Trải qua 70 năm hoạt động, được sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí Tổng Bí thư của Đảng, Báo Nhân Dân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ là người phát ngôn trung thực của Đảng, Nhà nước và nhân dân, ngọn cờ chính trị - tư tưởng của Đảng trên mặt trận báo chí. Nội dung trên các ấn phẩm Nhân Dân đều bảo đảm tính thời sự, tính chiến đấu, tính định hướng dư luận xã hội.
Từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng được triệu tập tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Đại hội quyết định ra một tờ báo mới làm cơ quan ngôn luận trung ương của Đảng kế tục sự nghiệp báo Sự Thật, lấy tên là Nhân Dân. Ban Biên tập đầu tiên của báo Đảng gồm tám người thì có năm đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương: các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương. Báo Nhân Dân ra đời, kế tục sự nghiệp vẻ vang của các tờ báo Thanh Niên, Tranh Đấu, Cờ Giải Phóng, Sự Thật.
Nghị quyết vạch rõ: “Để tuyên truyền chủ nghĩa và động viên đảng viên và quần chúng nhân dân thực hành chính sách của Đảng, Đại hội quyết định Đảng Lao động Việt Nam xuất bản một tờ báo, lấy tên là Nhân Dân, cơ quan trung ương của Đảng.
Báo Nhân Dân ra hằng tuần, khi nào có điều kiện sẽ ra hằng ngày.
Đối tượng chính của Nhân Dân là đảng viên ở các chi bộ và quần chúng nhân dân.
Trong quá trình chuẩn bị Đại hội II, các đồng chí Tố Hữu, Hoàng Tùng được đồng chí Trường Chinh giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch ra tờ báo mới. Một số cán bộ chủ chốt công tác tại Tòa soạn Báo Sự Thật, bộ phận quản trị và Nhà in Lê Hồng Phong của Báo Sự Thật tham gia công việc chuẩn bị. Nghị quyết khẳng định: Lấy tên báo là Nhân Dân, thể hiện ý chí phục vụ sự nghiệp cách mạng của nhân dân.
Việc chuẩn bị cơ sở vật chất - kỹ thuật phải vượt qua nhiều khó khăn lớn. Trước đó, báo Sự Thật ra mỗi tháng hai kỳ, khổ nhỏ, in tại Nhà in Lê Hồng Phong, đặt tại xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Máy nhỏ, công suất yếu, nằm sâu trong rừng, không tiện việc vận chuyển vật liệu, phát hành. Do đó, Trung ương quyết định xây dựng một nhà in tương đối lớn (trong điều kiện kỹ thuật lạc hậu lúc ấy) dưới chân Đèo Khế, xã Văn Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Nhà in Việt Hưng được giao nhiệm vụ in Báo Nhân Dân. Máy và vật tư phải chuyển từ Chiêm Hóa (Tuyên Quang) xuống.
Sau thời gian tích cực chuẩn bị, đúng ngày 11-3-1951, Báo Nhân Dân ra đời.
Báo Nhân Dân số 1 đã dành toàn bộ nội dung cho Đại hội lần thứ II. Trang 1 số đầu in măng sét đỏ, đăng Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam, tranh khắc gỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh (do họa sĩ Lê Minh Hiền từ miền Nam ra, vẽ tại Đại hội lần thứ II); bài ký tên Tổng Bí thư Trường Chinh, với đầu đề "Hồ Chủ tịch, người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta". Các trang trong đăng Báo cáo "Bàn về cách mạng Việt Nam" của đồng chí Trường Chinh dưới đầu đề: "Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân tiến tới chủ nghĩa xã hội"; "Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam". Ngay từ số 1, báo đăng "Thư gửi nông dân thi đua canh tác": "Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương". Số 1 Báo Nhân Dân do họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung trình bày. Và những tờ báo đầu tiên của số 1 Báo Nhân Dân vừa được in ra đã có các chiến sĩ quân bưu và giao thông hỏa tốc chuyển đến các mặt trận, vùng tự do và vùng sau lưng địch, đưa nghị quyết của Đảng đến với đồng bào, chiến sĩ.
Các quyết định, chỉ thị của Bộ Chính trị và Ban Bí thư đều quán triệt quan điểm Báo Nhân Dân là tờ báo của toàn Đảng; toàn Đảng có nhiệm vụ xây dựng Báo Nhân Dân, các cấp ủy, cán bộ của Đảng có nhiệm vụ viết tin, bài cho báo, đọc và phát hành rộng rãi Báo Nhân Dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng thực hiện quyết định đó.
Quá trình ra đời và phát triển của Báo Nhân Dân trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp gắn chặt với sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, với sự quan tâm của các cấp ủy địa phương từ Bắc chí Nam. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh không chỉ trực tiếp thường xuyên viết bài cho báo, mà còn chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chỉ bảo về nội dung từng số báo, cho đến cách trình bày. Tập thể cán bộ với số lượng ít ỏi, đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, đi sát phong trào cách mạng của quần chúng ở tiền tuyến và hậu phương.
Ngoài việc làm tốt công tác bạn đọc, một thành công của Báo Nhân Dân là xây dựng được mạng lưới cộng tác viên, thông tín viên. Thời kỳ đó, Báo Nhân Dân là một trong những cơ quan tiếp nhiều khách địa phương và khách các ngành ở trung ương, Nam Bộ và Liên khu 5, kể cả cán bộ Báo Nhân Dân Nam Bộ và Báo Nhân Dân Liên khu 5, thỉnh thoảng cũng viết bài cho Báo Nhân Dân trung ương, nhờ đó bảo đảm được tính toàn quốc của báo.
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết và bắt đầu có hiệu lực thì Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định đưa đồng chí Hoàng Tùng, sau một năm ở nước ngoài và một thời gian làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, trở lại Báo Nhân Dân (từ tháng 4-1951 đến đầu năm 1954, hai đồng chí Trần Quang Huy, Vũ Tuân lần lượt làm Tổng Biên tập).
Sau ngày lễ Quốc khánh 2-9-1954, đến ngày 7-9-1954, Báo Nhân Dân ra hai ngày một số. Điều này không phải chỉ nhằm rút ngắn kỳ hạn ra báo, mà còn có ý nghĩa là một sự tập dượt cần thiết để nhanh chóng ra được hằng ngày sau khi trở về Thủ đô Hà Nội.
Sau khi Báo Nhân Dân ra hằng ngày được một thời gian, Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân chỉ thị cho Ban Biên tập báo Đảng cần có mục phê bình và tự phê bình. Báo Nhân Dân, số 307 ra ngày 2-1-1955, đăng bài Về ý kiến bạn đọc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh C.B.: “Báo có mục “Ý kiến bạn đọc”, bạn đọc thường gửi ý kiến cho báo, đó là một việc rất hay. Vì đó là một cách phê bình và tự phê bình thiết thực rộng rãi của nhân dân”. Từ đó, trên báo đảng thường xuyên có mục phê bình và tự phê bình và đã trở thành chuyên mục hằng tuần dưới tiêu đề "Sinh hoạt Đảng".
Về Hà Nội được hơn một năm, Báo Nhân Dân bước sang giai đoạn mới và Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 1-11-1955 Về việc cải tiến Báo Nhân Dân và khẳng định Báo Nhân Dân “đã trở thành một tờ báo hàng ngày lớn nhất và có tín nhiệm nhất trong nước ta hiện nay”.
Tại miền Bắc, sau Đại hội lần thứ III của Đảng, đà tiến chung càng mạnh. Trung ương Đảng tổ chức đều đặn những hội nghị chuyên đề về phát triển nông nghiệp (1961), về phát triển công nghiệp (1962), về kế hoạch nhà nước (1963), về lưu thông, phân phối và giá cả (1964), chỉ ra phương hướng phấn đấu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960 - 1964), từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa. Sẵn nguồn sức sống dồi dào lại có thêm nhiều nhân tố mới, phong trào thi đua lên mạnh với những nội dung và khí thế đầy ý nghĩa và triển vọng tốt đẹp. Các ngọn cờ Đại Phong, Duyên Hải, Ba Nhất, Thành Công, Bắc Lý, Vân Đình... phần lớn do Báo Nhân Dân phát hiện, kiên trì cổ vũ ở những mức độ khác nhau, phát huy tác dụng tích cực to lớn rõ rệt.
Cuối năm 1959, sau Hội nghị Trung ương lần thứ 15 khóa II, những tin đấu tranh vũ trang thắng lợi ở miền Nam được đăng ở trang 4 làm nức lòng nhân dân. Cuối năm 1960, sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, chào mừng sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Báo dành cả trang 1 và nhiều phần ở các trang sau để đăng tin, xã luận, phóng sự, tường thuật, trình bày thật nổi. Từ đó, phần về miền Nam, nắm chắc vũ khí chiến đấu chống cuộc “chiến tranh đặc biệt” là một trọng điểm tuyên truyền lớn hằng ngày, có nội dung vừa phong phú vừa sinh động. Báo Nhân Dân bắt đầu cử những cán bộ của mình ra “tiền tuyến lớn”.
Nhận rõ xu thế chuyển biến của tình hình, từ đầu năm 1965, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo và theo dõi sát công việc biên tập và phát hành báo. Ngày 15-11-1965, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 113-CT/TW Về nhiệm vụ của Báo Nhân Dân trước tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng.
Đánh giá những thành tích của tờ báo, bản chỉ thị biểu dương: “Báo Nhân Dân là ngọn cờ trên mặt trận báo chí của Đảng, là tờ báo được quần chúng rất tin cậy”. Nhờ đó, trên các mặt tuyên truyền cho sự nghiệp chiến đấu chống Mỹ, cứu nước ở cả hai miền, cho công cuộc đẩy mạnh sản xuất, phát triển văn hóa, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật miền Bắc và cho lập trường quan điểm của Đảng trong những vấn đề quốc tế, Báo Nhân Dân đã có những đóng góp đáng kể.
Mùa Xuân 1975, mùa xuân tươi thắm rạng rỡ của đất nước, của dân tộc, cũng là mùa xuân rạng rỡ của báo chí cách mạng, báo chí kháng chiến cứu nước. Các đội quân báo chí lao đi các ngả ra tiền tuyến, theo đà thần tốc của Chiến dịch Hồ Chí Minh, tới tấp đưa tin chiến thắng. Báo gửi đi những chiến sĩ của mình, những chiến sĩ hoạt động bằng ngòi bút, bằng máy ảnh, ghi nhanh từng nét, từng hình ảnh của Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Sau thống nhất đất nước, một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Báo Nhân Dân trong giai đoạn mới này là phải thể hiện tính toàn quốc. Báo Nhân Dân bằng nhiều hình thức và thể tài khác nhau, tuyên truyền cổ vũ cho việc cần phải thống nhất ngay đất nước, Nam - Bắc là một nhà, Đảng, quân đội, nhân dân ta là một, hai miền thống nhất có điều kiện bổ sung cho nhau để xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh. Báo nêu rõ tình cảm thân thiết của Bác Hồ đối với miền Nam: Miền Nam luôn trong trái tim tôi, “Trái tim của tôi và 17 triệu đồng bào miền Bắc luôn luôn đập một nhịp với trái tim của đồng bào miền Nam”, “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Và trong Di chúc thiêng liêng: “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Báo Nhân Dân đã tập trung cổ vũ phong trào và khí thế lao động sôi nổi của nhân dân ta khôi phục đường sắt, đường bộ, đường biển, đường không Bắc - Nam, các khu công nghiệp Biên Hòa, Trà Nóc, Đà Nẵng..., chỉnh trang các thành phố, thị xã mới giải phóng, duy trì và phát triển các cơ sở sản xuất, kinh doanh; truyền bá những chủ trương, chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước.
Báo Nhân Dân tiếp tục đi sâu vào cuộc sống, phát hiện những điển hình mới và những nhân tố mới có tính đột phá để mở rộng thành phong trào của quần chúng. Từ những sáng kiến của nhân dân được giới thiệu trên báo, Đảng và Chính phủ nghiên cứu thay đổi chính sách, phương thức tổ chức và cơ chế quản lý nhằm khắc phục những mâu thuẫn và vướng mắc trong điều hành nền kinh tế.
Thời kỳ từ năm 1975 đến năm 1986 là một trong những thời kỳ làm báo phong phú và sinh động nhất của Báo Nhân Dân. Báo thể hiện đúng đắn đường lối của Đảng, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, vững vàng trước mọi thử thách, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới của đất nước. Báo Nhân Dân xứng đáng với lời biểu dương của Bộ Chính trị: “là tờ báo lớn nhất và có tín nhiệm nhất trong nước” và của Ban Bí thư Trung ương Đảng: “là ngọn cờ của Đảng trên mặt trận báo chí”.
Quán triệt Nghị quyết của Đại hội lần thứ VI của Đảng, về mặt kinh tế, Báo Nhân Dân tập trung tuyên truyền nổi bật các quan điểm đổi mới của Đảng: Bố trí lại cơ cấu sản xuất và cơ cấu đầu tư, đổi mới công nghệ và kỹ thuật, tập trung thực hiện ba chương trình kinh tế lớn là lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Về quan hệ sản xuất, đi đôi với việc phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể cần có những bước đi phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của hai thành phần kinh tế trên; đồng thời có chính sách sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế khác, khuyến khích kinh tế gia đình; thừa nhận sự tồn tại của kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ và kinh tế tư bản tư nhân. Đồng thời, đổi mới cơ chế quản lý theo hướng xóa bỏ tập trung bao cấp, xây dựng cơ chế kế hoạch hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, chuyển sang quản lý nền kinh tế bằng phương pháp kinh tế là chủ yếu. Ngoài những bài lý luận đấu tranh về quan điểm để xây dựng tư duy kinh tế mới, còn có những bài nêu ý kiến ngắn nhưng sâu sắc qua mục “Diễn đàn kinh tế”. Hầu như số báo nào cũng giới thiệu nhân tố mới sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Riêng trong nông nghiệp, đồng thời với việc tuyên truyền đẩy mạnh sản xuất toàn diện, trọng tâm là chương trình sản xuất lương thực - thực phẩm, Báo đặc biệt chú trọng vào việc thay đổi cơ chế quản lý trong nông nghiệp. Vừa phát huy những thắng lợi của cơ chế Khoán 100, Báo Nhân Dân vừa tiến hành những cuộc điều tra và phản ánh trên mặt báo những hạn chế của hình thức khoán này, trước hết là nó chưa phát huy đầy đủ quyền tự chủ của đơn vị cuối cùng trong sản xuất nông nghiệp là hộ.
Hai cuộc hội thảo lớn do Ban Biên tập Báo Nhân Dân phối hợp với hai tỉnh Thái Bình và Hà Bắc tổ chức vào cuối năm 1987 đầu năm 1988 về vấn đề khoán đã đưa ra những kết luận rất quan trọng. Và từ những kiến nghị đó và từ bản thân việc khảo sát của Trung ương và các cơ quan tham mưu, ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW, gọi tắt là Nghị quyết 10 về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp. Giai đoạn này Báo Nhân Dân đã tuyên truyền hiệu quả Nghị quyết 10 của Đảng.
Với chuyên mục “Nơi nơi thực hiện Khoán 10”, Báo Nhân Dân đã liên tục thông tin về tình hình thực hiện Khoán 10 trong cả nước. Nghị quyết số 10-NQ/TW đã tạo nên một động lực rất mạnh mẽ thúc đẩy nông dân tập trung sức phát triển sản xuất.
Trong công nghiệp và xây dựng, Báo tập trung tuyên truyền cho việc điều chỉnh cơ cấu đầu tư, hướng vào các công trình trọng điểm như thủy điện sông Đà và Trị An, dầu khí Vũng Tàu - Côn Đảo... Đồng thời cổ vũ mạnh hơn nữa việc đổi mới quản lý theo cơ chế mới, thực hiện tự chủ tài chính, hạch toán kinh doanh; đưa ra nhiều điển hình làm ăn theo cơ chế mới như các công ty nhựa Bình Minh, nhựa Rạng Đông thực hiện quyền tự chủ kinh doanh (năm 1986)...
Vào thời kỳ đầu đổi mới, những tư tưởng hoài nghi về thành tựu đổi mới và dao động về chủ nghĩa xã hội khá phổ biến. Căn cứ các nghị quyết của Trung ương, Báo Nhân Dân đã đăng nhiều loạt bài vừa làm sáng tỏ các nhận định của Trung ương, vừa phê phán các tư tưởng sai trái. Ngày 1-6-1990, báo đăng bài Chủ nghĩa xã hội hấp hối rồi chăng?, kịch liệt phản bác các luận điệu thù địch. Bài báo viết: “Cứ như luận điệu của các thế lực chống chủ nghĩa xã hội thì khủng hoảng bắt nguồn từ bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, một chế độ theo họ không cao hơn mà lại thấp hơn chế độ tư bản chủ nghĩa, một chế độ bị áp đặt khiên cưỡng trong tiến trình lịch sử! Không. Khủng hoảng không bắt đầu từ đó. Chủ nghĩa xã hội đã, đang và sẽ còn tiếp tục chứng tỏ sức sống của nó”.
Trong những năm 1991 - 1995, hướng vào việc tiếp tục tạo tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên lĩnh vực xây dựng các công trình công nghiệp, kết cấu hạ tầng, Báo đã giới thiệu hầu như mọi công trình của đất nước từ khi khởi công đến lúc khánh thành. Đồng thời kết hợp giới thiệu các công trình với việc tổ chức lại sản xuất ở các doanh nghiệp, cách đầu tư nâng cao trình độ kỹ thuật, năng lực, thiết bị để làm được những công trình lớn bằng công nghệ hiện đại cả trong nước và nước ngoài.
Trên các lĩnh vực tài chính - tín dụng, ngân hàng, thương nghiệp, dịch vụ, Báo giới thiệu nhiều cách làm mới, nhiều hình thức, hoạt động mới theo hướng kiên quyết xóa bỏ bao cấp, chuyển hẳn sang kinh doanh, giữ vững sự quản lý của Nhà nước, giữ thị trường giá cả (kể cả tỷ giá hối đoái) ổn định; tiền, hàng được lưu thông, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Về nông nghiệp, phạm vi tuyên truyền trên báo ngày càng được mở rộng với nhiều nội dung, đề tài phong phú và đa dạng. Các chuyên mục “Nơi nơi thực hiện Khoán 10”; “Chủ động phòng, chống thiên tai”; “Khắc phục hậu quả thiên tai”, đã gây được sự chú ý của người đọc, có tác dụng lớn trong tổ chức chỉ đạo hành động.
Thông qua điều tra về tình hình sản xuất lương thực, Báo Nhân Dân không những phản ánh những thành tựu nổi bật về sản xuất của các cơ sở, của từng vùng và cả nước trong những năm đổi mới, mà còn đề cập những vấn đề nổi cộm của sản xuất như: đất đai giao khoán manh mún, bất lợi cho tổ chức sản xuất thâm canh, thực hiện sản xuất hàng hóa lớn; sự thu hẹp nhanh đất trồng lúa; những đòi hỏi về đổi mới quản lý, phát triển kinh tế hợp tác, đổi mới hợp tác xã theo luật; tổ chức cung ứng dịch vụ kỹ thuật như giống, thủy lợi, phân bón và những vấn đề bảo quản, chế biến sản phẩm để nâng cao chất lượng lúa, tăng hiệu quả xuất khẩu gạo..., đồng thời gợi mở nhiều hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, Báo Nhân Dân đã có nhiều cố gắng trong việc tiếp tục cải tiến tờ báo, xây dựng chương trình hành động toàn diện nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống. Báo đã có một số bài giới thiệu nội dung cơ bản của các văn kiện của Đại hội VIII; thông tin kịp thời; đa dạng phong trào hành động cách mạng của nhân dân; duy trì đều đặn mỗi tuần hai đến ba bài xã luận cùng các bài bình luận, chuyên luận nhằm thể hiện vai trò của tờ báo Đảng trong việc định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận xã hội. Báo cũng tăng cường các bài điều tra, phóng sự điều tra; tích cực phát hiện, cổ vũ tương đối kịp thời các mô hình, nhân tố mới; đề cập những vấn đề nóng bỏng sát cuộc sống của nhân dân, đồng thời tham gia đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực như: tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, các tệ nạn xã hội có trọng tâm, trọng điểm, đúng pháp luật.
Trải qua 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có những chuyển biến tích cực, tạo tiền đề để đất nước chuyển sang một thời kỳ phát triển mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Báo Nhân Dân đã có nhiều cố gắng chuyển hướng tuyên truyền từ phản ánh hoạt động của doanh nghiệp sang tuyên truyền các chính sách kinh tế của các ngành, các lĩnh vực kinh tế, hiệp hội ngành hàng; thông tin về các lĩnh vực kinh tế sâu hơn. Báo Nhân Dân đã từng bước đổi mới thông tin để thể hiện sinh động quan điểm của Đảng và tích cực tham gia phát hiện vấn đề từ thực tiễn, góp phần hình thành, hoàn thiện và bảo vệ đường lối đổi mới của Đảng.
Trong bối cảnh đất nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức; sự phát triển nhanh, mạnh của báo chí cả nước (trong đó đặc biệt là các trang mạng xã hội, báo điện tử…) tạo nên thử thách, sức ép không nhỏ đối với Báo Nhân Dân. Ban Biên tập đã xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng các ấn phẩm Nhân Dân, không ngừng nâng cao chất lượng chính trị, văn hóa, khoa học, nghiệp vụ các ấn phẩm. Đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức trình bày, tăng tính thuyết phục, định hướng, hấp dẫn của thông tin, xây dựng mô hình truyền thông đa phương tiện.
Tới nay, diện mạo các trang của Báo Nhân Dân hằng ngày, nhất là trang nhất và trang 8 được thực hiện theo hướng hiện đại, viết ngắn gọn, nhiều thông tin; số bài điều tra tăng, tin lễ tân có nhiều cải tiến. Các bài mũi nhọn phát hiện được nhiều vấn đề hay, thể hiện hấp dẫn.
Các ấn phẩm báo in Nhân Dân cuối tuần, Nhân Dân hằng tháng, Thời nay với những đặc thù khác nhau, luôn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền; giữ vững định hướng; thực hiện nhất quán tôn chỉ mục đích, phong phú về nội dung, thể loại chuyên mục; thuyết phục bạn đọc bằng những thông tin, bình luận chính xác, khách quan, tiếp tục nỗ lực cải tiến, nâng cao chất lượng để đổi mới ấn phẩm, cải tiến giao diện phiên bản online, tăng tính tương tác nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh thông tin hiện nay.
Báo Nhân Dân điện tử có nhiều dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của loại hình báo chí mang tính tích hợp cao, nhất là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng và bước nhanh vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tính đến ngày 25-1-2019, Báo Nhân Dân điện tử chính thức phát hành trên mạng Internet với sáu ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha. Thông qua các sản phẩm báo chí có chất lượng, sáu ấn phẩm của Nhân Dân điện tử góp phần lan tỏa thông tin rộng rãi tới đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, qua đó phục vụ nhiệm vụ chính trị hiệu quả hơn. Đặc biệt, với đặc thù phát hành tin bài thông qua Internet, Nhân Dân điện tử đã đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa đa dạng thông tin về Đại hội XI, Đại hội XII và Đại hội XIII tới bạn đọc trong và ngoài nước.
Tháng 7-2013, Trung tâm Truyền hình Nhân Dân được thành lập. Sau một thời gian chuẩn bị, phát thử nghiệm, ngày 1-9-2015, Truyền hình Nhân Dân chính thức phát sóng. Truyền hình Nhân Dân là đơn vị mới nhưng có lợi thế được kế thừa truyền thống, vị thế và thương hiệu của cơ quan báo Đảng. Truyền hình Nhân Dân đầu tư cho các chương trình được coi là thế mạnh đặc thù là chính luận, phân tích, bình luận gắn với tính phát ngôn đối với các vấn đề trong nước và quốc tế được dư luận quan tâm. Qua hơn 5 năm xây dựng và phát triển, đến nay Truyền hình Nhân Dân là một trong những kênh truyền hình thiết yếu quốc gia, thuộc nhóm kênh thời sự chính trị tổng hợp, có khung chương trình phù hợp với tình hình mới và phát sóng 24/24 giờ hằng ngày theo đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nội dung các chương trình, chuyên mục đã bám sát tình hình thực tiễn, cuộc sống, phản ánh ngày càng kịp thời những vấn đề xã hội đang quan tâm trên mọi lĩnh vực.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng các loại hình báo chí, trong quá trình xây dựng và xây dựng thành công Báo Nhân Dân thành một tổ hợp truyền thông đa phương tiện, một số loại hình xuất bản khác cũng được Ban Biên tập chú trọng phát triển, đó là xuất bản sách và sản xuất phim tài liệu có giá trị.
Từ tháng 5-2013 đến nay, Báo Nhân Dân đã phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, ra mắt bạn đọc nhiều cuốn sách có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, trở thành nguồn tư liệu quý cho các cơ quan, nhà nghiên cứu, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ như: Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam; Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi; Hiến pháp năm 2013 - sự kết tinh trí tuệ toàn dân tộc (2014); Phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm (2015); Những bài viết của Bác Hồ trên Báo Nhân Dân (3 tập); Bình luận và phê phán (2016); Nguyễn Văn Linh - Sức sống “Những việc cần làm ngay”; Vững bước trên con đường đổi mới (2 tập); Ý Đảng quyện lòng dân (2017); Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế (2019); Vì sự thật lịch sử, vì tình yêu Tổ quốc (2020); Tầm nhìn chiến lược và ý chí vươn lên của dân tộc (2021).
Cùng với việc xuất bản sách, Báo Nhân Dân cũng thực hiện sản xuất một số bộ phim tài liệu, nổi bật là bộ phim tài liệu lịch sử nhiều tập: Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình. Đây là dự án phim tài liệu đồ sộ, được thực hiện theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Bộ phim gồm 90 tập (thời lượng mỗi tập từ 25 - 30 phút), phản ánh một cách hệ thống, đầy đủ, xuyên suốt về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đến nay. Đây là một bộ phim có khối lượng nội dung đồ sộ, liên quan rất nhiều lĩnh vực trong một quá trình dài của lịch sử, được tổ chức sản xuất trên diện rộng trong nước và nước ngoài. Trong phim nhiều tư liệu, hình ảnh, tài liệu quý lần đầu được giới thiệu ở Việt Nam.
Tại Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) lần thứ V - năm 2020, bộ phim tài liệu “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” đã được trao Giải đặc biệt. Hai trong số năm sản phẩm văn hóa được Ban Tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chọn làm quà tặng các đại biểu tham dự đại hội đều mang thương hiệu của Báo Nhân Dân. Đó là bộ sách hai tập “Vững bước trên con đường đổi mới” và bộ phim tài liệu 90 tập “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình”.
Cùng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam, những thành tựu đạt được của Báo Nhân Dân là kết quả của một quá trình tìm tòi, đổi mới, bám sát thực tiễn, phấn đấu gian khổ của các thế hệ nối tiếp nhau. 70 năm qua, đất nước trải qua những chuyển động lớn dồn dập. Đội ngũ cán bộ Báo Nhân Dân đã lớn mạnh lên rất nhiều. Mỗi năm lại có những lớp người mới bước vào vị trí chiến đấu quang vinh của báo Đảng, đem nhiệt tình và dũng khí, trí tuệ và tài năng cống hiến cho tờ báo Nhân Dân và cho Đảng thân yêu.
Ngày xuất bản: 10-03-2021
Chỉ đạo sản xuất: NGỌC THANH - VIỆT ANH
Nội dung: CHÍ TRUNG - NGUYÊN MINH - BÔNG MAI
Ảnh: TRUNG TÂM THÔNG TIN VÀ PHÒNG ẢNH, PVTT BÁO NHÂN DÂN
Trình bày: NGUYỄN ĐĂNG - ĐỨC DUY