Sau thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm, chụp CT160 lát để đánh giá, các bác sĩ chuyên khoa Ngoại Tổng Quát kết luận, bệnh nhân bị nhiễm trùng đường mật do tắc nghẽn đoạn cuối ống mật chủ, cần được chụp hình đường mật ngược dòng qua nội soi ERCP.
Trong quá trình nội soi can thiệp, các bác sĩ phát hiện trong đường mật của bệnh nhân có rất nhiều con sán lá gan đang di chuyển. Bác sĩ đã dùng rọ gắp lấy sán trong ống mật chủ, đồng thời, ngay lập tức chuyển mẫu sán xuống phòng xét nghiệm để đọc định danh. Sau đó, bác sĩ bơm rửa làm sạch đường mật và chụp hình đường mật kiểm tra thấy thông suốt. Hai ngày sau nội soi can thiệp, sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục, được chỉ định tiếp tục điều trị bệnh lý sán lá gan tại bệnh viện trong thời gian tới.
Bệnh sán lá gan thường có các triệu chứng đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc đau vùng thượng vị và mũi ức, tính chất đau không đặc hiệu, có thể âm ỉ, đôi khi đau dữ dội, cũng có trường hợp không đau bụng. Bệnh nhân mệt mỏi, có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, có thể sốt hoặc đau cơ và mẩn ngứa... Nếu có những dấu hiệu này, cần đến ngay các cơ sở y tế để khám chữa kịp thời.
Để phòng tránh bệnh sán lá gan và các bệnh ký sinh trùng khác, các bác sĩ khuyến cáo nên thực hiện ăn chín, uống sôi, không nên ăn các loại thực phẩm tươi sống chưa qua chế biến. Cả gia đình cần tẩy giun định kỳ sáu tháng/lần. Hạn chế ăn rau sống, chỉ ăn khi mua nơi bảo đảm và vệ sinh rửa rau sạch đúng quy trình. Cần tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở sạch sẽ.