Trong cao trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và sau khi giành chính quyền, để tập hợp mọi lực lượng quanh Mặt trận Việt Minh, Đảng ta đã rút vào bí mật, cho đến Đại hội II của Đảng, năm 1951, Đảng mới trở lại công khai và đổi tên từ Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam. Ngay lúc đó, đã xuất hiện một bài ca ngợi Đảng rất hay, trang trọng của nhạc sĩ Đỗ Minh mang tên Chào mừng Đảng Lao động Việt Nam. Ở vùng tự do Liên khu 5, trong bài ca Nhớ ơn Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có viết đoạn ca từ về Đảng: Cùng Đảng Lao động là ánh sao, là đuốc thiêng soi sáng đường… Năm 1956, nhạc sĩ Thanh Phúc có bài ca ca ngợi Đảng độc đáo: Người Mèo ơn Đảng. Vào năm 1958, khi nhạc sĩ Doãn Nho viết hành khúc Tiến bước dưới quân kỳ, cũng có đoạn: Ghi sâu trong lòng từng bước ta đi - Mãi mãi vững tin Đảng tiền phong… Năm 1959, bắt gặp bài thơ của nhà thơ cộng sản L.Aragon qua bản dịch của Tố Hữu in trên báo, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã phổ thành bài ca Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng: Đảng cho tôi màu sắc nước non nhà - Đảng của tôi ơi! Người đã cho tôi sáng mắt sáng lòng.
Năm 1960, Đảng ta kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập, cũng là năm nở rộ những bài hát ca ngợi Đảng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã dùng nhịp van-xơ êm ái viết tiếp Đảng đã cho ta một mùa xuân dựa vào câu thơ của nhà thơ cộng sản Pháp Pôn Ve-lan Cu-tua-ri-ê: Chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại. Ở Hải Phòng, khi xây dựng Bảo tàng Cách mạng đầu tiên, nhạc sĩ Trần Hoàn đã nghe đồng chí Đặng Xuân Thiều (em ruột đồng chí Trường Chinh) kể về cuộc đời hoạt động bi tráng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh; ông đã dâng tràn cảm xúc để viết ra bài ca Kể chuyện người cộng sản nổi tiếng: Từ thuở ấy đất nước còn điêu tàn… Nhạc sĩ Bửu Huyền từ miền nam tập kết ra Hà Nội lại cảm hứng một hành khúc Theo Đảng ta đi. Hành khúc không chỉ được hát lên mà còn trở thành nhạc cắt của Đài Tiếng nói Việt Nam, như Tin tưởng Đảng và Tiến bước dưới quân kỳ trở thành bài trình tấu của quân nhạc. Nhạc sĩ Mộng Lân cũng viết cho thiếu nhi một bài hát thật hồn nhiên Em là mầm non của Đảng. Nhiều thiếu nhi hát bài này thời ấy, đã là những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng hôm nay.
Nhưng hoành tráng hơn cả vẫn là hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc của nhạc sĩ Hồ Bắc: Quê nghèo tăm tối/ Nay đổi mới/Ánh sao rực chiếu/ Mái tranh ấm no từ lâu nhớ công ơn Đảng muôn đời… Đậm chất sử thi hơn nữa là hợp xướng Hồi tưởng của nhạc sĩ Hoàng Vân: Ai biết tên các anh /Những người chiến sĩ vô danh/Trong những chiều hoàng hôn rực đỏ/Từ giã quê hương ra đi /Anh đã ngã xuống/ Trong ngục tối hay trên trận tuyến/ Dưới ánh sao đêm trên đỉnh núi /Hay bên bờ biển xa xôi… Có những nhạc sĩ là con cháu những người cộng sản chân chính giờ cũng bộc bạch tâm tư của mình trước Đảng như trước các bậc tiền nhân. Nhạc sĩ Hồng Đăng, tên khai sinh là Phan Đăng Hồng, cháu ruột đồng chí Phan Đăng Lưu đã viết thật thấm thía sự hy sinh của những chiến sĩ cách mạng: Đất nước lớn nhanh từng phút /Nhờ xương máu bao người thuở trước/Trông hoa xinh nhớ người trồng hoa/Tha thiết yêu Đảng chúng ta, qua bài ca Đường ta đi có nắng mặt trời.
Khi cả nước bước vào cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, tình cảm với Đảng đã lan tỏa vào nhiều giai điệu viết về những người chiến sĩ, những miền quê đất nước. Trong bài Nhớ của Lê Yên (phổ thơ Thanh Hải), Đảng hiện lên trong tâm sự của người con gái với người yêu: Anh hãy hỏi tấm chăn/Những đêm rằm vắng vẻ…/Anh lại hỏi tấm chăn/ Em chớ hỏi làm sao mà những đêm đấu tranh bỏ chăn theo đồng chí. Trong Tôi là người thợ mỏ, Hoàng Vân đã mở đầu bằng: Tôi là người thợ lò/ Sinh ra trên đất mỏ/Trong những ngày cờ đỏ/Bay trên núi Bài thơ… Song dù sao, trừ Người Mèo ơn Đảng mang nặng âm hưởng dân tộc Mông, các giai điệu khác đều ít nhiều mang âm hưởng dân tộc Kinh pha với âm hưởng nhạc phương Tây. Đến năm 1970, kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đảng, nhạc sĩ Tô Vũ qua lời thơ của Hải Như đã viết ra bài Đảng ca thuần Việt mang tên Như hoa hướng dương. Ngay từ đoạn mở đầu, với những cung bậc và luyến láy, đã thấy chất thuần Việt rất rõ: Như hoa hướng dương hướng về mặt trời/Chúng ta nguyện đi theo Đảng/Đời đời nguyện đi theo Đảng… Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Đảng chính thức lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đất nước ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức những năm tháng đầu thời kỳ hậu chiến. Vào năm 1979, khi vào công tác ở thành phố Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Phạm Tuyên gặp nhà thơ - nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, được ông đưa cho bài thơ Màu cờ tôi yêu. Khi vào phòng chờ máy bay ra Hà Nội, Phạm Tuyên đã phổ xong Màu cờ tôi yêu và bài ca đã nhanh chóng lan tỏa trong đời sống, góp phần củng cố niềm tin cho nhân dân.
Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đảng, nhiều bài ca mới về Đảng được quần chúng yêu mến như Việt Nam ơi! Mùa xuân đến rồi của Huy Du, Lá cờ Đảng của Văn An, Đảng là cuộc sống của tôi của Nguyễn Đức Toàn và Hát dưới cây đào Tô Hiệu của Hồ Bắc … GẦN đây, trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tôi có viết bài ca Ngợi ca đồng chí Nguyễn Văn Linh được ca sĩ Lê Anh Dũng hát trong lễ kỷ niệm và ca sĩ Đăng Dương thu thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhạc sĩ Nguyễn Cường thì cho tôi nghe bản thu bài ca Đồng chí khá hay và nói rằng anh viết bài ca này để dành cho dịp Đại hội lần thứ XII của Đảng. Như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, sự thiêng liêng và thành kính vốn có trong những bài ca về Đảng nhiều năm qua vẫn tuôn chảy trong những trái tim trung thành tuyệt đối với lý tưởng cao cả.