"70 năm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh" -  Những giá trị trường tồn với thời gian

NDO - ND - Ngày 6-9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học:  "70 năm tác phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Ðồng chí Ðinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì tọa đàm.

Các đồng chí: Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư; Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cùng nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu  tham dự.

Tháng 8-1942, với danh nghĩa là đại biểu Việt Nam Ðộc lập Ðồng minh và Phái bộ quốc tế chống xâm lược, tháng 8-1942, Bác Hồ đã từ Cao Bằng sang Trung Quốc để vận động quốc tế ủng hộ cách mạng Việt Nam giành độc lập và bị bọn phản động của chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ, sau đó bị giải qua nhiều nhà lao thuộc tỉnh Quảng Tây từ ngày 25-8-1942 đến ngày 19-9-1943. Tác phẩm Nhật ký trong tù là tập thơ của Người sáng tác trong thời gian này,  gồm 133 bài thơ viết bằng chữ Hán, theo thể tứ tuyệt, có giá trị văn học sâu sắc. Tập thơ đã được phát hành bằng tiếng Việt từ năm 1960 và nhiều bài thơ được đưa vào giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam, đồng thời cũng được dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới.

 Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Ðinh Thế Huynh nhấn mạnh, Nhật ký trong tù không chỉ có ý nghĩa văn chương, thời đại mà còn là tài sản vô giá trong di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Ðồng chí đề nghị các nhà văn, các nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm hoàn cảnh ra đời đặc biệt của tập thơ; những giá trị lớn lao về tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm;  phương thức để kế thừa, phát huy các giá trị và ảnh hưởng sâu sắc, lâu bền của tác phẩm trong việc giáo dục, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng nền tảng đạo đức trong Ðảng và trong toàn xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, góp phần đấu tranh chống những quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh và tác phẩm Nhật ký trong tù. Ðồng chí Ðinh Thế Huynh đề nghị các đại biểu đề xuất để có thể chuyển tải Nhật ký trong tù bằng nhiều hình thức khác nhau đến với đông đảo công chúng trong nước và ngoài nước, như qua sách điện tử, qua nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, nghệ thuật thư pháp, mỹ thuật, âm nhạc, giới thiệu và truyền bá sâu rộng hơn nữa những giá trị bất hủ của tập thơ.

Chương trình đã nhận được hơn 30 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận tập trung nhìn nhận lại lịch sử, hoàn cảnh ra đời của tập thơ, những giá trị nghệ thuật vượt thời gian và đặc biệt là tính cách mạng, chất "thép" trong tập thơ; khẳng định tinh thần cao đẹp của người chiến sĩ Cộng sản Hồ Chí Minh đã hòa quyện với tâm hồn thi sĩ Hồ Chí Minh để sáng tạo ra tập thơ Nhật ký trong tù bất hủ. Bàn về giá trị của tập thơ, các đại biểu đều thống nhất khẳng định, Nhật ký trong tù là một hiện tượng văn học có sức lan tỏa cả ở trong nước và quốc tế, mang tính triết lý và nhân văn sâu sắc. Tập thơ cho thấy tính cách tân và tính thống nhất thi pháp trong quan niệm thẩm mỹ xuất phát từ đời sống. Trong phát biểu kết thúc cuộc tọa đàm, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam khẳng định: "Cảm hứng nhân văn và những bài học lớn trong thơ Bác nói chung và Nhật ký trong tù nói riêng đã trở thành cẩm nang, thành sức mạnh cho một nền thơ ca cách mạng Việt Nam".

Cuộc tọa đàm cũng ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất của các đại biểu về việc cần tiếp tục nỗ lực nghiên cứu tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả trong nhà trường; tăng cường dịch thuật, quảng bá các giá trị to lớn của tác phẩm tới quần chúng nhân dân; góp phần phục vụ tốt Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

  PV