Ấn Độ lập kỷ lục mới về tiêm ngừa Covid-19

NDO -

Ngày 17/9, Ấn Độ đã lập kỷ lục mới với việc tiêm hơn 20 triệu liều vaccine Covid-19 trong một ngày, trong bối cảnh các bang trên khắp cả nước đang đẩy mạnh chương trình tiêm phòng toàn quốc.

Người dân Ấn Độ xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Kochi, bang Kerala, ngày 7/9/2021. (Ảnh: Reuters)
Người dân Ấn Độ xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Kochi, bang Kerala, ngày 7/9/2021. (Ảnh: Reuters)

Kỷ lục cũ trước đó là 14,1 triệu liều được tiêm vào ngày 31/8. Tỷ lệ tiêm chủng đã tăng mạnh trong vài tuần qua, chủ yếu nhờ năng lực sản xuất trong nước tăng cao cho vaccine AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ bào chế. Dự kiến, đơn vị này sẽ cung cấp 200 triệu liều cho chương trình tiêm chủng quốc gia trong tháng 9, so với khoảng 150 triệu liều cho tháng trước.

Ngoài ra, Công ty Bharat Biotech cũng sẽ cung cấp 35 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 nội địa Covaxin trong tháng này, trong khi một đơn vị khác là Cadila Healthcare Ltd sẽ tham gia triển khai tiêm chủng vào tháng tới, với 10 triệu liều vaccine DNA do công ty này sản xuất.

Hiện Ấn Độ đã tiêm tổng cộng hơn 783 triệu liều vaccine, trong đó hơn 62% trong số 944 triệu người trưởng thành đã tiêm ít nhất một liều, và khoảng 21% được tiêm đủ hai liều.

Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm ít nhất một liều cho phần lớn dân số trưởng thành vào nửa đầu tháng tới. Nước này đã ghi nhận hơn 33,38 triệu ca mắc Covid-19 và 444.248 trường hợp tử vong.

* Tại Đông Nam Á, cùng ngày, Indonesia tiếp nhận 2,6 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer từ Mỹ và gần 1 triệu liều vaccine của Moderna từ Pháp thông qua cơ chế COVAX.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết, Mỹ đã viện trợ cho nước này 2.632.599 liều vaccine của hãng Pfizer trong hai ngày 16-17/9.

Lô hàng này là một phần trong số 4.644.900 liều vaccine bổ sung thông qua cơ chế COVAX. Tính đến nay, Mỹ đã viện trợ 12 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho Indonesia.

Cùng ngày, Indonesia cũng tiếp nhận 968.360 liều vaccine của hãng AstraZeneca do Pháp hỗ trợ thông qua cơ chế COVAX. Đây là giai đoạn hai trong cam kết của Chính phủ Pháp cung cấp 3 triệu liều vaccine cho Indonesia.

Ngày 17/9, PGCare Alliance triển khai dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa “telehealth” cho những bệnh nhân đang phải cách ly tại nhà sau khi xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là dịch vụ chăm sóc sức khỏe công cộng từ xa đầu tiên của Malaysia.

Thông qua các cuộc gọi video, các bác sĩ sẽ trả lời và hướng dẫn bệnh nhân Covid-19 tự chăm sóc. Dịch vụ này hoạt động trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 22 giờ hằng ngày bằng cả 3 thứ tiếng Anh, Malaysia và tiếng Trung.

* Tại châu Âu, Hà Lan sẽ yêu cầu người dân có chứng nhận tiêm phòng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 nếu muốn vào các quán bar, nhà hàng, bảo tàng, rạp hát và dự các sự kiện văn hóa, khi gần như tất cả các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ.

Khoảng 72% trong số 17,5 triệu người Hà Lan đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19. Số ca mắc mới đã giảm xuống còn khoảng 2.000 ca/ngày, trong khi khoảng 600 bệnh nhân mắc Covid-19 vẫn đang được điều trị trong bệnh viện.

Tương tự, Thụy Sĩ thông báo, những khách du lịch nhập cảnh nước này nếu chưa được tiêm phòng Covid-19 hoặc mới khỏi bệnh sẽ phải có kết quả xét nghiệm âm tính.

Biện pháp này sẽ được áp dụng từ ngày 20/9 trong bối cảnh Thụy Sĩ đang nỗ lực ngăn chặn số ca mắc mới gia tăng.

Đến nay, Thụy Sĩ ghi nhận tổng cộng 823.074 ca mắc, trong đó 11.010 ca tử vong. Quốc gia này đã tiêm phòng đầy đủ cho hơn 53% dân số.

* Tại Mỹ, các chuyên gia dịch tễ học cho rằng, người đã mắc Covid-19 thường có kháng thể bảo vệ và không thể tái nhiễm SARS-CoV-2 trong 6 tháng. Tuy nhiên, tình trạng tái nhiễm sau đó có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo các trường hợp này nên tiêm ngừa Covid-19 khi có thể.

Liên quan tới mũi tiêm tăng cường (mũi thứ ba), giới chức y tế Mỹ cho rằng, các vaccine đang được dùng tại Mỹ hiện nay đủ khả năng bảo vệ người dân chống lại trường hợp bệnh nặng và tử vong do Covid-19 mà không cần liều bổ sung.

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới