60 năm chiến thắng chủ nghĩa phát-xít - những sự thật lịch sử cần được tôn trọng


Thậm chí ngay tại nước Nga ngày nay cũng có nhiều luận điểm và bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng mang tư tưởng phê phán, thí dụ như cho rằng những tổn thất to lớn đó là "không gì biện hộ được", rằng những nhà quân sự tài năng, những người đã dẫn dắt quân đội Xô-viết giành chiến thắng như Giu-cốp, Trui-cốp, Rô-cô-xốp-xki cần phải bị lên án vì đã tiến hành "những biện pháp chiến tranh khốc liệt" gây ra bao đổ máu và chết chóc. Ngay cả việc dựng lại tượng Xta-lin, cái tên mà trong những năm tháng chiến tranh luôn vang bên tai từng người lính Xô-viết cùng với từ "Tổ quốc", nay cũng không được hưởng ứng tại Nga, ngoại trừ tại thành phố Vôn-ga-grát trước đây đã từng mang tên ông.

Thế hệ trẻ ngày nay tại nước Nga bị hoang mang trước những đánh giá khác nhau về một trong những sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của dân tộc. Một phần cũng vì trong thời kỳ Xô-viết đề tài chiến tranh phần nhiều chỉ được mô tả và tuyên truyền ở khía cạnh anh dũng và chiến thắng mà ít đề cập đến những tổn thất và mất mát, thậm chí một số bước đi sai lầm hay một số sự kiện "không tích cực" còn bị bưng bít. Cho đến khi Liên Xô tan rã thì tại Nga đã có một thời kỳ được các nhà phân tích Nga đánh giá là hỗn loạn và khủng hoảng cả về lĩnh vực tư tưởng và thông tin. Việc khai thác và công bố tràn lan những "tài liệu mật" hay đơn giản chỉ là những sự kiện ít được nhắc tới trong chiến tranh đã làm lệch hướng suy nghĩ của rất nhiều độc giả. Cùng với những biến đổi sâu sắc trên trường quốc tế và tình trạng suy thoái kinh tế và xã hội trong nước, giới trẻ Nga ngày nay không mấy quan tâm đến vấn đề "Chúng ta đã chiến thắng như thế nào?", mà lại không hiểu "Vì sao những người chiến thắng là chúng ta giờ đây lại có cuộc sống khổ cực hơn phía bại trận nhiều lần?" Ðây thật sự là một câu hỏi khó, mang tính thời sự, mà có lẽ để trả lời cần phải viện dẫn đến toàn bộ lịch sử của nước Nga từ thời dựng nước đến nay. 

Còn những cựu chiến binh Nga cho dù 60 năm đã qua hay lâu hơn thế nữa vẫn một lòng kiên trung và đồng lòng khẳng định rằng chính sức mạnh hùng hậu toàn dân tộc, lòng yêu nước và niềm tin son sắt vào lẽ phải, vào chính nghĩa của cuộc chiến tranh Vệ quốc đã giúp nhân dân Xô-viết đứng vững và chiến thắng trong những năm tháng khắc nghiệt ấy.

Giờ đây tại một số nước từng nằm trong Liên bang Xô-viết trước đây đang công khai lên án chế độ Xô-viết, cho rằng, chiến thắng 9-5-1945 đối với họ không phải là một sự giải phóng, mà chỉ là sự thay thế một ách xâm lược này (phát-xít) bằng một ách chiếm đóng khác (Xô-viết). Họ quên rằng, nếu không có chiến thắng phát-xít thì tất cả các dân tộc châu Âu, kể cả họ, đã bị tiêu diệt. Chỉ riêng tại trại tập trung phát-xít Ô-sơ-ven-xim (hay theo tên Ðức là Au-sơ-vít) thôi, số người bị chết đã lớn hơn toàn bộ dân số nước An-ba-ni hồi đó. Con số chính thức cho thấy tại đó đã có hơn 1,2 triệu người chết, trong đó hơn một nửa là người Do Thái, còn lại thuộc 27 dân tộc khác nhau. Có những tài liệu khác nêu con số là bốn triệu người. Phát-xít Ðức có tất cả 20 trại tập trung lớn và gần một nghìn "phân hiệu" khác tại nhiều nước hoạt động như những cỗ máy giết người. Có thể kể tên trại Tơ-rô-sti-nép-xki gần Min-xcơ (200 nghìn người chết), Ia-nốp-xki ở ngoại ô thành phố Lơ-vốp (200 nghìn người), trại Xa-la-xpin-xki gần Ri-ga có 100 nghìn người đã bị hành quyết. Rồi còn trại Ðau-hap-pin-xơ (160 nghìn người), trại Pa-ne-ri-ai gần Vin-nhi-út (100 nghìn người) và nhiều trại tập trung khác trên lãnh thổ các nước Áo và Ðức, nơi đã có 18 triệu người bị giam cầm và hành hạ, trong đó có 11 triệu người đã chết (không kể con số bỏ mạng trên lãnh thổ Liên Xô khi bị giải đến những trại này).

Như lời Ðại tướng Nga Phi-líp Bốp-cốp, người đã trực tiếp tham gia chiến tranh giữ nước 1941-1945, thì trong cuốn "Ðời tôi", Hít-le đã đưa ra học thuyết "chiếm giữ những vùng đất mới, tiêu diệt dân bản địa để đưa tới đó những người thuộc chủng tộc Ðức thuần khiết". Trong một cuộc họp, lãnh đạo SS Him-le đã nói thẳng rằng một trong những nhiệm vụ của cuộc hành binh sang phía đông là tiêu diệt 30 triệu người Xla-vơ.

Quân đội Xô-viết đã giải phóng Ru-ma-ni, Bun-ga-ri, Tiệp Khắc, Hung-ga-ri, Áo, phần lớn lãnh thổ Nam Tư, một phần Hy Lạp, Ba Lan, Ðức, Ðan Mạch, đảo Bô-ri-hôm, Bắc Na Uy và gây áp lực để Phần Lan có thể rút khỏi cuộc chiến và không bị tàn phá. Trong khi thực hiện sứ mạng giải phóng của mình Liên Xô đã mất gần 69 nghìn quân ở Ru-ma-ni, 600 nghìn ở Ba Lan, 8 nghìn ở Nam Tư, 140 nghìn ở Tiệp Khắc, hơn 140 nghìn ở Hung-ga-ri, gần 26 nghìn tại Áo, 102 nghìn người tại Ðức... Không chỉ bảo vệ Tổ quốc, Liên Xô còn cứu cả châu Âu khỏi thảm họa phát-xít, khỏi nguy cơ bị tiêu diệt, theo nghĩa đen. 

Còn về phía những đồng minh trực tiếp tham gia cuộc chiến chống phát-xít, cụ thể là Anh và Mỹ thì sao? Khi giáo sư Mai-cơn Ðê-vít, thuộc Trường đại học tổng hợp Ca-li-pho-ni-a ở Mỹ mới đây ra cho sinh viên một câu hỏi là, trong chiến tranh thế giới thứ hai người Nga chiến đấu ở phe nào thì đa số họ đã không tìm được lời đáp. Nhiều bạn trẻ Mỹ cho rằng "có lẽ là ở phe Ðức phát-xít và Nhật" (!) Mọi cố gắng của vị giáo sư sử học này để giải thích một sự kiện không ít phần quan trọng như vậy thoạt đầu chỉ làm cho sinh viên nghi hoặc và phản ứng. Theo lời giáo sư Ðê-vít, người Mỹ không khi nào muốn thừa nhận công lao của Liên Xô trong cuộc chiến này, và khó hiểu cũng như tiếp thu một sự thật là, Mỹ và Liên Xô đã từng là đồng minh chống phát-xít, chứ chưa nói đến việc quân đội Xô-viết đã hy sinh như thế nào để cứu sống bao nhiêu triệu người ở châu Âu.

Theo quan điểm tư tưởng thời chiến tranh lạnh kéo dài hàng chục năm thì hình ảnh Liên Xô trong con mắt dân chúng phương Tây chỉ là lãnh tụ độc tài Xta-lin, các tướng lĩnh bất tài, dân chúng sẵn sàng chấp nhận ách nô lệ. Một đất nước như vậy theo họ không thể đóng vai trò quyết định trong việc đánh bại chủ nghĩa phát-xít. Vòng nguyệt quế chiến thắng thuộc về các nước phương Tây chỉ bởi vì khi đó họ đã là "những nước dân chủ", chứ không phải là "thành trì của chủ nghĩa độc tài" như Liên Xô. Trong cuốn sách lịch sử quân sự Mỹ đã viết về Liên Xô như sau: "Sự đóng góp của Liên Xô đã bị cường điệu hóa, bởi vì ở phía đông chiến tranh chỉ diễn ra trên một mặt trận trên bộ, trong khi ở phía tây phe đồng minh đã chiến đấu cả trên hai mặt trận bộ binh, trên không và trên biển".

Thật sự thì vào thời điểm năm 1944 chỉ một mặt trận Xô - Ðức đã bốn lần lớn hơn tất cả các mặt trận mà đồng minh Anh và Mỹ chiến đấu cộng lại. Tại mặt trận phía đông có 201 sư đoàn quân Ðức đồng thời tham chiến, trong khi chỉ có từ 2 đến 21 sư đoàn chống cự lại liên quân Anh - Mỹ tại phía tây. Tại mặt trận Tây Âu, quân đồng minh có 1,5 triệu người, còn quân Ðức có 560 nghìn, trong khi đó ở mặt trận Xô - Ðức quân Ðức đã tập trung 4,5 triệu quân và tại đó có 6,5 triệu quân Xô-viết chiến đấu. Quân Ðức đã chịu tổn thất lớn nhất trong các trận chiến với Hồng quân Liên Xô, tại đó Ðức mất 70% số quân và 75% tổng số các phương tiện kỹ thuật quân sự, bao gồm xe tăng, máy bay và pháo các loại.

ÐỂ trả lại cho lịch sử sự thật chân chính của nó có thể dẫn lại những dòng chữ của Thủ tướng Anh Sớc-sin trong thư gửi Xta-lin: "Chính quân đội Nga đã rút ruột bộ máy chiến tranh Ðức...", hay như lời đương kim Tổng thống Mỹ Bu-sơ nói với Tổng thống Nga Pu-tin trong lễ kỷ niệm 60 năm quân đồng minh đổ bộ lên Noóc-măng-đi mới đây: "Nếu không có nước Nga, sẽ chẳng có tất cả những sự kiện này...".

Tới dự lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng phát-xít diễn ra tại Mát-xcơ-va ngày 9-5 tới đây có ít nhất 53 vị nguyên thủ quốc gia và Tổng thư ký LHQ. Nhưng đó không phải là dịp để tính toán công lao của các bên trong chiến thắng, mà là dịp để tưởng niệm những con người ưu tú của tất cả các dân tộc trên thế giới đã ngã xuống để bảo vệ nhân loại khỏi chủ nghĩa phát-xít, để tôn vinh lòng quả cảm và sự hy sinh vô bờ bến của nhân dân các nước, trong đó có Liên Xô trong cuộc chiến bảo vệ tự do và phồn vinh của nhân loại, và để các thế hệ ngày nay một lần nữa hiểu rõ hơn các sự kiện lịch sử,  tiếp tục chống lại cái ác, chống lại mọi hình thức có thể dẫn đến một chủ nghĩa phát-xít mới.