600 nghìn lao động ngành may hưởng lợi từ chương trình Việc làm tốt hơn

NDO -

NDĐT - Hàng trăm nhà máy may mặc tham gia chương trình Better Work Việt Nam (Việc làm tốt hơn) đã cho thấy, cải thiện điều kiện lao động có thể giúp doanh nghiệp thành công trong nền kinh tế toàn cầu.

Công nhân may thuộc chương trình Better Work (Việc làm tốt hơn).
Công nhân may thuộc chương trình Better Work (Việc làm tốt hơn).

Đây là thông tin được đưa ra tại lễ kỷ niệm 10 năm hoạt động của chương trình Việc làm tốt hơn tại Việt Nam, do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức với sự tham gia của các đối tác ba bên là Bộ Lao động, Thương binh, và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 12-12, tại TP Hồ Chí Minh.

Được khởi động tại Việt Nam vào năm 2009, Better Work hiện có mặt tại gần 400 nhà máy may ở khu vực miền bắc và miền nam, với khoảng 600 nghìn người lao động, tương đương 1/4 lực lượng lao động ngành dệt may. Đây là chương trình hợp tác giữa hai Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), cung cấp gói hỗ trợ cho các nhà máy tham gia, bao gồm hoạt động đánh giá, tư vấn, và đào tạo. Tham gia chương trình này, hàng trăm nhà máy may đạt được nhiều thành công trong việc đem lại cuộc sống chất lượng cho người lao động và tăng năng suất, lợi nhuận trong 10 năm qua.

Tham gia Better Work, các nhà máy đã cho thấy mức độ gia tăng đáng kể trong việc tuân thủ pháp luật lao động quốc gia và các tiêu chuẩn lao động quốc tế, dẫn tới cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Theo đó, phần lớn các nhà máy trong chương trình trả lương cho người lao động bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu. Tỷ lệ vi phạm liên quan giờ làm thêm cũng giảm từ 90% trong năm 2009 xuống chỉ còn 67% năm 2018. Tỷ lệ không tuân thủ các quy định pháp luật liên quan cơ sở vật chất, như tiêu chuẩn về nhà ăn, nhà vệ sinh, cung cấp nước uống sạch, cũng giảm mạnh từ con số 100% các nhà máy vi phạm cách đây 10 năm xuống còn chỉ 33% các nhà máy trong năm 2018.

Đồng thời, Better Work Việt Nam cũng giúp tăng cường đối thoại xã hội thông qua thành lập các Ban Tư vấn Cải tiến doanh nghiệp (PICC) có sự tham gia của cả người lao động, công đoàn, và lãnh đạo doanh nghiệp. Vào năm 2012, sáng kiến này trở thành hạt giống để cơ chế đối thoại thường xuyên giữa người lao động và người sử dụng lao động được quy định trong Bộ luật Lao động.

Giám đốc Chương trình Better Work Việt Nam, bà Paula Albertson cho biết, cải thiện điều kiện lao động luôn song hành với tăng lợi nhuận của doanh nghiệp. Better Work Việt Nam đã cho thấy những kết quả thực chất tại nhà máy, chứng minh rằng cả người lao động và người sử dụng lao động đều được hưởng lợi khi tiêu chuẩn lao động tăng lên.

Trên thực tế, trung bình, một nhà máy tham gia chương trình ghi nhận mức tăng lợi nhuận 25% sau bốn năm. Đặc biệt, các nhà máy có đầu tư đào tạo kỹ năng giám sát cho nữ chuyền trưởng đã tăng được năng suất thêm 22%.

TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, nhận định, cải thiện hệ thống quản lý nơi làm việc chính là động lực quan trọng để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Tuy nhiên, theo TS Chang-Hee Lee, bước vào thập kỷ hoạt động thứ hai, Better Work Việt Nam cần tiếp tục vận hành và đem lại những tác động bền vững hơn, giúp tạo thêm nhiều việc làm tốt hơn trong ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng này.

Ngành dệt may Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng góp 40 tỷ USD cho kinh tế Việt Nam trong năm 2019, so mức 7,5 tỷ USD vào năm 2009.