Áo dài thổ cẩm và họa tiết dát vàng sẽ trình diễn tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam

NDO -

NDĐT - Tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất và Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đác Nông năm 2019 từ ngày 5 đến 9-1 tới, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam và NTK Thảo Giang được ban tổ chức chọn lựa để trình diễn BST tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam.

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cùng một số người mẫu trình diễn trang phục thổ cẩm.
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cùng một số người mẫu trình diễn trang phục thổ cẩm.

Tại cuộc họp báo ngày 11-12, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam giới thiệu bộ sưu tập (BST) áo dài thổ cẩm kết hợp họa tiết dát vàng 9999 và họa tiết thổ cẩm dân tộc. Những mẫu thời trang thổ cẩm, họa tiết thổ cẩm đã chinh phục giới mộ điệu thời trang. Những họa tiết, phong cách thiết kế tinh tế, ấn tượng, giàu tính ứng dụng mang đến một vẻ đẹp mới cho văn hóa thổ cẩm truyền thống. Dàn mẫu trình diễn BST tại buổi họp báo giới thiệu Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam là những gương mặt nổi bật trong đó có Á hậu 1 Nguyễn Phương Nga, Hoa hậu áo dài Việt Nam Phí Thuỳ Linh, cùng dàn người mẫu TP Hà Nội.

Áo dài thổ cẩm và họa tiết dát vàng sẽ trình diễn tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam ảnh 1

Mẫu áo dài họa tiết thổ cẩm trên nền vải nhung dát vàng 9999, những thiết kế áo dài của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam được hàng trăm người thợ thực hiện thủ công trong hơn hai tháng để chuẩn bị cho Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam.

Là NTK trẻ, học trò của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam, Thảo Giang sau khi giới thiệu BST đầu tay mang tên Heavenly Petals - Những cánh hoa trên thiên đường, cô đã cùng NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam có chuyến công tác Hàn Quốc trình diễn trong chương trình giao lưu văn hóa Việt - Hàn.

Áo dài thổ cẩm và họa tiết dát vàng sẽ trình diễn tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam ảnh 2

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông và NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam.

Thổ cẩm cũng là di sản văn hóa quý giá, giàu tính nhân văn cần được bảo tồn và phát triển. Một trong những cách để bảo tồn văn hoá thổ cẩm truyền thống chính là tính ứng dụng của thổ cẩm trong các thiết kế thời trang. Trong những năm qua, Đác Nông đã có những nỗ lực nhằm gìn giữ, phát triển văn hóa thổ cẩm bằng cách mở các lớp dạy dệt, giới thiệu, trưng bày triển lãm thổ cẩm, thương mại hóa các sản phẩm từ thổ cẩm. Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất hứa hẹn sẽ mang lại dấu ấn, và góp phần bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông khẳng định, Đác Nông có hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên một nét văn hóa đặc trưng cho mảnh đất phía nam Tây Nguyên. Đây là nơi lưu giữ nhiều vốn văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng và đặc sắc, trong đó thổ cẩm là một trong phương tiện biểu đạt.

Áo dài thổ cẩm và họa tiết dát vàng sẽ trình diễn tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam ảnh 3

Áo dài với họa tiết thổ cẩm truyền thống được cách điệu nơi cổ áo và dáng áo xuông mang lại nét thanh lịch, sang trọng.

Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam được tổ chức theo quy mô cấp quốc gia từ ngày 5 đến 7-1-2019, do Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Đác Nông tổ chức.

Đây là một trong những chương trình hướng tới kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh, đồng thời nhằm bảo tồn và phát huy hoa văn, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Đác Nông nói riêng.