Cuộc sống của người dân tại nhiều khu vực trên thế giới đang bị tàn phá bởi nạn đói, trong đó châu Phi là nơi cuộc khủng hoảng lương thực diễn ra thảm khốc nhất. Khoảng 18 triệu người dân Sudan đang phải trải qua cuộc sống thiếu thức ăn mỗi ngày. Trong khi đó, tình trạng mất an ninh lương thực ở Mali đã lên đến mức báo động khi khoảng 7,1 triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo trong năm 2024. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), khoảng 74,9 triệu người ở khu vực Sừng châu Phi đang ở trong tình trạng mất an ninh lương thực cao và cần được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.
Đáng lo ngại, trẻ em là đối tượng bị tác động nặng nề. Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, hơn 25% số trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu đang sống trong tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, đồng nghĩa với việc hơn 180 triệu trẻ nhỏ có nguy cơ gặp phải những tác động bất lợi đối với sự tăng trưởng và phát triển thể chất. Báo cáo nêu rõ, tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng ở trẻ em tập trung tại khoảng 20 nước, đặc biệt nghiêm trọng ở Somalia, Guinea, Guinea-Bissau, Afghanistan. Trong đó đáng lo ngại nhất là tại Palestine, nơi 90% trẻ nhỏ đang sống trong tình trạng thiếu lương thực trầm trọng do hệ thống lương thực và y tế đã bị sụp đổ kể từ khi xảy ra xung đột tại Dải Gaza.
Giới phân tích nhận định, biến đổi khí hậu và xung đột là hai tác nhân lớn nhất gây nên nạn đói trên thế giới hiện nay. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, xung đột buộc hàng triệu người phải di tản, phá hủy cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp trong khi biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn… khiến sản lượng lương thực sụt giảm, hủy hoại mùa màng, biến đổi các phương thức khai thác nông, ngư nghiệp truyền thống.
Liên hợp quốc cảnh báo, nếu xung đột tiếp diễn, hàng triệu người Palestine ở Dải Gaza có nguy cơ rơi vào nạn đói nghiêm trọng.
Thật vậy, theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), khoảng 70% số người bị thiếu lương thực sống trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột và bạo lực. Trong khi đó, số lượng các điểm nóng căng thẳng ngày càng gia tăng. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo (PRIO) ở Na Uy, số cuộc xung đột vũ trang trong năm 2023 ở mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Thực tế cho thấy, 13 năm sau khi giành được độc lập, Nam Sudan vẫn đang chìm trong bất ổn, đẩy hàng triệu người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. Cuộc xung đột Israel-Hamas cũng cho thấy hậu quả tàn khốc của bạo lực.
Liên hợp quốc cảnh báo, nếu xung đột tiếp diễn, hàng triệu người Palestine ở Dải Gaza có nguy cơ rơi vào nạn đói nghiêm trọng. Theo đó, từ giữa tháng 7 tới, số người Palestine ở Dải Gaza phải đối mặt nạn đói cấp độ 5 - mức cao nhất trong thang đo Phân loại Giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) - có thể lên đến hơn một triệu người, chiếm gần một nửa dân số Gaza.
Cùng với xung đột, biến đổi khí hậu đang tạo gánh nặng ngày càng tăng lên hệ thống lương thực toàn cầu, khi lũ lụt, hạn hán và nắng nóng đang gây thiệt hại mùa màng từ châu Âu sang châu Á và kéo theo nạn đói ở vùng Sừng châu Phi. Mưa lớn từ cuối tháng 3 đến tháng 4 vừa qua đã dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng, đặc biệt là ở Kenya, Somalia, Burundi và Tanzania, gây thiệt hại về người và vật nuôi, tàn phá nhiều diện tích đất nông nghiệp. Trong khi đó, theo Liên hợp quốc, hàng triệu người ở miền nam châu Phi có thể rơi vào nạn đói nghiêm trọng trong mùa giáp hạt sắp tới từ tháng 10/2024 đến tháng 2/2025, trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt tình trạng thiếu hụt lượng mưa nghiêm trọng do hiện tượng El Nino. Quan ngại về tình hình mùa vụ không thuận lợi tại các vựa lương thực là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số giá lương thực thế giới của FAO trong tháng 5 tiếp tục tăng tháng thứ 3 liên tiếp.
Những cuộc khủng hoảng đan xen khiến thế giới có nguy cơ lỡ hẹn với mục tiêu xóa đói nghèo vào năm 2030. Trong bối cảnh đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước nhanh chóng hành động để sớm giải tỏa áp lực cho hệ thống lương thực toàn cầu, mang lại cuộc sống đủ đầy cho tất cả người dân.