu bảng những nỗi lo của sinh viên Việt Nam ảnh 3

Đồng chí Nguyễn Minh Triết phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, tham góp nhiều ý kiến thiết thực vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, gắn với công tác Hội và phong trào sinh viên Việt Nam hiện nay.

Theo đồng chí Hoàng Bình Quân, nguyên: Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, một sinh viên giỏi thì ngoài chuyên môn còn phải sở hữu kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm tốt.

Áp lực học và việc làm đứng đầu bảng những nỗi lo của sinh viên Việt Nam ảnh 4

Đồng chí Hoàng Bình Quân chia sẻ nhiều ý kiến tại Hội nghị.

Vì vậy, tổ chức Hội Sinh viên các cấp cần trăn trở để liên tục đổi mới phương thức hoạt động sao cho phù hợp nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của sinh viên. Bởi điều quan trọng nhất là phải khai phóng để các bạn trẻ phát huy hết năng lực, thay vì tập trung “nạp cơ học” các thông tin vào tư tưởng sinh viên. Điều khó nhất trong phong trào sinh viên không phải là tập hợp, đoàn kết sinh viên, mà là tập hợp, đoàn kết theo chiều sâu.

Bên cạnh đó, đồng chí Hoàng Bình Quân còn cho rằng, các cấp Hội Sinh viên còn cần tận dụng tối đa, thật hiệu quả yếu tố khoa học công nghệ và điểm mạnh của mạng xã hội, biến thành các kênh liên lạc, sinh hoạt thường xuyên, mạnh mẽ. Trong bối cảnh Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, thì năng lực số của giới trẻ và nhất là lực lượng sinh viên cần phải được trang bị thật kỹ lưỡng, đầy đủ.