Trong ngày qua, ngoài Ấn Độ, có sáu quốc gia phát hiện hơn 10.000 ca mắc mới, gồm: Brazil (44.178), Colombia (27.818), Nga (17.611), Indonesia (13.737), Nam Phi (13.155), Argentina (10.395).
Tại châu Âu, biến chủng Delta hiện đã lan rộng ở Anh, Bồ Đào Nha và xuất hiện tại một số khu vực ở Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Các quan chức y tế châu Âu cảnh báo cần phải hành động để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng này.
Báo cáo phân tích dữ liệu của tờ Financial Times cho biết, dù Delta chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số ca mắc Covid-19 ở châu Âu, nhưng biến chủng này đang gia tăng, chiếm tới 96% các ca mắc mới tại Bồ Đào Nha, hơn 20% tại Italy và khoảng 16% tại Bỉ.
Điều này làm dấy lên lo ngại biến chủng mới có thể cản trở những nỗ lực mà Liên hiệp châu ÂU (EU) đã đạt được trong vòng hai tháng qua trong việc giảm các ca mắc và tử vong do Covid-19 xuống mức thấp nhất kể từ mùa thu năm ngoái.
Tại Bồ Đào Nha, biến chủng Delta đang lây lan trong cộng đồng tại khu vực Lisbon mở rộng, nơi chiếm hơn 60% tổng số ca mắc trong tuần qua tại nước này. Bồ Đào Nha hiện đã ban hành lệnh cấm rời khỏi khu vực này và các hoạt động đi lại không thiết yếu nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến chủng này sang các khu vực trong nước khác.
Tờ Financial Times dẫn lời Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết, biến chủng Delta chiếm từ 2% đến 4% các mẫu virus được phân tích ở Pháp. Ông nhấn mạnh dù con số này vẫn thấp, nhưng tình hình ở Anh vài tuần trước cũng tương tự như vậy.
Nhà chức trách Pháp đang nỗ lực ngăn chặn dịch bùng phát tại vùng Landes, gần biên giới Tây Ban Nha, nơi 125 ca mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Delta đã được phát hiện qua giải trình tự gen và 130 ca nghi nhiễm khác, chiếm khoảng 30% các ca mắc mới gần đây tại khu vực này.
Các nhà khoa học châu Âu đang tập trung vào Anh, nơi số ca mắc Covid-19 đã tăng gấp ba trong tháng qua với biến chủng Delta chiếm khoảng 98% tổng số ca mắc, để dự báo về diễn biến của đại dịch cũng như tìm ra những biện pháp ứng phó.
Sau khi dữ liệu chính thức cho thấy biến chủng Delta dường như làm tăng nguy cơ nhập viện gấp 2,2 lần so với biến chủng Alpha được phát hiện tại Anh, Chính phủ Anh đã lùi lộ trình dỡ bỏ phong tỏa đất nước thêm bốn tuần. Nhà virus học Bruno Lina, Cố vấn của Chính phủ Pháp cho biết, các quyết định mở cửa trở lại của Anh sẽ là một thí nghiệm đối với châu Âu.
Một số nhà khoa học lo ngại biến chủng Delta có thể đã lan rộng nhưng chưa bị phát hiện bởi việc giải trình tự gen để xác định các biến chủng ít được thực hiện tại châu Âu do chi phí cao và tốn thời gian. Trong khi Anh đã giải trình tự hơn 500.000 bộ gen SARS-CoV-2, con số này lần lượt chỉ đứng ở mức khoảng 130.000, 47.000 và 34.000 tại Đức, Pháp và Tây Ban Nha.
Các chuyên gia tin rằng, biến chủng Delta sẽ thống trị tại bất cứ nơi nào nó xuất hiện, và cho rằng chìa khóa để giải quyết vấn đề là tăng tỷ lệ người dân được tiêm đủ hai mũi vaccine, đồng thời làm chậm quá trình lây lan của virus càng nhanh càng tốt.
Tại châu Á, Thủ tướng Muhyiddin Yassin ngày 20-6 bày tỏ tin tưởng mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng của Malaysia trong Kế hoạch khôi phục quốc gia có thể hoàn thành đúng kế hoạch sau khi nước này nhận được vaccine từ các nhà cung cấp lớn.
Phát biểu trước báo giới sau khi đến thăm Trung tâm Tiêm chủng tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur, ông Yassin cho biết, chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để có được nguồn cung vaccine theo đúng kế hoạch.
Ông đồng thời kêu gọi người dân phải đẩy nhanh quá trình đăng ký tiêm chủng qua phần mềm MySejahtera. Thủ tướng Malaysia cho biết thêm, nếu gặp khó khăn, người dân có thể mang theo giấy tờ tùy thân và sẽ được đăng ký.
Malaysia khởi động Chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa Covid-19 (NIP) từ ngày 24-2 với ba giai đoạn. Dự kiến, NIP sẽ kết thúc vào tháng 2-2022 và đề ra kế hoạch đạt 80% dân số Malaysia sẽ được tiêm cho đến cuối năm nay. Hiện tại, có khoảng 2,8 triệu người Malaysia đã nhận được ít nhất một mũi tiêm.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 7 giờ ngày 21-6 (giờ Việt Nam):
Thế giới: 179.239.660 ca mắc, 3.881.445 ca tử vong
Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 34.405.933 ca mắc, 617.166 ca tử vong
2. Ấn Độ: 29.934.361 ca mắc, 388.164 ca tử vong
3. Brazil: 17.927.928 ca mắc, 501.825 ca tử vong
4. Pháp: 5.757.311 ca mắc, 110.738 ca tử vong
5. Thổ Nhĩ Kỳ: 5.370.299 ca mắc, 49.185 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.989.909 ca mắc, 54.662 ca tử vong
2. Philippines: 1.359.015 ca mắc, 23.621 ca tử vong
3. Malaysia: 696.408 ca mắc, 4.408 ca tử vong
4. Thái Lan: 218.131 ca mắc, 1.629 ca tử vong
5. Myanmar: 148.022 ca mắc, 3.262 ca tử vong
6. Singapore: 62.414 ca mắc, 34 ca tử vong
7. Campuchia: 42.711 ca mắc, 431 ca tử vong
8. Việt Nam: 13.117 ca mắc, 64 ca tử vong
9. Lào: 2.053 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Brunei: 252 ca mắc, 03 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 54.479.406 ca mắc, 767.355 ca tử vong
2. Châu Âu: 47.461.527 ca mắc, 1.092.506 ca tử vong
3. Bắc Mỹ: 40.339.747 ca mắc, 911.800 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 31.638.019 ca mắc, 970.677 ca tử vong
5. Châu Phi: 5.248.725 ca mắc, 137.826 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 71.515 ca mắc, 1.266 ca tử vong