Những ngày đầu tháng 5, từng dòng người từ mọi miền đất nước tấp nập trở về chiến khu xưa ATK Định Hóa. Những đồng lúa đang chuẩn bị trổ bông xanh mướt, ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày trong các làng, bản mái ngói đỏ tươi, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trước cửa nhà, ai cũng thấy rộn ràng, tự hào về truyền thống cách mạng của đồng bào các dân tộc nơi đây, một lòng một dạ bảo vệ tuyệt đối an toàn Bác Hồ, các bậc cách mạng tiền bối để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đến ATK Định Hóa, ai cũng muốn đến “địa chỉ đỏ” Tỉn Keo, được coi là “trái tim” của chiến khu. Tỉn Keo trước đây thuộc thôn Lục Rã, xã Bình Thành, từ đầu năm 1954 là xã Phú Đình, ngày 6-12-1953, tại nơi này, Bác Hồ chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiếp đó, ngày 1-1-1954, cũng tại Tỉn Keo, Bộ Chính trị họp, chỉ định cơ quan lãnh đạo và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy.
Mang theo lời dặn của Bác Hồ “Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, ngày 5-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rời ATK Định Hóa, lên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu/Chấn động địa cầu”.
Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa Bùi Huy Toàn chia sẻ: “Tỉn Keo là một trong những di tích quan trọng nhất trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Lán đơn sơ tại đồi Tỉn Keo, nơi Bác Hồ ở và làm việc nhiều lần trong những năm từ 1948 đến cuối năm 1953. Những năm qua, chúng tôi thường xuyên tu bổ, bảo tồn để phục vụ các tầng lớp nhân dân tham quan, tuyên truyền truyền thống cách mạng của dân tộc”. Lán ở và làm việc của Bác Hồ trên đồi Tỉn Keo, là một căn lán nhỏ, đồ dùng, phương tiện làm việc rất đơn sơ, thiếu thốn. Đến đây, ai cũng cảm nhận được tác phong, lối sống giản dị, khó khăn, gian khổ mà Bác Hồ trải qua để lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa được giao quản lý, bảo tồn 16 di tích lịch sử, trong đó có những di tích quan trọng, như nơi ở và làm việc của các nhà cách mạng tiền bối Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, đồi Pọ Đồn - nơi Bác Hồ chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng, Tổng Chỉ huy quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp năm 1948. Ông Bùi Huy Toàn cho biết: "Được sự quan tâm của tỉnh, chúng tôi làm tốt công tác tôn tạo, bảo tồn các di tích và hằng năm đón, giới thiệu ATK Định Hóa cho khoảng 60 vạn đồng bào, chiến sĩ cả nước đến tham quan, tìm hiểu chiến khu xưa".
Phát huy truyền thống cách mạng, ngày nay gần mười vạn đồng bào, trong đó 70% đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều sáng tạo và đạt được những kết quả đáng mừng trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội. Chủ tịch UBND huyện Định Hóa Hoàng Văn Sơn vui mừng: “Là huyện miền núi, nhưng diện tích đất canh tác của chúng tôi đạt gần 90 triệu đồng/năm; kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, tạo động lực phát triển kinh tế, nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện, thu nhập bình quân đạt hơn 40 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hết năm nay còn dưới 10%”.
Rất mừng là hiện nay, tuyến đường từ km31 quốc lộ 3 vào ATK Định Hóa đang chuẩn bị được đầu tư nâng cấp giúp đồng bào cả nước về với chiến khu xưa thuận lợi hơn. Tỉnh Thái Nguyên cũng đang có chủ trương kết nối Khu du lịch hồ Núi Cốc được quy hoạch mang tầm quốc gia kết nối với Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Như thế, việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị ATK Định Hóa sẽ được tăng cường, tạo thêm động lực để địa phương phát triển kinh tế, xã hội.