Nô-en của Ních-xơn
Ghi nhanh
Chỉ còn nguyên vẹn trên bức tường rạn nứt là tấm lịch mang hình một nữ chiến sĩ giải phóng quân, tờ lịch đề ngày 22-12. Sách và tài liệu khoa học, báo chí y học tung tóe ngập đến ngang người. Mảng trần rơi xuống trúng bàn làm việc và chiếc giường sắt đơn giản. Ðó là phòng nghiên cứu của Giáo sư Trần Hữu Tước, Viện trưởng Viện tai mũi họng.
Chúng tôi - Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên và phóng viên Báo Nhân Dân - tìm thấy Giáo sư ở bên cạnh một hố bom sâu hoác, trái bom đè sập lên khoa da liễu. Vị Giáo sư cao tuổi lom khom trên đống đổ nát, nhấc từng viên gạch bốc đi, bới bằng tay rất nhẹ nhàng, đến một người nhà bị bom bới tìm của cải của chính mình cũng không thể kiên nhẫn đến như thế. Chúng tôi đến nơi thì Giáo sư cùng đồng sự vừa bưng lên được chiếc máy quý dài hơn một thước, đầy nút điện tinh vi.
- Còn chữa được! - Giáo sư vui sướng reo lên và khoe với chúng tôi - Máy dạy trẻ em câm điếc do bẩm sinh hay do tai nạn chiến tranh các anh ạ. Dạy nói được. Dạy nghe được. Bằng cách phát sóng cảm ứng. Chiếc máy đầu tiên của ta về loại này. Cần nó lắm các anh ạ.
Chúng tôi được biết chiếc máy này đã chữa cho nhiều em nhỏ của chúng ta ở Quảng Trị mang ra.
Lần lượt, Giáo sư dẫn chúng tôi đi thăm những gì còn lại của phòng hội chẩn về tai mũi họng, lớp giảng của Giáo sư, phòng mổ của khoa, đèn mổ bị hơi bom hất ngược, phòng để máy hấp khử trùng do nhân dân Pháp tặng đổ nát hết. Vừa đi, Giáo sư vừa nhặt nhạnh đủ thứ, từ một tờ bệnh án nhàu nát đến ngăn kéo tủ ướp lạnh. Bước xuống phòng mổ dưới hầm, Giáo sư dừng lại trên cầu thang:
- Phải biểu dương nhiều những anh chị em y bác sĩ và nhân viên đã cứu bệnh nhân xuống đây, các anh ạ. Lúc đó, hơi bom quạt xuống, gió lùa xuống cầu thang này như bão thổi, đứng yên cũng không vững nữa, mà còn phải cõng người bệnh.
Một nhân viên ôm một ôm đồ chơi chạy đến trình Giáo sư:
- Tìm thấy mấy đồ chơi còn lại này của các em, thưa anh. Ðây là những đồ chơi và đồ dùng dạy học mà khoa đã đi xin khắp nơi về cho lớp học của các em câm điếc. Thuyền nhựa, tàu nhựa, ô-tô bằng nhựa, sách dạy chữ cái bằng tranh màu của các nước.
Chế Lan Viên ứa nước mắt khóc và Nguyễn Tuân phát hiện con chó bông đồ chơi của các em cũng bị mảnh bom Mỹ chém ở ngang cổ.
Khu vườn cây to bóng mát hôm nào của bệnh viện, cả một cảnh rừng bị bom B.52 tàn phá. Chỉ có khác là rừng này phủ một lớp bụi đỏ lầm lên của gạch ngói.
Anh Tước nghỉ tay để tiếp chuyện chúng tôi. Từ sáng sớm, ngay sau đợt báo động cuối cùng đêm trước, anh đã cùng đồng sự đi bới tìm máy móc, dụng cụ.
- Tôi nhấc những viên gạch lên - bác sĩ quên hết những giờ căng thẳng, kể chuyện - còn nhiều con chim sẻ bị vùi lấp từ sớm hôm qua mà vẫn sống, các anh ạ. Thấy người, tự chúng nó nhảy vào tay tôi liền.
Ðỗ Doãn Ðại, bác sĩ Viện trưởng Bệnh viện Bạch Mai, vừa đi đưa đám một nữ đồng chí làm tại bệnh viện này hy sinh, nét mặt còn đầy xúc động, gặp chúng tôi là đưa ngay cho chúng tôi mỗi người một tấm thiếp. Ðó là thiếp mời cưới của một đôi vợ chồng bác sĩ trẻ ở bệnh viện này. Lễ cưới định vào chiều Nô-en. Nhưng cô dâu chính là đồng chí nữ bác sĩ Khoa Ðiện quang không còn nữa mà bác sĩ Viện trưởng vừa đi đưa đám.
Bác sĩ Viện trưởng cho biết toàn thể người bệnh an toàn. Nhưng một số y bác sĩ và nhân viên phục vụ tận tụy với bệnh nhân đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Ðồng chí Huyến, Bí thư Ðảng ủy viện, và bác sĩ Viện trưởng cho đến đợt báo động đêm qua vẫn còn chui sâu vào các hầm được giải tỏa, cứu những người cuối cùng sống sót.
Ở hầm của C.3 bị cả một khối nhà lớn đè sập, cần cẩu và người mới bóc tường hầm, gỡ gạch, sỏi và xi-măng cốt sắt được nửa chừng. Một mảng tóc dài bị kẹp giữa những mảng tường hầm bị sập. Ðào đến hàm răng thì người ta nhận mặt được của chị Quất, một nhân viên rất cần mẫn của Khoa Nội.
Tất cả cán bộ, nhân viên có mặt òa lên khóc.
Nguyễn Tuân ngả mũ sắt, cúi đầu mặc niệm, và chạy ra đứng một mình bên một hố bom, anh chùi nước mắt.
Theo bác sĩ Viện trưởng, cơ sở bị đánh thiệt hại nặng nhất của bệnh viện là Khoa Huyết học. Ních-xơn vốn thâm thù máu chúng ta, máu người.
Bức tường cáo thị của bệnh viện còn ghi trong ba ngày lễ lớn của ta, có nữ Giáo sư Y-von Cáp-đơ-vin, Khoa Di truyền học của Trường đại học Pháp Oóc-xây đến báo cáo ba buổi về đề tài y học trao đổi văn hóa. Buổi thứ ba giới thiệu khái quát về giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở Trường đại học Oóc-xây phải hoãn lại vì ngày 22 bệnh viện bị bom Mỹ phá tan hoang.
Nữ Giáo sư, đúng giờ hẹn, vẫn đến gặp các đồng nghiệp Việt Nam của mình. Nhìn cảnh tượng một bệnh viện lớn sau cơn mưa bom, nữ Giáo sư thốt lên: "Tôi sẽ không làm khoa học nữa. Tôi sẽ làm chính trị". Và nghiêng mình kính viếng những y bác sĩ Việt Nam bị bom Mỹ giết, nữ Giáo sư, nén chặt đau đớn, nghĩ đến Ních-xơn:
- Ðây là ngày ghi sâu tội ác của tên giết người.
Ðúng ngày hôm đó, đúng vào giờ ném bom rải thảm B.52 đó, có tin hai vợ chồng tên giết người từ Oa-sinh-tơn đi Ki Bi-xcan ăn Tết Nô-en.
Tiệc máu Nô-en. Có mừng Chúa không, Ních-xơn?