Ấn tượng Bộ đội Cụ Hồ trong lòng bạn bè quốc tế

Mặc dù thực hiện nhiệm vụ ở xa Tổ quốc, điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh và bệnh dịch, song những năm qua, lực lượng của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc (LHQ) đã nỗ lực vượt khó, luôn nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để lại hình ảnh tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong lòng bạn bè quốc tế.

Các bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 - số 1 của Việt Nam thực hiện ca mổ đầu tiên, tại Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ Nam Xu-đăng.
Các bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 - số 1 của Việt Nam thực hiện ca mổ đầu tiên, tại Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ Nam Xu-đăng.

Nhiệm vụ mới, thử thách mới

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc QĐND Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ nhìn nhận: Việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ là bước đột phá nhằm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Đảng; thể hiện rõ vai trò của QĐND trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế... Sau thành công cử các sĩ quan tham gia GGHB LHQ tại Nam Xu-đăng và Cộng hòa (CH) Trung Phi, đầu tháng 10-2018, Việt Nam tiếp tục cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 - số 1 (BVDCC2.1) sang làm nhiệm vụ tại Nam Xu-đăng. Đây là bước tiến mới, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện trách nhiệm của mình với vấn đề an ninh, hòa bình và nhân đạo của quốc tế.

Để hoạt động trong môi trường quốc tế, mỗi người lính phải có đủ trình độ, kiến thức, năng lực như: trình độ ngoại ngữ; hiểu biết về luật pháp quốc tế…, đặc biệt là kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn của LHQ. Lực lượng Quân đội được cử đi làm nhiệm vụ phải đặt dưới sự chỉ huy của Phái bộ ở nước sở tại; đồng thời phải chấp hành sự chỉ huy, chỉ đạo từ Bộ Quốc phòng Việt Nam. Trong đó, đơn vị tham gia GGHB LHQ phải duy trì hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức quần chúng và thực hiện các chế độ, nền nếp ngày, tuần như các đơn vị ở trong nước. “Những năm qua, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Cục GGHB Việt Nam tích cực phối hợp các cơ quan, đơn vị lựa chọn con người; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, cử cán bộ, nhân viên đi nghiên cứu, học tập ở trong nước và nước ngoài. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước để làm tốt công tác chuẩn bị. Thực tế thời gian qua, Việt Nam cử các sĩ quan và BVDCC2.1 tham gia hoạt động GGHB LHQ đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ do LHQ đặt hàng, được bạn bè quốc tế đánh giá cao...” - Đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng GGHB Việt Nam (Bộ Quốc phòng) cho biết.

Những ngày đầu nhớ mãi

Vừa hoàn thành nhiệm vụ từ Nam Xu-đăng trở về, Trung tá Nguyễn Việt Hưng, Phó Trưởng phòng Công tác địa bàn - Cục GGHB Việt Nam, chia sẻ: Lần đầu Việt Nam cử BVDCC2.1 tham gia GGHB LHQ chưa có nhiều kinh nghiệm, song được sự giúp đỡ của LHQ và các nước: Vương quốc Anh, Ô-xtrây-li-a, Mỹ,… và của Phái bộ, cùng sự năng động, sáng tạo của sĩ quan Việt Nam, cho nên từ lúc triển khai BVDCC2.1 tại tỉnh Ben-tiu (Nam Xu-đăng) đến khi đi vào hoạt động chỉ trong vòng 24 ngày. Trong khi nhiều quốc gia khác triển khai đội hình đơn vị tới Phái bộ phải mất từ hai đến ba thậm chí sáu tháng sau mới có thể đi vào hoạt động được.

Ấn tượng Bộ đội Cụ Hồ trong lòng bạn bè quốc tế ảnh 1

Hoạt động thể thao giúp các chiến sĩ giải tỏa căng thẳng sau ca trực (ảnh trên).

Đáng nhớ là, cuối tháng 10-2018 vừa qua, BVDCC2.1 khai trương chính thức đi vào hoạt động, đến 20 giờ cùng ngày, bệnh viện tiếp nhận ca cấp cứu bệnh nhân là nữ quân nhân của Tiểu đoàn Bộ binh Mông Cổ, bị viêm ruột thừa cấp trong tình trạng nguy kịch. Bệnh viện đã nhanh chóng làm các thủ tục, thực hiện ca mổ từ 23 giờ 30 phút cùng ngày đến khoảng 2 giờ 30 phút sáng hôm sau. Ở trong nước, việc mổ ruột thừa là “chuyện thường ngày ở huyện”, nhưng đối với BVDCC2.1 của LHQ, đòi hỏi quy trình, trình độ chuyên môn của bác sĩ cao nhất… Do vậy, cả đêm ấy, cán bộ, nhân viên bệnh viện ai nấy đều thức trắng đêm theo dõi thông tin ca mổ. Ca mổ thành công, bệnh nhân xuất viện sau năm ngày điều trị, trong niềm phấn khởi không chỉ của cán bộ, nhân viên BVDCC 2.1, mà còn là niềm vui, sự cảm phục của cán bộ, nhân viên đơn vị nước bạn.

Trung tá, bác sĩ Bùi Đức Thành, Giám đốc BVDCC2.1 cho biết: Ngày đầu triển khai thực hiện nhiệm vụ tại Nam Xu-đăng, đơn vị gặp không ít khó khăn vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cơ sở vật chất thiếu thốn, cán bộ, nhân viên xa nhà không khỏi nhớ quê hương, gia đình… Do vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, động viên cán bộ, nhân viên nêu cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, BVDCC2.1 còn mang thêm một số máy móc, trang, thiết bị khám, chữa bệnh hiện đại không thuộc diện bồi hoàn của LHQ và đưa sang một số bác sĩ chuyên khoa giỏi… Vì thế, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại BVDCC2.1 của Việt Nam tăng đột biến; tháng đầu đi vào hoạt động đã khám, chữa bệnh cho 120 lượt bệnh nhân là cán bộ, nhân viên của LHQ và người dân; nhiều gấp bốn lần BVDCC2.1 của nước bạn trước đó. Đặc biệt, bệnh viện đã thực hiện ba ca mổ và cứu chữa nhiều ca sốt rét.

Chỉ trong thời gian ngắn đi vào hoạt động, BVDCC2.1 đã gây ấn tượng tốt không chỉ với cán bộ, nhân viên các cơ quan Phái bộ của LHQ làm việc tại Phân khu bắc tiền phương, mà còn được Phòng y tế toàn Phái bộ Nam Xu-đăng đánh giá cao; đại diện BVDCC2.1 của một số nước tại địa bàn, các đoàn công tác của tổ chức phi Chính phủ đến thăm BVDCC2.1 của Việt Nam để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

Lan tỏa tình người, văn hóa Việt

Vừa từ CH Trung Phi trở về, Trung tá Lê Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Tham mưu - Kế hoạch, Cục GGHB Việt Nam kể lại: Năm 2017, Việt Nam cử năm sĩ quan sang Phái bộ MINUSCA nhận nhiệm vụ, trong đó có ba vị trí luân phiên và hai vị trí nhận nhiệm vụ mới. Mặc dù tình hình an ninh tại CH Trung Phi những năm qua biến đổi khó lường, nhưng khi tới Phái bộ, các sĩ quan Việt Nam nhanh chóng làm chủ công việc, được Phái bộ lựa chọn, giao giữ vai trò Trưởng nhóm quan sát viên quân sự, Trưởng Ban tình báo Phân khu và nhiều vị trí khác.

Thời tiết khí hậu rất khắc nghiệt tại CH Trung Phi, nắng nóng kéo dài, rau xanh khan hiếm. Để bảo đảm nguồn rau xanh cho bữa ăn hằng ngày, Trung tá Sơn và đồng đội đã mang theo hạt giống và trồng nhiều loại rau; đồng thời, hướng dẫn người dân Trung Phi tự trồng rau xanh. Việc làm kể trên khiến sĩ quan các nước tại Phái bộ rất ấn tượng, họ còn đặt hàng mua rau của người dân. Tổ công tác còn tổ chức dạy học cho sáu lớp, với hơn 150 trẻ em ở nhiều lứa tuổi, bậc học. Đây là hoạt động chưa từng có tại Phái bộ MINUSCA; trở thành điểm sáng, được Phái bộ đánh giá cao và nhiều lần nêu gương trong các hội nghị, cuộc họp. Việc dạy học của sĩ quan Việt Nam còn lan tỏa, nhận được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế như: Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), tổ chức phi Chính phủ (NGO), các cơ quan của CH Trung Phi. Cán bộ tổ công tác còn gặp gỡ sinh viên của Đại học Bangui, thảo luận thành lập câu lạc bộ sinh viên tình nguyện, với mong muốn hỗ trợ nhiều trẻ em và người dân. Đến nay, các hoạt động thiện nguyện đã và đang được nhân rộng tại CH Trung Phi… Nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ, Tết, Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12), Tổ công tác của Trung tá Sơn còn tổ chức các hoạt động kỷ niệm, mời đại diện Phái bộ, sĩ quan, nhân viên các nước và người dân trên địa bàn tham dự; phối hợp tổ chức hoạt động văn hóa, tuyên truyền, giới thiệu bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam, về Bộ đội Cụ Hồ… “Thiếu tướng Traore Sidiki - Phó Tư lệnh Phái bộ MINUSCA không chỉ bày tỏ sự tôn kính lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, mà còn đánh giá cao những đóng góp tích cực, hiệu quả của Việt Nam về lĩnh vực GGHB LHQ, trong đó có đóng góp của cán bộ Việt Nam tại Phái bộ MINUSCA...” - Trung tá Sơn chia sẻ.

Đại tá Hoàng Kim Phụng cho biết, đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm nay, ngoài chế độ, tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng, Cục GGHB Việt Nam còn gửi thêm nhiều vật phẩm gắn với Tết truyền thống quê nhà để các tổ công tác và BVDCC2.1 tổ chức trang trí phòng đón Giao thừa, gói bánh chưng... Năm nay, các cán bộ, nhân viên có cái Tết đặc biệt với các khách mời là đại diện sĩ quan, nhân viên của LHQ tại Phái bộ, một số tổ chức, Việt kiều, nhân viên gốc Việt đang công tác ở các cơ quan, tổ chức trong Phái bộ LHQ chung vui đón Tết cổ truyền dân tộc.

Tết đã về, trong niềm vui Xuân mới, thật ấm lòng khi nhớ đến lời tâm sự của Thiếu tá, bác sĩ Phan Tân Dân, BVDCC2.1- “Chung vui đón Tết nơi “xứ người”, nhưng chúng tôi luôn hướng về Đất mẹ, tự nhủ sẽ tiếp bước cha anh, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nhỏ bé của mình nâng cao uy tín, vị thế của đất nước và QĐND Việt Nam trên trường quốc tế”.

Ngày 26-11-2018, Ngài Giăng Pi-e La-croa, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các hoạt động GGHB LHQ đã gửi thư cho Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại LHQ, đánh giá cao và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong công tác triển khai thành công và nhanh chóng Bệnh viện dã chiến cấp 2 - số 1 của Việt Nam tại Nam Xu-đăng.