An Giang tìm hướng khai thác hiệu quả ngành du lịch

Năm 2024, tỉnh An Giang đón gần 9 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch. Trong năm 2025, tỉnh phấn đấu đón 10 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú ước đạt hơn 1 triệu lượt, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt gần 11 nghìn tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Hội đua bò Bảy Núi đặc sắc ở An Giang thu hút đông đảo người xem.
Hội đua bò Bảy Núi đặc sắc ở An Giang thu hút đông đảo người xem.

Để đạt được kết quả này, tỉnh An Giang tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch, trong đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch...

Một năm tăng tốc của ngành du lịch An Giang

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, năm 2024 là năm đánh dấu sự phục hồi và tăng tốc trở lại của hoạt động du lịch An Giang. Trong năm, An Giang đón gần 9 triệu lượt khách tham quan, du lịch.

Trong đó, lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn và nhà nghỉ, nhà trọ đạt khoảng 800 nghìn lượt; khách quốc tế ước đạt 25 nghìn lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 10.250 tỷ đồng.

Được kết quả như vậy do năng lực phục vụ khách du lịch của ngành du lịch tỉnh ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng đúng tiêu chuẩn của ngành và nhu cầu của khách du lịch.

An Giang hiện có 100 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 67 cơ sở được xếp hạng, gồm: 1 khách sạn 4 sao, 6 khách sạn 3 sao, 9 khách sạn 2 sao, 21 khách sạn 1 sao và 30 cơ sở đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Các chủ trương, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh đã được ban hành phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh đã mang lại hiệu quả cao, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch An Giang sớm khôi phục và phát triển.

Từ đó, hoạt động du lịch đã đạt những kết quả tốt, trong đó có một số chỉ tiêu vượt so với kế hoạch. Tỉnh có 26 công ty lữ hành; 6 khu, điểm du lịch được công nhận…

Trong 15 năm gần đây, mỗi năm lượng du khách đến tỉnh An Giang đều tăng. Tỉnh được thiên nhiên ưu đãi là vùng đồng bằng nhưng có núi non, rừng tự nhiên và tái sinh cùng các cảnh đẹp tự nhiên khác.

Khu du lịch Quốc gia Núi Sam thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc với quần thể Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang, Tây An tự cùng núi Sam với bao truyền thuyết là nơi có khách đến tham quan, hành hương cao nhất tỉnh với hơn 4 triệu lượt khách.

Kế đến là Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở cù lao Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên; thị xã Tịnh Biên với Khu du lịch Núi Cấm, rừng Tràm Trà Sư; huyện Tri Tôn với núi Cô Tô, các ao hồ trên núi Tà Pạ, núi Dài… cũng đón đông đảo du khách.

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh

Năm 2025, tỉnh An Giang phấn đấu đạt 10 triệu lượt khách. Để đạt được con số trên, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ngành tập trung triển khai đề án Phát triển sản phẩm Du lịch An Giang giai đoạn 2024-2030.

Cụ thể, phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đặc trưng, tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên đặc trưng của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch An Giang.

Tháng 12/2024, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của tỉnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là thông tin vui của tỉnh và cả nước. Như vậy, khách du lịch quốc tế và trong nước, các nhà nghiên cứu quan tâm sẽ đến tham quan tìm hiểu tại Lễ hội vía Bà năm 2025 nhiều hơn.

Còn trước đó, cuối tháng 11/2024, tại thành phố Cần Thơ, Chương trình bình chọn “Điểm đến hấp dẫn Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long” đã công bố kết quả với 50 điểm đến được công nhận.

An Giang tìm hướng khai thác hiệu quả ngành du lịch ảnh 1

Một góc du lịch Cồn Én.

Trong đó, tỉnh An Giang có 3 điểm đến được công nhận là Khu du lịch quốc gia Núi Sam, Điểm du lịch Rừng tràm Trà Sư và điểm du lịch Cồn Én. Núi Sam và rừng tràm lâu nay nổi tiếng, còn du lịch Cồn Én còn non trẻ trong làng du lịch.

Điểm du lịch Cồn Én nằm bên bờ sông Tiền huyện Chợ Mới tuy ra đời chỉ vài năm, nhưng với cảnh vật tự nhiên sông nước hữu tình, các món ăn đậm chất miền quê đã nhanh chóng thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là giới trẻ.

An Giang với hệ thống sông ngòi và kênh rạch chằng chịt, cùng mùa nước nổi hằng năm hứa hẹn sẽ phát triển loại hình tiềm năng này. Ngoài ra, tại An Giang còn nhiều lễ hội khác đặc sắc của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Hồ Văn Mừng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch tỉnh An Giang nhận định, tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nhưng thời gian qua, An Giang khai thác chưa hiệu quả.

Tuy nhiên, điều băn khoăn là du khách đến An Giang qua từng năm đều tăng cao nhưng doanh thu chưa cao là gì sao? Đó là vì không giữ chân được khách do thiếu cơ sở lưu trú, thiếu các tour tuyến, các sản phẩm du lịch hấp dẫn…

Ông Hồ Văn Mừng yêu cầu, các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch tỉnh và các địa phương tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch của các ngành, các cấp và người dân; xem du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, mang tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao.

Đề nghị sở, ban, ngành xây dựng đề án phát triển du lịch của tỉnh để có định hướng phát triển một cách bao quát ở giai đoạn trước và trong tương lai xa. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng phát triển du lịch theo kiểu ngẫu hứng, không bền vững...