Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Ðặng Thị Ngọc Thịnh nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những thành tích xuất sắc của Ban Thi đua - Khen thưởng T.Ư nói riêng và ngành thi đua - khen thưởng nói chung, đồng thời khẳng định: Trải qua 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, ngành thi đua - khen thưởng đã góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, tham mưu, nghiên cứu, kịp thời đề xuất với Ðảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách thi đua, khen thưởng, trong đó có Luật Thi đua - Khen thưởng; nghiên cứu, xây dựng tương đối hoàn chỉnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng; tham mưu tổ chức thành công các kỳ đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, các phong trào thi đua có phạm vi toàn quốc cùng nhiều hình thức biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trên toàn bộ các lĩnh vực đời sống, xã hội.
Ðồng chí Ðặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị Ban Thi đua - Khen thưởng T.Ư vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm quý báu của các thời kỳ, tiếp tục góp phần xây dựng thể chế; phát hiện, tham mưu khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc, lấy hiệu quả kinh tế, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo khen thưởng; tiếp tục củng cố và kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp. Phó Chủ tịch nước yêu cầu trước mắt sớm tổng kết đánh giá 13 năm thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng; tăng cường khen thưởng đột xuất cho tập thể, cá nhân; chú trọng khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà khoa học, người lao động trực tiếp trong sản xuất, công tác, chiến đấu.
Trong diễn văn kỷ niệm tại buổi lễ, Thứ trưởng Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng T.Ư Trần Thị Hà nêu rõ, trong suốt hai cuộc kháng chiến, Viện Huân chương (nay là Ban Thi đua - Khen thưởng T.Ư) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Trong thời kỳ đổi mới, Ban Thi đua - Khen thưởng T.Ư tiếp tục chủ động, sáng tạo, tham mưu với Ðảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư, Bộ Nội vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng đúng định hướng, bảo đảm tính chính trị, tư tưởng, tính giáo dục, qua các phong trào trọng tâm như: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau", hay những phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Cựu chiến binh gương mẫu", "Dạy tốt, học tốt"...