Cháu Nguyễn Thị Thùy Trang (sinh năm 2010), ở phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình sinh ra không biết mặt bố, năm lên 4 tuổi thì mất mẹ vì tai nạn giao thông. Thương cô bé côi cút sống với bà ngoại già yếu trong cảnh nghèo khổ, hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Ba Đồn cùng nhau quyên góp tiền để trợ cấp hằng tháng cho Trang.
Hơn ba năm qua, số tiền được trao chưa nhiều, song với sự quan tâm, sẻ chia của mọi người, Trang được đến trường, cuộc sống của hai bà cháu Trang đã ổn định hơn. Điều quan trọng là Trang đã nhận được sự yêu thương, đùm bọc của nhiều người, sự hỗ trợ của cộng đồng giúp cô bé thêm nghị lực vượt qua những ngày gian khó.
Căn nhà chật chội ở thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình là nơi ở của cháu Cao Xuân Sỹ (sinh năm 2008, đang học lớp 9) và bà nội. Trước đây, do hoàn cảnh khó khăn nên mẹ đã bỏ đi làm ăn, không có tin tức, ba bố con Sỹ nương tựa nhau trong căn nhà tạm giữa rừng. Năm 2017, chị gái của Sỹ chẳng may bị đuối nước trong mùa mưa lũ.
“Họa vô đơn chí”, đến năm 2018, bố Sỹ mắc căn bệnh ung thư qua đời, để lại một mình em bơ vơ. Thương cháu, bà nội đã 83 tuổi, đón Sỹ về nuôi trong sự túng thiếu. Thấu hiểu và đồng cảm với những mất mát, thiệt thòi của Sỹ, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Vân Tiền Trương Thị Hiển nhận làm “Mẹ đỡ đầu” để Sỹ có chỗ dựa. Ngoài thời gian công việc ở thôn, đồng chí Hiển luôn dành thời gian cũng như một phần lương hưu của bản thân để chia sẻ, giúp đỡ cháu.
Bí thư Chi bộ thôn Vân Tiền Trương Thị Hiển chia sẻ: “Trường hợp cháu Cao Xuân Sỹ không chỉ khó khăn về vật chất mà còn thiếu sự động viên về tinh thần. Sống cùng bà nội tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng hằng ngày vẫn phải lên rừng hái rau má, bán kiếm tiền để bà cháu rau cháo qua ngày.
Như người mẹ thứ hai, tôi mong mình có thể giúp đỡ, bù đắp phần nào những thiếu thốn về vật chất, tình cảm cho cháu. Tôi tự trích lương hưu của mình mỗi tháng mấy trăm nghìn đồng để hỗ trợ cháu, kêu gọi thêm bà con, cộng đồng giúp thêm tùy điều kiện của từng người để cháu có thêm điều kiện học tập mà không phải bỏ học giữa chừng”.
Đối với Sỹ, cháu xem bà Hiển như là người bà, người mẹ, dành sự yêu thương chăm sóc, hướng dẫn cháu trong học tập, sinh hoạt. Đồng hành với “Mẹ đỡ đầu” Trương Thị Hiển trong việc chăm sóc, hướng dẫn Cao Xuân Sỹ học tập là các cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quảng Lưu và Chi hội Phụ nữ thôn Vân Tiền. Định kỳ hằng tháng, các chị đến thăm hỏi sức khỏe hai bà cháu Sỹ, lúc thì ít quà bánh, khi lại bút mực hoặc chiếc áo mới. Điều đó đã làm cho Sỹ cảm nhận được sự ấm áp và tình thương của gia đình.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Bình Diệp Thị Minh Quyết, chương trình “Mẹ đỡ đầu-Kết nối yêu thương” được triển khai ở tỉnh từ cuối năm 2021 để hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19 và các nguyên nhân khác, vừa góp phần xoa dịu nỗi đau, vừa tạo điểm tựa vững chắc giúp trẻ mồ côi vượt qua khó khăn, bước tiếp trên con đường phía trước.
Việc thực hiện chương trình với hai hình thức: Đỡ đầu trực tiếp bằng cách tập thể, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại nhà hoặc đến chăm sóc tại nơi trẻ sinh sống; đỡ đầu gián tiếp là nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc thông qua tổ chức hội phụ nữ tại địa phương hoặc người nuôi dưỡng thay thế.
Thời gian qua, thông qua chương trình nhân văn này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Bình đã có 850 cháu được nhận đỡ đầu, thời gian từ một đến 10 năm, với tổng số tiền hỗ trợ 12 tỷ đồng. Phần lớn sự đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc trẻ mồ côi đặc biệt khó khăn đều thông qua tổ chức hội phụ nữ tại địa phương nơi các cháu sinh sống.
Vậy là từ đây, với những trẻ mồ côi, ngôi nhà từng rất buồn và vắng lặng giờ sẽ vui hơn khi có “Mẹ đỡ đầu” và các chị, các mẹ trong thôn, xóm thường xuyên trông nom, chăm sóc. Bữa cơm các cháu nhờ thế cũng tươm tất, ấm cúng hơn. Sự kết nối và cộng hưởng đó chắc chắn mang tới cho trẻ mồ côi tinh thần lạc quan, xóa nhòa mặc cảm, giúp các cháu có động lực để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình Trần Hải Châu nhấn mạnh, chương trình “Mẹ đỡ đầu-Kết nối yêu thương” đã và đang lan tỏa, truyền đi thông điệp giúp các em mồ côi được sống yên ấm trong tình thương yêu của cộng đồng. Sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần đối với trẻ mồ côi, bất hạnh không chỉ là tình cảm, trách nhiệm mà đã trở thành nét đẹp truyền thống nhân văn của người Việt Nam.
Với mục đích tạo điểm tựa bền vững cho các trẻ mồ côi, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã có cách thức giúp đỡ phù hợp, tạo sự yên tâm, tin tưởng và gắn bó giữa các cháu và những người “Mẹ đỡ đầu” đặc biệt. Qua đó, giúp các cháu bé mồ côi có điểm tựa vững chắc để vượt qua hoàn cảnh khó khăn. “Những kết quả đạt được bước đầu của chương trình là rất đáng trân trọng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về lòng thương yêu trẻ mồ côi trong cộng đồng.
Tuy nhiên, hiện số trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn còn nhiều, vì thế, chúng tôi rất mong nhận được sự chung tay của các tổ chức, cá nhân hảo tâm bằng tình yêu thương và trách nhiệm để cùng nhau làm tốt việc chăm sóc, giúp các cháu có chỗ dựa tinh thần vững chắc và cuộc sống ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống” - đồng chí Phó Bí thư Thường trực tỉnh Quảng Bình gửi gắm.