Tăng trưởng lợi nhuận của ACB chủ yếu đến từ thu nhập ngoài lãi tăng 48% so với cùng kỳ. Tỷ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi vào doanh thu là 24%, nhờ vậy, áp lực lên mảng thu nhập từ lãi giảm. Trong đó, dịch vụ mua bán ngoại tệ và hoạt động đầu tư đóng góp lớn vào tăng trưởng thu nhập của ACB. Tỷ lệ ROE ở mức gần 25%, tiếp tục là một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả đầu ngành.
Tính đến cuối năm 2023, quy mô tín dụng của ACB đạt gần 488.000 tỷ đồng, tăng 17,9% so với đầu năm, cao hơn mức 13,7% bình quân ngành.
Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nhờ chính sách cho vay linh hoạt với tình hình thị trường, bên cạnh nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, trong đó có gói tín dụng 50.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm đến 3%/năm để cùng khách hàng vượt qua khó khăn.
ACB cũng triển khai hỗ trợ kịp thời theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước thông qua gói hỗ trợ lãi suất 2% với tổng doanh số giải ngân gần 1,9 nghìn tỷ; hoặc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 với tổng dư nợ 2,2 nghìn tỷ.
Quy mô huy động năm 2023 của ACB đạt gần 483 nghìn tỷ, tăng 16,6% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Trong đó, tỷ lệ CASA tăng trưởng mạnh mẽ và về đích với mức 22%, đứng TOP 5 về tỷ lệ CASA toàn ngành.
Cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế, nợ xấu của ACB tăng lên mức 1,21% trong năm 2023, tuy nhiên, ACB vẫn là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất thị trường.
Không chỉ hoàn thành kế hoạch kinh doanh hiệu quả và an toàn, ACB cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm tối ưu chi phí. Năm 2023 ghi nhận chi phí hoạt động của ACB giảm 6,3% so với 2022, nhờ đó tỷ lệ CIR được cải thiện còn 33%, giảm so với mức 40% vào cuối năm 2022.
Trong năm 2023, cả hai tổ chức Fitch và Moody’s đều xếp hạng triển vọng ổn định (outlook stable) đối với ACB dựa trên đánh giá về hoạt động kinh doanh, chất lượng tài sản vững chắc, khả năng sinh lời tốt và năng lực quản trị rủi ro cao.