Theo Hiệp định Sơ bộ, 15 nghìn quân Pháp, trong số đó đã kể số lính Pháp đóng ở phía bắc vĩ tuyến 16 (trong đó có năm nghìn quân đóng ở Hà Nội), làm nhiệm vụ tiếp phòng cùng lực lượng vũ trang của ta thay cho gần 20 vạn quân Tưởng rút về nước. Nhưng với dã tâm tái chiếm toàn bộ nước ta, chúng đã không ngừng đưa thêm quân ra Hà Nội và các địa phương miền bắc. Cuối tháng 10-1946, số quân Pháp ở bắc vĩ tuyến 16 đã lên đến 30 nghìn tên và riêng ở Hà Nội là 6.500 tên. Vũ khí của chúng có 5 nghìn súng trường, 600 tiểu liên, 150 trung liên và đại liên, 42 khẩu pháo các loại, 22 xe tăng, 40 thiết giáp, 30 máy bay và một số tàu chiến trên sông. Đây là những vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại hơn hẳn ta nhiều lần. Ngoài ra, nhiều gia đình trong số bảy nghìn Pháp kiều cũng được trang bị vũ khí và tổ chức thành hàng trăm ổ chiến đấu độc lập rải ra các khu phố. Quân Pháp bố trí xen kẽ với ta, trong đó chúng chiếm giữ một số vị trí hiểm yếu, như: Phủ Toàn quyền, Trường Bưởi, Đồn Thủy, Sân bay Gia Lâm... Sĩ quan, binh lính địch được huấn luyện chính quy, bài bản, được bảo đảm phương tiện thông tin hiện đại. Nhiều đơn vị của Pháp đã có kinh nghiệm chiến đấu trong chiến tranh thế giới thứ hai.
Về phía ta, đối phó hành động của thực dân Pháp, ngày 19-10-1946, Hội nghị Quân sự toàn quốc của Đảng họp đã nhận định: Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp. Đồng thời, quyết định chia lại cả nước thành 12 chiến khu. Khu đặc biệt Hà Nội được đổi tên là Chiến khu 11. Cơ quan Bộ Chỉ huy Chiến khu 11 được kiện toàn. Lực lượng có năm tiểu đoàn Vệ quốc đoàn, một đại đội cảnh vệ, bốn trung đội pháo cao xạ ở các pháo đài Láng, Xuân Canh, Thổ Khối, Xuân Tảo, với tổng quân số là 2.516 người, được trang bị 1.516 súng trường, ba trung liên, một đại liên, một ba-zô-ka 60 ly, 1.000 lựu đạn, 80 bom ba càng, 200 chai xăng, bảy khẩu pháo cao xạ, một khẩu sơn pháo 75 ly, một khẩu pháo 25 ly, hai khẩu cối 60 ly.
Như vậy, quân số của Pháp hơn gấp 2,6 lần quân ta, vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại và lớn hơn nhiều lần lực lượng của ta.
Tuy bất lợi về lực lượng, nhưng quân và dân Thủ đô vẫn không nao núng, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Tổng Chỉ huy, bình tĩnh, tự tin, sẵn sàng mọi mặt cho cuộc chiến được dự báo đầy cam go, quyết liệt. Các liên khu phố và khu phố đều thành lập các đội làm công tác cứu thương, tiếp tế, phá hoại, tình báo, giao thông, tản cư, địch vận, trừ gian, các tổ sản xuất và sửa chữa vũ khí, quân cụ. Các đơn vị tự vệ có sự giúp sức của thanh niên các địa phương, đã bí mật đào đắp công sự chiến đấu, đào giao thông hào, tạo vật chướng ngại, hình thành các chiến lũy ở các cửa ô và trên đường phố để ngăn cản cơ giới địch; đục lỗ bắn, đục tường thông nhà ở các dãy phố để cơ động chiến đấu. Nhiều gia đình ở Hà Nội đã ủng hộ toàn bộ vật dụng quý trong nhà như: sập gụ, tủ chè, trường kỷ, thậm chí cả đồ thờ của gia đình, dòng họ để xây dựng chiến lũy.
Với lòng yêu nước và ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập của dân tộc, quân và dân Thủ đô sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu quyết tử với quân thù. Cuộc chiến đấu của quân dân Thủ đô trở thành biểu tượng sáng ngời về ý chí kiên cường và truyền thống đoàn kết “cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc”.
Chiều 19-12, Bộ Chỉ huy Chiến khu 11 ra Mệnh lệnh tấn công cho lực lượng vũ trang toàn thành phố.
Quyết giành quyền chủ động trong chiến tranh, phá tan ngay từ đầu âm mưu đánh úp của thực dân Pháp, theo phương án đã được Bộ Tổng Chỉ huy phê duyệt, 20 giờ 3 phút ngày 19-12-1946, khi đèn điện thành phố vụt tắt, quân và dân Hà Nội đồng loạt tiến công 21 vị trí quân Pháp đóng quân và hoàn toàn làm chủ tình thế, dựa vào công sự, chiến lũy và thế liên hoàn của các căn nhà, dãy phố, kiên cường chiến đấu gây cho địch nhiều tổn thất. Các chiến sĩ cảm tử quân ôm bom ba càng lao vào diệt xe tăng, thiết giáp, gây nên nỗi kinh hoàng cho quân Pháp. Hình ảnh dũng cảm, kiên cường của chiến sĩ cảm tử trở thành biểu tượng của ý chí “Cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh”. Trên toàn thành phố, các cuộc tập kích địch liên tiếp nổ ra, ngăn chặn bước tiến của địch. Mỗi căn nhà, mỗi góc phố, mỗi xóm làng nội, ngoại thành Hà Nội thật sự là một pháo đài chiến đấu kiên cường, vững chắc.
Trong 60 ngày đêm chiến đấu, với phương thức “không đánh trận địa với địch, không đương đầu với hỏa lực mạnh của địch, không rõ địch không đánh”, quân và dân Thủ đô luôn giành thế chủ động tiến công, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đầy mưu trí sáng tạo. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngự và tiến công, giữa đánh du kích và đánh vận động, giữa đánh ở bên trong và đánh từ bên ngoài, dùng những phân đội nhỏ có tính cơ động nhanh, dựa vào chiến lũy, những căn nhà, ngõ phố, ban ngày chặn đánh không cho địch cơ động, phát triển chiến đấu, ban đêm luồn lách, tập kích quân địch khắp mọi nơi đẩy chúng lâm sâu vào thế bị động đối phó. Với hơn 100 trận đánh trong nội thành, quân Pháp chỉ chủ động tiến công ta khoảng 30 trận, còn lại là ta chủ động tiến công địch. Qua 60 ngày đêm chiến đấu, quân và dân Thủ đô đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 tên địch, phá hỏng 22 xe tăng và xe thiết giáp, 31 xe vận tải, bắn rơi và bắn hỏng bảy máy bay địch, bắn chìm hai ca-nô. Vừa đánh vừa phát triển lực lượng, ngày 6-1-1947, Trung đoàn Liên Khu 1 (tiền thân của Trung đoàn 102 - Thăng Long, Sư đoàn 308 ngày nay) được thành lập ngay trong lòng địch, tạo thêm niềm phấn khởi, tin tưởng không chỉ quân dân trên Mặt trận Hà Nội mà cho quân dân cả nước.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giam chân địch, Trung đoàn Thủ đô đã thực hiện cuộc lui quân “thần kỳ”, rút khỏi thành phố trong vòng vây khép kín của kẻ thù, vượt qua sông Hồng, lên Chiến khu an toàn.
Kinh nghiệm, truyền thống “60 ngày đêm khói lửa” được quân và dân Thủ đô giữ gìn, phát huy, vận dụng sáng tạo và nâng lên tầm cao mới. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt, trong 12 ngày, đêm cuối tháng 12-1972, khi đế quốc Mỹ điên cuồng huy động tối đa sức mạnh vũ khí kỹ thuật hiện đại đánh phá Hà Nội.
Trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc, tháng 2-1979, đáp ứng yêu cầu tăng cường lực lượng chiến đấu bảo vệ biên giới, bốn huyện ngoại thành Hà Nội (Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì) đã kịp thời thành lập tiểu đoàn bộ đội địa phương, tăng cường lực lượng cho các mặt trận, góp phần giữ vững biên cương Tổ quốc.
Trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quân và dân Thủ đô quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, sáng tạo, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ Thành phố ngày càng vững chắc. Xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao.
Khúc tráng ca “60 ngày đêm khói lửa” - mở đầu toàn quốc kháng chiến đã, đang và sẽ tiếp tục là nhịp bước quân hành của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô, là động lực tinh thần to lớn để quân và dân Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững bước trên con đường đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Thiếu tướng Nguyễn Thế Kết
Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội