Lễ hội Diều quốc tế Duy Phường
Ngày 15/4, Lễ hội Diều quốc tế Duy Phường lần thứ 40 và Giải vô địch Diều thế giới lần thứ 19 đã khai mạc tại thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Tranh tài tại lễ hội. (Ảnh: TAN) |
Hơn 600 người đam mê diều đến từ 59 quốc gia và vùng lãnh thổ như Việt Nam, Mỹ, Nga, Đức, Canada đã mang đến Lễ hội những chiếc diều đẹp nhất, tranh tài tại cuộc thi thả diều lớn nhất thế giới.
Hàng nghìn khán giả và người đam mê diều nghiệp dư đến từ các địa phương của Trung Quốc và các quốc gia trên thế giới cũng có mặt tham dự, để có được những trải nghiệm thú vị và "mãn nhãn" với những màn tỷ thí của những "cánh bay" trên không trung.
Các thiếu nữ trong trang phục truyền thống tại lễ hội. (Ảnh: HỮU HƯNG) |
Theo bà Liu Jianbei, Phó Chủ tịch Liên đoàn Diều quốc tế, Chủ tịch Hiệp hội Diều Trung Quốc, sau 40 năm tổ chức, Lễ hội Diều quốc tế đã trở thành một thương hiệu có giá trị và tầm ảnh hưởng lớn nhất của thành phố Duy Phường, nhịp cầu hữu nghị thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; đồng thời, cũng góp phần phát triển ngành kinh tế diều, phát huy văn hóa diều, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Khán giả cũng chuẩn bị cho mình một chiếc diều. (Ảnh: HỒ QUÂN) |
Lễ hội năm nay được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Từ nay đến ngày 21/4, ngoài các sự kiện trình diễn và thi thả diều truyền thống, ban tổ chức còn khởi động "cuộc thi diều trực tuyến", trưng bày và giới thiệu văn hóa diều truyền thống qua các nền tảng số, để thu hút đông đảo người xem Trung Quốc và quốc tế.
Một chiếc diều nổi bật trên không trung. (Ảnh: HỮU HƯNG) |
Tại Trung Quốc, Duy Phường được coi là cái nôi của văn hóa diều, với lịch sử hơn 2.400 năm kể từ khi chiếc diều đầu tiên được chế tạo và thả lên không trung.
Những chiếc diều của Trung Quốc và quốc tế được trưng bày tại Bảo tàng Diều Duy Phường. (Ảnh: HỮU HƯNG) |
40 năm kể từ lần đầu tiên tổ chức năm 1984, Lễ hội Diều quốc tế Duy Phường đã góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng và nâng tầm thương hiệu văn hóa diều với việc thúc đẩy kỹ thuật chế tác diều được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Trung Quốc, đặt trụ sở Liên đoàn Diều quốc tế tại thành phố Duy Phường...
Lễ khai mạc với những màn biểu diễn kịch truyền thống. (Ảnh: TAN) |
Văn hóa diều còn góp phần thúc đẩy ngành kinh tế diều phát triển. Cả thành phố Duy Phường có hơn 600 doanh nghiệp và hơn 80.000 người làm việc trong các ngành nghề liên quan đến diều, đạt doanh thu hơn 2 tỷ nhân dân tệ mỗi năm, sản phẩm diều được tiêu thụ đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 80% thị phần Trung Quốc và hơn 85% thị phần trên thế giới.
Chuẩn bị thả diều. (Ảnh: HỮU HƯNG) |
Dấu ấn Việt Nam
Ấn tượng Lễ hội diều lớn nhất thế giới. (Video: HỮU HƯNG) |
Việt Nam là một trong 59 quốc gia và vùng lãnh thổ có đại diện tham gia Lễ hội Diều quốc tế Duy Phường năm nay. Trong phần giới thiệu các quốc gia tham dự Lễ hội, ban tổ chức đánh giá, Việt Nam là nước có nhiều chủng loại diều truyền thống đa dạng, phong phú với tạo hình độc đáo. Trong đó, tục chơi sáo diều đã được vinh danh và công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Anh Nguyễn Phú Quốc đến từ Câu lạc bộ Diều Đà Nẵng cùng các lưu học sinh Việt Nam tham dự lễ hội. (Ảnh: HỮU HƯNG) |
Anh Nguyễn Phú Quốc đến từ Câu lạc bộ Diều Đà Nẵng, với sự hỗ trợ của các bạn lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc, đã mang đến Lễ hội những chiếc diều mang đặc trưng của Việt Nam như diều sáo, diều mang hình cờ đỏ sao vàng...
Diều mang hình cờ đỏ sao vàng tung bay. (Ảnh: HỒ QUÂN) |
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc, anh Nguyễn Phú Quốc cho biết đã từng tham dự lễ hội thả nhiều tại nhiều nước như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia..., nhưng Lễ hội Diều quốc tế Duy Phường có thể được coi là sự kiện có quy mô lớn nhất, cả về số lượng người tham dự, mức độ đầu tư về địa điểm và không gian tổ chức, cũng các quốc gia và vùng lãnh thổ có đại diện.
Đại diện Việt Nam cùng thả diều với bạn bè quốc tế. (Ảnh: HỮU HƯNG) |
Anh Quốc đánh giá, Lễ hội lần này là cơ hội tốt để những người đam mê diều trên thế giới giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau; đồng thời, bản thân anh cũng sẽ cố gắng giới thiệu quảng bá văn hóa diều truyền thống đặc sắc và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, mến khách đến với bạn bè quốc tế.
Sáo diều Việt Nam được giới thiệu tại lễ hội. (Ảnh: HỮU HƯNG) |
Tại khu vực quốc tế trong Lễ hội lần này, diều sáo Việt Nam nhận được sự quan tâm khá lớn của khán giả và người đam mê diều các nước. Không ít người đã giao lưu, tìm hiểu thông tin và chụp ảnh lưu niệm bên những chiếc diều truyền thống của Việt Nam.