Chương trình Chuyển đổi số An Giang thực hiện các mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; doanh nghiệp phát triển dựa trên hạ tầng số, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số; người dân tham gia tích cực ứng dụng, khai thác nền tảng số.
Theo đó, đưa ra 15 chỉ tiêu cụ thể thực hiện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tập trung 3 trụ cột chính về phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số.
Đồng thời, đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện, cùng với 53 chương trình/dự án.
Báo cáo sơ kết cho thấy, chương trình đạt được một số kết quả nhất định như: có 18 dự án/ nhiệm vụ về công nghệ thông tin và chuyển đổi số được triển khai; có 11/15 chỉ tiêu đạt mục tiêu của chương trình đề ra.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khẳng định, hội nghị sơ kết nhằm đánh giá toàn diện kết quả 2 năm triển khai thực hiện chương trình; làm rõ những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện, từ đó đề ra giải pháp tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ đã đề ra cho giai đoạn 2023-2025.
Chương trình có 53 dự án, nhiệm vụ với dự toán hơn 389 tỷ đồng; có 23/53 dự án, nhiệm vụ được triển khai với tổng kinh phí sử dụng hơn 56 tỷ đồng (tỷ lệ 14,4%); có 11/15 chỉ tiêu đạt (tỷ lệ 73,3%), còn 4 chỉ tiêu chưa đạt nhưng 4 chỉ tiêu này dự báo khả năng sẽ đạt đến năm 2025, tuy nhiên chỉ tiêu về kinh tế số là khó nhất.
Còn 30 dự án chưa được triển khai và cần xem xét, đánh giá lại. Mặt khác, về chỉ số đánh giá mức độ Chuyển đổi số của tỉnh trong năm 2020 đứng thứ 29/63 tỉnh, thành phố (321,1 điểm); năm 2021 đứng thứ 42/63 (346,2 điểm), năm 2022 đứng thứ 54/63 tỉnh (497,2 điểm).
Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm 2023, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh xếp mức độ A và hạng 4/63, đây là tín hiệu tích cực đáng ghi nhận thành công của tỉnh.