Ác mộng chờ Messi, hay lời nguyền huyền thoại Barca

NDO -

Lionel Messi nên có một cái kết đẹp sau những cống hiến vĩ đại cho màu áo Barca. Nhưng đây không phải thế giới cổ tích. Vì vậy, nhất quyết rời Nou Camp, phía trước anh sẽ là ác mộng.

Nếu cuộc chiến pháp lý với Barca nổ ra, Messi sẽ là người chịu thiệt.
Nếu cuộc chiến pháp lý với Barca nổ ra, Messi sẽ là người chịu thiệt.

Thay vì tìm kiếm một thỏa hiệp, Barca đã thay đổi chiến lược. Trong trường hợp Lionel Messi cương quyết ra đi với tư cách cầu thủ tự do, họ quyết “chiến đấu đến cùng”. Có nghĩa là, phía Barca sẵn sàng tham gia cuộc chiến pháp lý mà nhiều khả năng sẽ giành phần thắng.

Hợp đồng ký năm 2017 đã ghi rất rõ, Messi chỉ có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu đưa ra yêu cầu trước ngày 10-6. Và luật pháp Tây Ban Nha dĩ nhiên đứng về phía Barca khi Messi đã không làm đúng cam kết. Anh đưa ra đề nghị, tức tờ fax, vào ngày 25-8.

Phía Messi lập luận rằng vì ảnh hưởng của Covid-19, mùa giải bị kéo dài và thời hạn 10-6 đương nhiên cũng phải được nới rộng. Một lần nữa, Messi vẫn sai. Theo nghĩa thông thường, dấu mốc kết thúc mùa giải là ngày 30-6. Do đó, ngày 10-6 được hiểu là 20 ngày trước khi mùa giải chính thức khép lại.

Vì Covid-19, mùa giải 2019-2020 bị kéo dài và kết thúc vào ngày 23-8, tức sau trận chung kết Champions League. Hạn mức 10-6 có thể được nới rộng, nhưng theo quy tắc kể trên, nó phải xảy ra vào ngày 3-8, 20 ngày trước khi mùa giải khép lại. Vì vậy, thời điểm gửi fax của Messi không những lệch quá xa, mà còn vọt qua ngày mùa giải kết thúc.

Messi khăng khăng ra đi và Barca không nhượng bộ, khả năng lớn cả hai sẽ đưa nhau ra tòa án dân sự Tây Ban Nha. Viễn cảnh sau đó sẽ là Messi, hoặc đội bóng mới của anh, Man City chẳng hạn, phải trả cho Barca số tiền phá vỡ hợp đồng trị giá 700 triệu euro. Chưa hết, nếu Barca khiếu nại lên FIFA, Messi có thể bị cấm thi đấu còn Man City bị cấm chuyển nhượng trong 2 năm.

Nếu những điều này xảy ra, đó là một thảm họa thực sự cho Man City và Messi. Tất cả đều muốn Messi chơi bóng, khuấy động đam mê và bùng nổ cảm xúc của người hâm mộ trên toàn thế giới bằng những vũ điệu chỉ anh mới có thể tạo ra.

Ngay cả các cule hẳn cũng không hy vọng Messi sẽ ra đi theo cách này, sau những gì anh đã làm cho đội bóng xứ Catalan suốt 16 năm qua. Không ai nghi ngờ về việc Messi sẽ trở thành người thứ ba được dựng tượng ở Nou Camp, sau hai huyền thoại Ladislao Kubala và Johan Cruyff.

Tuy nhiên, những ai hiểu Barca phải biết rằng, để trở thành đối trọng của Real Madrid, sau đó đạt tới tầm vóc CLB hàng đầu thế giới, họ có thừa sự tàn nhẫn.

Kubala là một thí dụ. Ở tuổi 33, tiền đạo người Hungaria vẫn muốn tiếp tục cống hiến. Thế nhưng Chủ tịch Enric Llaudet lại có kế hoạch khác. Ông ép Kubala nghỉ hưu sớm và đặt tiền đạo này vào vị trí Giám đốc Học viện, trước khi ngồi vào chiếc ghế HLV Barca nửa cuối mùa 1961-1962.

Khi mọi thứ diễn ra không suôn sẻ, Kubala bị sa thải. Thất vọng và bực bội, Kubala ký hợp đồng với đối thủ cùng thành phố Espanyol với tư cách… cầu thủ. Ông cũng sẽ chơi cho Zürich và Toronto Falcons rồi giải nghệ vào năm 1967 ở tuổi 40.

Cruyff cũng không chơi trận cuối cùng trong sự nghiệp với màu áo Barca. Ông chia tay đội bóng xứ Catalan lúc mới 31 tuổi, khoác thêm áo 5 đội bóng nữa cho đến khi 37 tuổi. Trở lại dẫn dắt Barca, Cruyff mang về 4 chức vô địch La Liga liên tiếp, một kỳ tích vô tiền khoáng hậu, đồng thời đưa đội bóng lên đỉnh châu Âu lần đầu tiên năm 1992.

Vậy mà Thánh Johan đã bị sa thải không thương tiếc năm 1996, khi vẫn ấp ủ kế hoạch xây dựng một Dream Team mới. Mối xung đột vẫn còn tiếp diễn, và trở nên tồi tệ đến mức Cruyff đã trả lại danh hiệu Chủ tịch danh dự của Barca vào năm 2010.

Những huyền thoại khác, như Luis Suarez Miramontes của thập niên 1950, Bernd Schuster trong những năm 1980, Michael Laudrup, Luis Figo thập niên 1990 rồi những năm đầu thế kỷ 21 là Rivaldo, Ronaldinho, gần đây là Neymar, bây giờ đến lượt Luis Suarez, Messi, tất cả đều không có cái kết trọn vẹn ở Barca, bất kể những cống hiến của họ.

Một số người gọi đó là lời nguyền huyền thoại ở Nou Camp. Một số khác nghĩ đơn giản hơn, đó chỉ là sự tàn nhẫn trong bóng đá và mặt trái của thành công.