790 triệu đồng hỗ trợ lao động nữ phi chính thức trong dịch Covid-19

NDO -

350 lao động nữ phi chính thức ở Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế sẽ được trợ cấp, hỗ trợ đào tạo để phục hồi sinh kế sau những tác động kinh tế do dịch Covid-19. 

Đại diện Đại sứ quán New Zealand trao tặng hỗ trợ cho Trưởng đại diện ActionAid Việt Nam (Ảnh: AAV).
Đại diện Đại sứ quán New Zealand trao tặng hỗ trợ cho Trưởng đại diện ActionAid Việt Nam (Ảnh: AAV).

Ngày 8-3, Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam và tổ chức ActionAid Việt Nam khởi động chương trình đối tác “Để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến với Covid-19”, hợp tác thực hiện dự án hỗ trợ lao động nữ trong các khu vực phi chính thức của nền kinh tế tại Đà Nẵng và Huế.

Theo đó, Đại sứ quán New Zealand tặng 50.000 NZD, tương đương 790 triệu đồng, cho dự án, nhằm hỗ trợ hơn 350 lao động nữ làm công việc phi chính thức như bán hàng rong, thu gom rác hoặc giúp việc nhà… trong ba tháng tới.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án trong chương trình hợp tác tổng thể giữa New Zealand và Việt Nam, Đại biện Lâm thời Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam Joseph Mayhew cho biết, đây là một sáng kiến ​​thiết thực giúp giảm bớt tác động tiêu cực kinh tế của dịch Covid-19 và tăng cường khả năng phục hồi sinh kế của hơn 350 lao động nữ và gia đình họ ở khu vực phi chính thức ở Đà Nẵng và Huế. Ông tin rằng, hỗ trợ lao động nữ trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch là một thành phần quan trọng trong quá trình phục hồi mạnh mẽ, toàn diện và công bằng.

Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch Việt Nam bị thiệt hại nặng nề. Trong đó, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, hai trung tâm du lịch lớn của nước ta, cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Dự án hỗ trợ đào tạo kiến thức về quản lý kinh tế hộ gia đình, quyền của phụ nữ và dinh dưỡng trẻ em cho các đối tượng này, bên cạnh một khoản hỗ trợ tài chính nhỏ để mua thực phẩm, nhu yếu phẩm sinh hoạt hoặc các phương án sinh kế nhỏ.

Theo nghiên cứu gần đây của ActionAid Việt Nam, hơn 90% lao động trong lĩnh vực du lịch bị mất việc làm và thu nhập do dịch Covid-19. Tại Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, gần 90.000 người thất nghiệp hoặc bị giảm thu nhập.

“Dự án này là một nỗ lực khiêm tốn giúp lao động nữ trở nên ‘hữu hình’ hơn trong cộng đồng, bên cạnh việc xây dựng một mô hình thiết thực để các nhóm đối tượng và cá nhân hưởng lợi có thể tiếp cận hỗ trợ một cách hiệu quả và minh bạch. Chúng tôi muốn đóng góp vào các cam kết giữa Việt Nam và New Zealand cùng hành động để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến với Covid-19.”, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện ActionAid Việt Nam chia sẻ.

Dự án này của ActionAid Việt Nam trên kinh nghiệm hỗ trợ ứng phó với dịch Covid-19 và các bài học kinh nghiệm trong các can thiệp tương tự của tổ chức này. Chương trình tập trung hỗ trợ các nhóm yếu thế ở Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.

Kết quả đầu ra của dự án bao gồm hai nội dung.

Trước hết là nâng cao năng lực theo nhóm nhỏ, gồm tập huấn giới thiệu cách quản lý kinh tế hộ gia đình, quyền phụ nữ và dinh dưỡng cho trẻ, tuân thủ các quy định của Chính phủ về giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó là trao kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng dự án

ActionAid Việt Nam và các đối tác sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp cộng đồng tại chỗ để xác định các tiêu chí được sử dụng để lựa chọn những người hưởng lợi có nhu cầu lớn nhất. Các nhân viên công tác xã hội đã được đào tạo sẽ đánh giá mức sống hộ gia đình và hoàn cảnh  để xác định đủ điều kiện. Quá trình này sẽ do chính quyền địa phương quản lý và có tham vấn Hội Phụ nữ địa phương và các bộ phận của Phòng Lao động thành phố.

Cán bộ phụ trách chương trình của ActionAid Việt Nam và đại diện chính quyền địa phương và cộng đồng sẽ hỗ trợ 350 lao động nữ phi chính thức được lựa chọn (là người làm nghề bán hàng rong, thu mua đồng nát và giúp việc nhà….) một khoản trợ cấp trị giá 2.000.000 đồng/người. Việc hỗ trợ sẽ được giám sát chặt chẽ để bảo đảm tuân thủ, minh bạch và công bằng.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, ActionAid Việt Nam và các đối tác đã tiếp cận 11 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó, hỗ trợ hơn 45.000 người, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người dân tộc thiểu số, lao động phi chính thức, lao động nhập cư, nhằm giúp họ ứng phó với Covid-19 và phục hồi sinh kế.

Lao động và việc làm