Với du lịch Lâm Đồng, tai nạn với các tua du lịch mạo hiểm không phải là lần đầu. Cuối tháng 9-2018, Khu du lịch thác Datanla (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đã phải tạm dừng mọi tua du lịch mạo hiểm vượt thác sau sự cố một du khách Hàn Quốc tử nạn khi tham gia trò chơi mạo hiểm đu dây vượt thác. Hồi tháng 2-2016, cũng tại thác Datanla, ba khách du lịch người nước ngoài đã chết khi tham gia trò chơi mạo hiểm đu dây vượt thác. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do công ty lữ hành đưa khách đến đã tổ chức trò chơi mạo hiểm “chui”, không mua vé và không sử dụng các thiết bị an toàn đúng quy chuẩn do khu du lịch cung cấp.
Du lịch mạo hiểm là loại hình chuyên biệt đòi hỏi các yêu cầu nghiêm ngặt trong quản lý, bởi chỉ thiếu cẩn trọng một chút là dẫn đến rủi ro cho du khách. Bởi thế, Nghị định 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch năm 2017 đã đưa ra các quy định khá chi tiết và đầy đủ để bảo đảm các hoạt động du lịch mạo hiểm được khai thác chuyên nghiệp, an toàn. Các biện pháp bảo đảm an toàn khi kinh doanh du lịch mạo hiểm như: Phải có cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên quan; có phương án cứu hộ, cứu nạn, bố trí lực lượng cứu hộ và can thiệp, xử lý kịp thời các sự cố, bảo đảm giữ liên lạc với du khách trong suốt thời gian cung cấp sản phẩm... Nhưng trên thực tế, vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp cố tình lách luật, thiếu nghiêm túc trong chấp hành, thậm chí bỏ qua quy định của pháp luật. Không ít đơn vị vì lợi nhuận sẵn sàng mở tua kinh doanh “chui” hoặc tua kém chất lượng mà chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề bảo đảm an toàn cho du khách. Thậm chí, một số đơn vị còn tự ý khai thác các điểm du lịch chưa được cấp phép để né tránh sự quản lý của cơ quan chức năng.
Và những rủi ro đã xảy đến do sự tắc trách, thiếu chuyên nghiệp, thậm chí vô trách nhiệm của không ít công ty du lịch và hướng dẫn viên. Bên cạnh đó, cũng có sự buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại. Công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu thường xuyên, chưa sâu sát dẫn tới bị động trong ngăn ngừa, xử lý sự cố. Phần lớn các trường hợp, sau khi sự cố, tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng sở tại mới biết về sai phạm của doanh nghiệp du lịch.
Việc quản lý loại hình du lịch mạo hiểm cần những cơ chế đặc biệt, chặt chẽ, mang tính chuyên nghiệp cao và việc quản lý rủi ro phải được quan tâm hàng đầu. Doanh nghiệp kinh doanh du lịch mạo hiểm phải có giấy phép riêng, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, khai thác các nội dung trò chơi theo quy chuẩn, thì mới được hoạt động. Bởi vậy, để kiểm soát được loại hình du lịch có tính chất mạo hiểm, hạn chế nguy cơ rủi ro, bảo đảm an toàn về mọi phương diện cho du khách, vấn đề quan trọng cấp thiết là phải đẩy mạnh vai trò quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng tại các địa phương và điểm đến du lịch, đi kèm là chế tài xử lý đủ sức răn đe để ngăn chặn kịp thời các hành vi kinh doanh tua trái phép, kém chất lượng; khi xảy ra sự cố, không chỉ đơn vị vi phạm bị xử lý, mà đơn vị quản lý cũng phải liên đới trách nhiệm. Các cơ quan chức năng phải thực hiện các thủ tục kiểm định gắt gao đối với doanh nghiệp cung cấp tua du lịch mạo hiểm nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho du khách tham gia. Bên cạnh đó, hiểu biết, phương tiện, kỹ năng, ý thức của du khách trong việc tuân thủ pháp luật, hướng dẫn chuyên môn khi tham gia du lịch mạo hiểm, cũng là vấn đề không thể coi nhẹ.
Nếu không sớm quản lý căn cơ, chuyên nghiệp, hiệu quả đối với du lịch mạo hiểm, trong tương lai sẽ còn tiếp tục xảy ra những tai nạn, rủi ro dẫn tới những hậu quả tiêu cực, gây thiệt hại về người, tài sản và làm giảm uy tín của du lịch Việt Nam.