Ấn Độ cảnh báo về bệnh nấm đen và phương pháp chữa Covid-19 bằng chất thải của bò

NDO -

Các nhà khoa học Ấn Độ đã lên tiếng cảnh báo phương pháp chữa Covid-19 bằng phân và nước tiểu của bò mà một số người dân đang áp dụng. Phương pháp này có thể làm phức tạp hơn tình hình y tế tại quốc gia vốn đang oằn mình giữa làn sóng dịch bệnh dữ dội.  

Người phụ nữ đi qua bức tường có tranh cổ động người dân tiêm phòng Covid-19 tại Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)
Người phụ nữ đi qua bức tường có tranh cổ động người dân tiêm phòng Covid-19 tại Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

Chữa Covid-19 bằng... chất thải của bò

Đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành khốc liệt tại Ấn Độ, hơn 250 nghìn người trong gần 23 triệu ca bệnh đã qua đời. Người dân trên khắp quốc gia Nam Á này đang chật vật tìm kiếm giường bệnh, oxy y tế và thuốc men để chống chọi với dịch bệnh. 

Tại bang Gujarat ở miền tây Ấn Độ, một số người dân tới chuồng bò mỗi tuần một lần để phủ phân và nước tiểu của bò lên khắp cơ thể với hy vọng sẽ tăng khả năng miễn dịch với Covid-19 và khỏi bệnh. 

Trong đạo Hindu, bò được coi là biểu tượng thiêng liêng của sự sống và trái đất. Trong nhiều thế kỷ, các tín đồ của đạo Hindu đã sử dụng phân bò để lau chùi nhà cửa và phục vụ các nghi lễ cầu nguyện, họ tin rằng loại chất thải này có thể khử trùng và chữa bệnh.

Tuy nhiên, các bác sĩ và nhà khoa học tại Ấn Độ cũng như trên thế giới đã nhiều lần cảnh báo không nên sử dụng phương pháp này để điều trị Covid-19 vì nó có thể dẫn tới “cảm giác an toàn” sai lệch và làm phức tạp các vấn đề y tế.

Ấn Độ cảnh báo về bệnh nấm đen và phương pháp chữa Covid-19 bằng chất thải của bò -0
Tiêm vaccine góp phần "làm phẳng" làn sóng Covid-19. (Ảnh: AP) 

“Không có bằng chứng khoa học cụ thể nào cho thấy phân và nước tiểu của bò làm tăng miễn dịch đối với Covid-19”, Tiến sĩ JA Jayalal, Giám đốc Hiệp hội Y học Ấn Độ khẳng định.

Ông Jayalal cũng đưa ra một số rủi ro y tế khác khi người dân sử dụng chất thải của bò, như khiến dịch bệnh khác lây truyền từ động vật sang người, làm tăng sự lây lan của Covid-19 khi người dân tụ tập theo nhóm...

B.1.617 là biến thể đáng quan ngại ở cấp độ toàn cầu

Sau khi kết quả của một số nghiên cứu ban đầu cho thấy B.1.617 ngày càng lây lan dễ dàng hơn, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa biến thể được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ vào năm 2020 vào danh sách biến thể đáng quan ngại ở cấp độ toàn cầu.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, cho biết tại cuộc họp báo ngày 10-5: “Chúng tôi xếp biến thể này là loại đáng quan ngại ở cấp độ toàn cầu. Có một số thông tin cho thấy biến thể này làm tăng sự lây nhiễm”.

B.1.617 là biến thể thứ tư được coi là biến thể đáng quan tâm ở cấp độ toàn cầu, cần được tăng cường truy vết và phân tích. Các biến thể của virus SARS-CoV-2 cũng được WHO đưa vào danh sách biến thể đáng quan ngại là biến thể được phát hiện lần đầu tại Anh, Nam Phi và Brazil.

WHO cho biết, B.1.617 được phát hiện tại Ấn Độ vào tháng 10-2020, sau đó hai tháng phiên bản vượt trội nó cũng được phát hiện cũng tại nước này. Biến thể B.1.617 đã xâm nhập nhiều quốc gia khác, khiến một số nước phải hạn chế người nhập cảnh đến từ Ấn Độ.

Bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của WHO cho biết, các nghiên cứu đang được tiến hành để xác định khả năng lây nhiễm của B.1.617, mức độ nghiêm trọng của căn bệnh do nó gây ra và phản ứng của kháng thể trong cơ thể người đã được tiêm ngừa Covid-19.

WHO đang kêu gọi các cá nhân, tổ chức ủng hộ chương trình “Together for India”  để gây quỹ hỗ trợ Ấn Độ mua oxy y tế, thuốc và thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế, qua đó giúp nước này vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.

Cảnh báo bệnh nấm đen gây chết người

Bức tranh dịch tễ tại Ấn Độ dường như u ám hơn khi bệnh nấm đen có thể gây tử vong được phát hiện ở người bệnh Covid-19. Khi bị nấm đen tấn công, người bệnh có thể gặp triệu chứng như mũi đổi màu, mờ mắt, khó thở, ho ra máu...

Chính phủ Ấn Độ vừa yêu cầu các bác sĩ chú ý các dấu hiệu mắc mucormycosis hay còn gọi là “nấm đen” ở người bệnh Covid-19.

Ấn Độ cảnh báo về bệnh nấm đen và phương pháp chữa Covid-19 bằng chất thải của bò -0
Một số người bệnh Covid-19 tại Ấn Độ đã mắc thêm bệnh nấm đen. (Ảnh: Reuters) 

Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ (ICMR) cuối tuần qua đã hối thúc bác sĩ điều trị người mắc Covid-19, tiểu đường và có hệ thống miễn dịch yếu nên theo dõi các dấu hiệu sớm của bệnh nấm đen như viêm xoang, tắc mũi ở một bên mặt, đau một bên đầu, sưng tấy hoặc tê bì, đau răng và tụt nướu.

"Đã có các ca bệnh được ghi nhận tại một số quốc gia, gồm Anh, Mỹ, Pháp, Áo, Brazil, Mexico, nhưng số người mắc tại Ấn Độ lớn hơn nhiều. Một trong những nguyên nhân là do tiểu đường, tiểu đường không được kiểm soát", Giáo sư David Denning của Đại học Manchester (Anh) và cũng là chuyên gia của Quỹ Hành động toàn cầu vì lây nhiễm nấm (GAFFI) cho biết.

Theo ông Arunaloke Chakrabarti, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu cao cấp về nấm tại TP Chandigarh và cũng là cố vấn của GAFFI, trước khi Covid-19 xuất hiện, bệnh nấm đen đã trở nên phổ biến hơn tại Ấn Độ so với hầu hết các quốc gia khác, một phần do hàng triệu người tại nước này bị tiểu đường. 

Bệnh tiểu đường cũng có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh sử dụng các loại steroid như dexamethasone vốn được dùng trong điều trị ca mắc Covid-19 thể nặng.

Ấn Độ chưa công bố dữ liệu quốc gia về bệnh nấm đen, song khẳng định không bùng phát dịch lớn. Nhà khoa học Aparna Mukherjee của ICMR trấn an người dân: "Không cần hoang mang, nhưng bạn cần biết khi nào bạn cần hỏi ý kiến tư vấn của chuyên gia".

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại châu Á