Như vậy, số ứng viên vượt qua vòng xét của các hội đồng GS ngành, liên ngành chiếm 87% so với số ứng viên đăng ký (631/725 ứng viên đăng ký). Trong số các hội đồng GS ngành, liên ngành toán học, vật lý, sinh học, kinh tế có số ứng viên được đề xuất nhiều nhất, mỗi hội đồng có 4 ứng viên. Đối với ứng viên PGS, ngành kinh tế có số lượng ứng viên vượt qua vòng xét hội đồng ngành nhiều nhất gồm 100 ứng viên.
Theo quy định xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS, các ứng viên sau khi nộp hồ sơ đăng ký sẽ phải trải qua xét tại Hội đồng GS cơ sở, khi đạt sẽ được chuyển lên xét tại Hội đồng GS ngành, liên ngành; sau khi vượt qua xét ở Hội đồng GS ngành, liên ngành sẽ chuyển đề xuất xét thông qua tại Hội đồng GS Nhà nước.
Theo văn phòng Hội đồng GS Nhà nước, đối với hội đồng GS ngành, liên ngành sẽ thực hiện tổ chức thẩm định hồ sơ ứng viên và kết quả xét của hội đồng GS cơ sở; xác định năng lực chuyên môn, kết quả nghiên cứu khoa học, định hướng nghiên cứu của ứng viên; đánh giá cho điểm các công trình khoa học... Hội đồng thực hiện xét tập thể, công khai, dân chủ tại các phiên họp; quá trình biểu quyết bằng phiếu kín tại hội đồng GS ngành, liên ngành phải đạt ít nhất 2/3 số phiếu của tổng số thành viên hội đồng nhằm bảo đảm công tác xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2024 minh bạch, hiệu quả.
Dự kiến, Hội đồng GS Nhà nước họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2024 trong khoảng thời gian từ 21-31/10.