Đây là thông tin được chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến "Bảo vệ chiến sĩ áo trắng trước làn sóng thứ 2 dịch Covid-19" do Công đoàn Y tế Việt Nam (Bộ Y tế) phối hợp cùng Tạp chí Lao động và Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức sáng 5-8.
Chuẩn bị sẵn nguồn lực y tế để sẵn sàng chi viện cho tuyến đầu
Theo ThS Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam, tỷ lệ 6% cán bộ y tế mắc Covid-19 làm chúng ta phải quan tâm, vì một cán bộ y tế mắc bệnh kéo theo đó là đồng nghiệp của họ trong khoa, trong bệnh viện rơi vào trạng thái cách ly, không có người phục vụ bệnh nhân. Chính bản thân họ cũng mang nguồn bệnh phục vụ bệnh nhân tăng nguy cơ cho bệnh nhân.
“Các bác sĩ, điều dưỡng là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nhất khi họ phải chăm sóc bệnh nhân dài ngày hay thực hiện các thủ thuật có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Việc chính các bác sĩ, các điều dưỡng lại trở thành bệnh nhân, đây là trạng thái đảo chiều mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng không muốn.
Sức khoẻ của các bác sĩ, điều dưỡng hiện nay không phải là tài sản riêng của họ mà chính là tài sản của hệ thống y tế, bởi nếu họ bị nhiễm bệnh thì bệnh nhân sẽ không được chăm sóc tốt nhất và hệ thống của chúng ta sẽ bị thiếu đi một lực lượng phục vụ”, ông Mục chia sẻ
Dịch Covid-19 đợt 2 ghi nhận hơn 200 người dương tính nhưng đã bắt đầu xuất hiện sự thiếu hụt nguồn nhân lực y tế. Bộ Y tế đã điều những cán bộ giỏi đến Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng cũng đã kêu gọi những tỉnh thành như Hải Phòng, Bình Định, Bình Thuận… gửi các bác sĩ đến hỗ trợ, chi viện cho Đà Nẵng.
Việt Nam đang thiếu hụt cán bộ y tế, số cán bộ y tế thấp hơn một số nước trong khu vực. Nếu kịch bản có thêm những ca bệnh, sẽ xuất hiện tình huống thiếu hụt nguồn nhân lực y tế.
“Một trong những điều cần quan tâm là chuẩn bị một nguồn nhân lực để sẵn sàng chi viện. Nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục gia tăng, chúng ta có thể rơi vào tình trạng thiếu nhân lực, trong đó quan trọng nhất là các bác sĩ, chuyên gia, điều dưỡng về hồi sức cấp cứu, vì các bệnh nhân đang rất cần lực lượng này”, ThS Phạm Đức Mục nói.
Ông Mục cũng đề nghị những người chịu trách nhiệm mua sắm, lãnh đạo các cơ sở y tế không để các trang thiết bị tái chế, không bảo đảm chất lượng lọt vào các bệnh viện, cơ sở y tế. Bởi các thiết bị phòng hộ là một trong những lá chắn bảo vệ cán bộ nhân viên y tế, các bệnh viên phải tăng cường kiểm tra, giám sát.
Đối với các ca phát hiện tại Đà Nẵng, TS. Kidong Park cho rằng, đó là lời nhắc nhở chúng ta lưu ý số ca bệnh thấp và ít không có nghĩa là dịch không còn lây lan. Bởi có những ca nhiễm có thể không có biểu hiện ra bên ngoài. Thứ hai, đại dịch chưa thể chấm dứt ngay nên cần cảnh giác. Và thứ ba, công tác phòng ngừa nhiễm khuẩn trong các bệnh viện cơ sở y tế phải thực hiện toàn bộ thời gian chứ ko chỉ thời điểm dịch bùng phát.
Động viên tinh thần tốt nhất cho cán bộ y tế tuyến đầu
PGS, TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin có 14 cán bộ y tế mắc Covid-19, Công đoàn ngành y tế đã hỗ trợ về mặt kinh tế và tinh thần cho các cán bộ y tế.
"Mới đây, chúng tôi cũng có văn bản gửi tới 16 đơn vị y tế đang có cán bộ tăng cường tại miền Trung, trong đó công đoàn cần quan tâm đến gia đình những cán bộ đi làm nhiệm vụ, đặc biệt thống kê những gia đình có điều kiện khó khăn, vận động các cán bộ y tế ở lại hỗ trợ trực tiếp gánh vác trách nhiệm chung, tăng cường khen thưởng kịp thời đối với các cán bộ này", PGS, TS Phạm Thanh Bình chia sẻ.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh, chúng ta đang bước vào giai đoạn 2 của dịch bệnh với nhiều thách thức, phức tạp, diễn biến khó lường. Dù vậy, người dân cần hết sức bình tĩnh, thực hiện nghiêm các chỉ dẫn của cơ quan y tế để chúng ta có được những kịch bản tốt sát thực với diễn biến của từng địa phương.
Với ngành y tế, chúng ta vừa được Thủ tướng gửi thư động viên, các cán bộ y tế càng phải quyết tâm, cần phải bình tĩnh, thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Y tế.
Để kiểm soát được dịch bệnh, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt phân luồng cách ly, đặc biệt là thực hiện xét nghiệm. Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải nâng cao cảnh giác, thấy người bệnh có triệu chứng ho, sốt khó thở cần tổ chức cách ly và xét nghiệm ngay, đây là biện pháp cực kỳ quan trọng để ngăn chặn bệnh lây lan.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến những người cao tuổi, người có bệnh nền như đang phải chạy thận, tim mạch, tiểu đường,… vì đây là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
So với Bệnh viện Bạch Mai, toàn bộ các bệnh nhân trong đợt dịch này đều lây lan ra từ Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Điều này cho thấy nguy cơ từ ở ổ dịch này cao hơn rất nhiều so với Bệnh viện Bạch Mai.
Đặc biệt, ở Đà Nẵng, dịch bệnh đã tấn công thẳng vào khu vực bệnh nhân nặng chạy thận nhân tạo, bệnh nhân tim mạch, bệnh nhân già yếu,…Hiện tại có những bệnh nhân quá nặng, có bệnh nhân chạy thận nhiều năm, suy tim, có bệnh nhân trăm tuổi. Do đó, số lượng ca tử vong sẽ nhiều.
Tuy nhiên, ông Khuê cũng nhấn mạnh: "Nếu chúng ta quyết liệt thì tôi tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chúng ta sẽ quyết tâm chiến thắng”.